Cùng chung tay giám sát an toàn thực phẩm

Tại cuộc họp báo về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tổ chức chiều 30-11, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng và lãnh đạo các cơ quan chức năng đã giải đáp nhiều vấn đề "nóng" mà phóng viên nêu ra. Ông Dũng mong các cơ quan báo chí đồng hành cùng chính quyền, người dân thành phố tham gia giám sát, kể cả chỉ ra những hạn chế, yếu kém, những kẽ hở trong công tác quản lý với mục tiêu đưa đến bữa ăn an toàn cho người dân.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng và ngành chức năng giải đáp thắc mắc của báo chí tại buổi họp báo.
Ảnh: C.K

90% rau tại Đà Nẵng là nhập

Tại cuộc họp báo, rất nhiều phóng viên quan tâm đến khả năng tự cung cấp rau củ quả cho nhu cầu sử dụng của người dân. Phóng viên ICT Đà Nẵng cho rằng, lâu nay các cơ sở trồng rau trên địa bàn thành phố, chủ yếu là ở H. Hòa Vang chỉ cung cấp được khoảng 10% nhu cầu sử dụng hàng ngày của người dân TP. Việc phải nhập tới 90% rau từ các địa phương khác sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như đảm bảo an toàn khi đến tay người tiêu dùng. Trong tương lai, chính quyền và ngành chức năng sẽ làm gì để diện tích rau sạch được tăng thêm, người dân được sử dụng rau địa phương và yên tâm về chất lượng. Ông Nguyễn Đỗ Tám - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, theo quy hoạch chung thì TP đang có 80ha sản xuất rau. Ngay trong năm 2017, với nhiều dự án ra đời, diện tích đất sản xuất rau, củ của Đà Nẵng sẽ tăng thêm khoảng 40ha so với hiện tại. Tuy chưa thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của người tiêu dùng nhưng cũng sẽ góp phần vào thị trường rau ở các chợ.

Phó Chủ tịch Đặng Việt Dũng cho biết thêm, thành phố sẽ kêu gọi nhiều doanh nghiệp lớn trên lĩnh vực sản xuất rau an toàn vào phối hợp cùng người dân triển khai các dự án quy mô. Việc này không những đưa đến cho người dùng rau củ đạt chất lượng mà còn tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao tính chuyên nghiệp trong sản xuất cho người nông dân. "Đã giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật, giống cây để người dân yên tâm đối với sản phẩm của họ và có thị trường để tiêu thụ. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng sẽ liên kết với các tỉnh bạn phối hợp và cùng cam kết cung ứng nguồn rau đạt chất lượng. Tức là sẽ kiểm tra chặt chẽ từ vùng sản xuất chứ không phải đưa vào chợ rồi mới kiểm tra, xét nghiệm, vừa tốn thời gian vừa tốn kinh phí", ông Dũng cho hay.

Phóng viên Báo Sài Gòn giải phóng hỏi, hiện tại thành phố đã cấp 3.397 giấy chứng nhận cho các cơ sở kinh doanh đạt chuẩn ATVSTP và công bố công khai. Vậy công tác hậu kiểm đối với các cơ sở này sẽ như thế nào để tránh tình trạng được công nhận xong là vi phạm? Ông Đặng Việt Dũng cho rằng: "Khả năng này có thể xảy ra, nhưng mình công bố danh sách, công bố địa chỉ đường dây nóng trên các phương tiện truyền thông rồi. Nếu người tiêu dùng sử dụng dịch vụ hoặc cơ quan báo chí phát hiện họ vi phạm thì hãy cung cấp cho cơ quan chức năng để có cơ sở xử lý. Các cơ sở vi phạm cũng sẽ được công bố rộng rãi cho mọi người được biết; đồng thời sẽ tính đến chuyện rút giấy chứng nhận. Cơ quan quản lý có thể không thể kiểm soát được hết cùng một lúc, nhưng nhân dân và các phương tiện thông tin truyền thông có thể giúp cho chúng tôi rất nhiều trong công tác kiểm tra, giám sát".

