Củng cố niềm tin của Nhân dân

Cùng với cử tri cả nước, cử tri Thừa Thiên Huế đã kiến nghị nhiều vấn đề đến Kỳ họp họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Cử tri vui mừng với chính sách cải cách tiền lương áp dụng từ ngày 1/7/2024 (Trong ảnh: Chi trả lương hưu ở phường Thuận Hòa, TP. Huế)

Cử tri vui mừng với chính sách cải cách tiền lương áp dụng từ ngày 1/7/2024 (Trong ảnh: Chi trả lương hưu ở phường Thuận Hòa, TP. Huế)

Vui mừng xen lẫn lo âu

Thời gian qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn, tháo gỡ khó khăn, phục hồi đà tăng trưởng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Từ các buổi tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho thấy, Nhân dân đánh giá cao những chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia, ổn định và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước trong tình hình quốc tế có nhiều biến động, khó khăn và phức tạp. Đặc biệt, nhiều cử tri bày tỏ sự tin tưởng Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay. Nhiều vụ án tham nhũng mới được phát hiện và các cá nhân liên quan đang giữ chức vụ cao trong hệ thống chính trị cũng bị xử lý hình sự theo quy định pháp luật, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Tại Thừa Thiên Huế, sự kiện quan trọng gần đây là Lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư năm 2024. Việc Quy hoạch tỉnh được phê duyệt là cơ hội để Thừa Thiên Huế tiếp tục khai thác hiệu quả hơn nữa vị trí kinh tế - chính trị của địa phương, phát huy thế mạnh đặc thù, tận dụng thời cơ trong giai đoạn mới, nhằm phát triển nhanh và bền vững.

Cử tri Lê Cẩn (TX. Hương Thủy) bày tỏ vui mừng khi Thừa Thiên Huế đang dần tiến về đích trong nỗ lực xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. “Quy hoạch tỉnh đã được công bố. Trong quá trình xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đã tiến hành lấy ý kiến cử tri ở một số nội dung, qua đó giúp chúng tôi có thể đóng góp phần nào vào thành công chung của tỉnh”, ông Cẩn nói.

Đối với những chính sách cụ thể của Đảng và Nhà nước, cử tri nhiều địa phương đặc biệt quan tâm đến vấn đề cải cách tiền lương áp dụng từ ngày 1/7/2024. Cử tri kỳ vọng chính sách tiền lương mới sẽ bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Mặc dù vậy, cử tri lo lắng về tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động đến thị trường trong nước, giá cả một số mặt hàng đều biến động tăng, tạo áp lực không nhỏ đến việc chi tiêu của người tiêu dùng. Đặc biệt, diễn biến thời tiết không thuận lợi trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng trực tiếp đến sống của người dân. “Nông dân đã có một mùa vụ thuận lợi, tuy nhiên, gần đây, nắng nóng cùng với tình trạng xâm nhập mặn khiến chúng tôi lo lắng về nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian sắp tới”, ông Đặng Văn Hùng (xã Hương Phong, TP. Huế) chia sẻ.

Cần hoàn thiện hạ tầng giao thông

Theo Đoàn ĐBQH tỉnh, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp 17 nội dung kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành để xem xét, giải quyết. Qua quá trình theo dõi, đến nay Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận được 16 nội dung trả lời của các bộ, ngành liên quan. Đối với 1 kiến nghị còn lại liên quan về hướng dẫn trình tự, thủ tục thanh lý rừng trồng và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ thanh lý rừng trồng không thành rừng, rừng trồng không có khả năng thành rừng chưa được trả lời, Đoàn ĐBQH tỉnh đang tiếp tục phối hợp với Ban Dân nguyện của Quốc hội để đôn đốc bộ, ngành trả lời theo đúng thời gian quy định.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri Thừa Thiên Huế tiếp tục có nhiều kiến nghị. Đó là chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng khó khăn về nhà ở đang còn phân tán ở nhiều chính sách và các mức hỗ trợ không giống nhau dẫn đến việc so sánh về mức hỗ trợ. Cử tri mong muốn Chính phủ nghiên cứu để ban hành thống nhất một chính sách hỗ trợ nhà ở chung và có mức hỗ trợ như nhau với tất cả các đối tượng khó khăn về nhà ở và tập trung vào một đầu mối quản lý, hỗ trợ.

Trên lĩnh vực giao thông, ý kiến đáng chú ý của người dân sống xung quanh khu vực tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn phản ánh tuyến đường này cắt ngang qua các vùng sản xuất nông nghiệp, gây khó khăn cho quá trình đi lại, vận chuyển nông, lâm sản cho người dân trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quan tâm chỉ đạo đơn vị thi công trong quá trình thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án tiếp theo của cao tốc Cam Lộ - Túy Loan tiếp tục nghiên cứu hệ thống đường gom, đường dẫn, cầu chui dân sinh, hoàn trả các đường công vụ, tính toán khẩu độ các cống thoát nước, có biện pháp gia cố mái taluy nền đường, nghiên cứu, bố trí dải phân cách cứng, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng cho phù hợp.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu đánh giá, những kiến nghị của cử tri là chính đáng, bởi mong muốn của họ là muốn giải quyết bất cập đang tồn tại trong thực tiễn cuộc sống. “Những kiến nghị của cử tri đã được chúng tôi tổng hợp chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan để giải quyết”, bà Sửu nói.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/cung-co-niem-tin-cua-nhan-dan-141055.html