Củng cố mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương

Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong ngày 20-10 ở Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo EU đã đưa ra thông điệp đoàn kết trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức to lớn.

Theo AFP, Tổng thống Mỹ Biden và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đồng chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU tại Nhà Trắng. Đây là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU lần thứ hai dưới thời chính quyền Tổng thống Biden. Hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào tháng 6-2021.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU lần này diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, khi xung đột vẫn tiếp diễn ở Ukraine và xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas nổ ra trong tháng này. Do đó, các nhà lãnh đạo Mỹ và EU mong muốn thể hiện sự phối hợp chặt chẽ trong phản ứng trước các cuộc xung đột.

Quang cảnh cuộc gặp giữa Chủ tịch EC Ursula von der Leyen (bên trái), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Nhà Trắng ngày 20-10. Ảnh: AP

Phát biểu với các phóng viên sau khi kết thúc hội nghị, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Những xung đột này cho thấy các nền dân chủ phải sát cánh cùng nhau”. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel tuyên bố EU và Mỹ đang “xây dựng một mặt trận thống nhất”. Ông Michel nêu rõ: “Hiện nay, thế giới đang phải đối mặt với những thách thức to lớn.

Hơn bao giờ hết, thế giới cần một Liên minh EU-Mỹ mạnh mẽ để giải quyết những thách thức này”. Về phần mình, Tổng thống Biden khẳng định, Mỹ và EU sát cánh cùng nhau trong ứng phó với các cuộc xung đột. Theo tuyên bố chung sau hội nghị, hai bên cũng bày tỏ lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày càng tồi tệ ở dải Gaza. Tuyên bố nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải ngăn chặn leo thang xung đột trong khu vực”.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU, các nhà lãnh đạo đã tập trung đánh giá các dự án hợp tác, tìm cách thu hẹp những khác biệt để củng cố mối quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, hướng tới ứng phó hiệu quả hơn với các cuộc khủng hoảng, cũng như cân đối lại nền kinh tế thế giới. Mỹ và EU đã hy vọng hai bên có thể giải quyết các tranh chấp thương mại, bao gồm cả vấn đề nhôm và thép nhập khẩu của châu Âu, vốn là mục tiêu bị áp thuế vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump.

Mặc dù việc áp thuế đã bị đình chỉ vào năm 2021 dưới thời Tổng thống Biden, song biện pháp này có thể được kích hoạt trở lại nếu Mỹ và EU không đạt được thỏa thuận nào vào cuối năm nay. Tuyên bố cuối cùng sau hội nghị cho biết: “Chúng tôi mong muốn tiếp tục đạt được tiến bộ về những mục tiêu quan trọng này trong hai tháng tới”.

Tại sự kiện này, hai bên cũng không đạt được thỏa thuận nào về các khoáng sản quan trọng theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ. Theo IRA, các công ty phải cung cấp bằng chứng về tỷ lệ % khoáng sản nhất định đến từ Mỹ hoặc các đối tác đã ký kết hiệp định tự do thương mại với Washington trong pin ô tô điện để có thể hưởng trợ cấp từ đạo luật này. Lâu nay, các nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ lo ngại rằng các khoản trợ cấp theo IRA cho công nghệ năng lượng sạch sẽ giúp các công ty Mỹ cạnh tranh tốt hơn các đối thủ châu Âu.

Theo trang mạng atlanticcouncil.org của tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Washington, ngoại giao xuyên Đại Tây Dương không còn có thể chỉ xoay quanh mối quan hệ đối tác mà hai bên muốn tăng cường. Thay vào đó, nhiệm vụ chính của mối quan hệ này phải là xây dựng những nỗ lực chung nhằm bảo đảm an toàn và sự phát triển bền vững hơn cho người dân Mỹ và châu Âu, phù hợp với các giá trị dân chủ của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/cung-co-moi-quan-he-doi-tac-xuyen-dai-tay-duong-748153

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/618944-cung-co-moi-quan-he-doi-tac-xuyen-dai-tay-duong.html