Kiểm soát chặt nguồn gốc thịt, cá

Phóng viên Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC hỏi, trong thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều vụ vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đạt chất lượng trên các chuyến xe khách mà đích đến là Đà Nẵng. TP sẽ quản lý như thế nào? Ông Đặng Việt Dũng giải thích: "Nói thế cũng chưa chính xác lắm. Thực phẩm rau củ quả, gia súc, gia cầm đi vào Đà Nẵng thì cũng lớn nhưng không phải là tất cả. Theo chủ trương của TP, từ ngày 1-1-2017 sẽ tổ chức tổng kê khai thực phẩm rau củ quả, heo, bò, gà vào các chợ đầu mối phải được kê khai nguồn gốc rõ ràng. Cơ quan chức năng phải truy xuất được nguồn gốc, nếu phát hiện ra không đảm bảo thì sẽ xử phạt nghiêm. Trước mắt, các chợ đầu mối lớn, sau đó các quận huyện cũng tiến hành ra quân triển khai để làm tương tự".

Phóng viên báo Infonet đặt vấn đề, tại Trung tâm giết mổ gia súc cũng có kiểm dịch, cũng có đóng dấu, nhưng dư luận cho rằng có xảy ra tình trạng nhân viên kiểm dịch giao dấu cho chủ lò mổ tự đóng. Cho nên rất khó kiểm soát. Lập tức ông Nguyễn Đỗ Tám phản ứng: "Nếu như anh biết được ai xin anh nêu cụ thể để chúng tôi xử lý ngay tức khắc". Ông Tám khẳng định, Chi cục Chăn nuôi và thú y của TP làm việc hết sức nghiêm túc. Mỗi một cơ sở giết mổ thường xuyên có cán bộ thú y trực tiếp theo dõi, kiểm tra, đảm bảo an toàn lăn dấu. Gia súc nhập về có cơ sở nhốt riêng để kiểm tra tình hình sức khỏe, nếu có thể được thì sẽ lấy nước tiểu để kiểm tra có chất tạo nạc hay các loại chất cấm khác. Trước đây có thông tin về chuyển dấu lấy tiền. Chúng ta phải có trách nhiệm nói chính xác, nói đúng chứ không nên đưa những thông tin không chính xác gây mất uy tín của cơ quan chức năng, gây lo lắng cho người dân. "Tôi khẳng định không có chuyện đó xảy ra với Chi cục Chăn nuôi và thú y Đà Nẵng", ông Tám nhấn mạnh.

Quy hoạch tổng thể từ sản xuất đến tiêu dùng

Cũng tại buổi họp báo, UBND TP Đà Nẵng đã công bố quyết định phê duyệt đề án "Quản lý ATTP theo quy trình từ sản xuất đến tiêu dùng". Mục tiêu của Đề án này là cho đến năm 2020 Đà Nẵng sẽ quy hoạch tổng thể về ATTP từ sản xuất đến tiêu dùng được triển khai, hệ thống kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Đà Nẵng.

Quyết định do Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng ký cũng đề ra 7 giải pháp 6 dự án thành phần để cụ thể hóa và phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị nâng cao trách nhiệm trong công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng, quản lý, xử lý đối với nhà sản xuất, cung ứng và toàn xã hội về giữ gìn vệ sinh, đảm bảo ATTP. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. UBND TP cũng có Quyết định 35/2016/QĐ-UBND ban hành quy định quản lý ATTP đối với sản phẩm nông lâm thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn và sản phẩm rau, trái cây, thủy sản nhập vào tiêu thụ trên địa bàn.

Kết thúc buổi họp báo, ông Đặng Việt Dũng cho rằng, Chính quyền và ngành chức năng trong thời gian qua đã nỗ lực hết sức trong vấn đề ATTP và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, so với kỳ vọng và nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng thì những kết quả này vẫn chưa đáp ứng được. Chính vì vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới của chính quyền và các cơ quan chức năng là hết sức nặng nề.

Công Khanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_158492_cu-ng-chung-tay-gia-m-sa-t-an-toa-n-thu-c-pha-m.aspx