Cung đường xuân

Mùa xuân đến, bản làng thêm những cung đường mới như được vẽ bức tranh đầy sắc màu. Quê hương đổi thay từng ngày nhờ có đường giao thông được mở rộng, bê tông hóa; những cây cầu nối đôi bờ xa cách mở ra cơ hội giao thương hàng hóa, làm giàu cho quê hương.

Năm 2023, cùng với mạng lưới đường bộ hiện đại được đưa vào khai thác, hệ thống đường giao thông nông thôn trong tỉnh tiếp tục được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế nâng cao đời sống. Toàn tỉnh đã hoàn thành 228,8 km đường giao thông nông thôn, trong đó có 103 km đường nội đồng, 126 km đường thôn và 39 cầu trên đường giao thông nông thôn. Như vậy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tuyên Quang đã hoàn thành 708,78/1.080 km, hoàn thành 116/200 cầu trên đường giao thông nông thôn.

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội cho tỉnh Tuyên Quang.

Đạt được kết quả này, ngay từ đầu các năm, Sở Giao thông - Vận tải đã tham mưu với UBND tỉnh sớm ban hành quyết định thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2020 - 2025. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thi công các công trình bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp, ủng hộ xây dựng cầu đường được thực hiện bài bản, nhờ đó đường làng, ngõ xóm ngày càng khang trang hơn.

Con đường qua nhà anh chị Trịnh Lệ Mỹ và Nguyễn Văn Quyến ở làng Quyết Thắng, xã Trường Sinh (Sơn Dương) mới được bê tông hóa với chiều dài gần 1 km. Chị Mỹ cho biết, con đường trước đây đã được bê tông rồi nhưng làm đã quá lâu, giờ xuống cấp nghiêm trọng, bong tróc, có chỗ sụt lún cả mảng lớn đi lại rất khó khăn, nhất là bọn trẻ đi học, tiếng xe đạp kêu lộc cộc, xóc nảy đom đóm mắt, nhìn rất thương cảm. Giờ con đường đã được làm mới, rộng 5 m phẳng phiu, xe cộ đi lại êm ru. Nhà chị làm dịch vụ mổ thịt trâu, bò, khách đến thuận lợi hơn rồi, vợ chồng chị vui lắm. Nhà chị Mỹ đã xây kiên cố 2 tầng, ngay mặt đường bê tông, nom “oách” nhất xóm. Ai cũng khen ngợi hai vợ chồng trẻ chịu khó làm ăn, giàu “non” cũng phải. Nhưng chị Mỹ thì cho rằng, ngoài chịu khó, thuận vợ thuận chồng thì phải “thiên thời, địa lợi”. Ở đây theo chị là có đường tốt, được kết nối giữa làng với làng, xã với xã, tỉnh này với tỉnh kia, nhờ đó hàng hóa được bán thuận lợi. Đây chính là địa lợi còn gì.

Trên những cung đường xuân, ta bắt gặp nụ cười hiền hậu của các mẹ, các chị và nhiều người dân khi quê hương ngày càng thay đổi nhờ chủ trương bê tông hóa đường làng và xây cầu. Những con đường mới được hoàn thành không chỉ có sự hỗ trợ của Nhà nước mà còn có công sức và hy sinh của nhiều hộ gia đình hiến đất và đóng góp tiền của. Ông Vương Quốc Tuần, Trưởng thôn Làng Mãn 1, xã Thái Hòa (Hàm Yên) cho biết, thôn đã cán đích trước kế hoạch bê tông hóa đường làng. Theo kế hoạch của xã, năm 2024 thôn mới tiến hành bê tông 380 m đường nhưng bà con khí thế lắm, đăng ký làm luôn trong năm 2023. Con đường qua khu vực sản xuất nên người dân phải đóng góp khá nhiều. Phát huy tinh thần gương mẫu của Bộ đội Cụ Hồ, Cựu chiến binh Đỗ Xuân Cương đã ứng trước 133 triệu đồng để mua cát sỏi, giúp bà con làm đường. Trưởng thôn Làng Mãn 1 Vương Quốc Tuần chia sẻ, ông Cương thực sự là gương sáng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực để người dân thi đua, hoàn thành xây dựng con đường. Tết này có đường mới đẹp rồi, nhà nhà vui tươi, phấn khởi lắm.

Tuyến đường bê tông nội đồng Nà Bó Phẻn, thuộc thôn Nà kham, xã Năng Khả (Na Hang) đã giúp sản xuất của Nhân dân được thuận lợi hơn. Ảnh: Lê Duy

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 116 cây cầu bắc qua đường giao thông nông thôn. Nhịp cầu nhỏ nối niềm vui lớn của người dân, bởi xưa nay phải đi trên cây cầu tre vắt vẻo, rất nguy hiểm, nhất là khi mùa mưa bão đến. Nhớ lại những tháng ngày vận động xây dựng cầu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Kham, xã Năng Khả (Na Hang) Hoàng Thị Huế vẫn chưa hết “hoảng”. Bởi là, người dân chưa hiểu ra, chỉ lo làm cầu xâm lấn vào đất sản xuất nên nhiều hộ phản đối và đặt điều tiếng cho bà. Bà Huế kiên trì vận động, người dân đã hiểu giá trị của cây cầu bê tông thay cho cầu gỗ trước đó nên đã có nhiều hộ hiến đất xây cầu tiêu biểu như gia đình ông Đặng Văn Việt, ông Nguyễn Hoài Nam mỗi nhà hiến trên 300 m2 đất. Có đường mới, cầu được làm kiên cố người dân Nà Kham đang nỗ lực giảm nghèo, cho mỗi mùa xuân thêm vui.

Chủ trương bê tông hóa và xây dựng cầu trên đường đường giao thông nông thôn đã được người dân đón nhận, tạo nên những cung đường xuân ấm áp ở khắp các bản làng. Đây là động lực để xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân, góp phần đưa Tuyên Quang trở thành điểm đến hấp dẫn...

Thành Công

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kinh-te/cung-duong-xuan-187659.html