Cùng cả nước trồng mới 1 tỷ cây xanh

Gần 3 năm trước, ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt đề án thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh 'Vì một Việt Nam xanh' trên quy mô toàn quốc trong giai đoạn 2021-2025. Góp sức cùng cả nước, đến nay tỉnh Ninh Bình đã trồng được gần 3,2/5,5 triệu cây theo kế hoạch, đảm bảo tiến độ đề ra.

Cán bộ và nhân dân huyện Nho Quan tham gia Tết Trồng cây Xuân Giáp Thìn. Ảnh: Trường Giang

Cây xanh được xem như lá phổi của trái đất. Ngoài tác dụng cung cấp nguồn oxy dồi dào cho bầu khí quyển để duy trì sự sống, cây xanh còn có tác dụng cải thiện khí hậu, điều hòa các luồng không khí; ngăn chặn và lọc bức xạ mặt trời, giảm hiệu ứng nhà kính, phân tán nguồn nhiệt, hạn chế tiếng ồn, cản gió, bụi, nhất là ở khu vực đô thị. Ngoài ra, cây xanh còn giữ độ ẩm đất và không khí, điều hòa mực nước ngầm, chống xói mòn, rửa trôi đất, qua đó góp phần giảm thiểu thiên tai, lũ lụt. Bên cạnh đó, cây xanh còn có vai trò quan trọng trong kiến trúc cảnh quan.

Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, các khu công nghiệp, đô thị tập trung được xây dựng ngày càng nhiều ở Việt Nam đã khiến các yếu tố thuộc về tự nhiên, thiên nhiên dần bị mất đi, phát sinh nhiều nguồn ô nhiễm.

Trong những năm qua, biến đổi khí hậu, thiên tai đã và đang diễn ra phức tạp với những yếu tố thời tiết cực đoan, bất thường đã ảnh hưởng rộng khắp đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, môi trường và hệ sinh thái, đe dọa đến sự phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, đẩy mạnh công tác phát triển rừng phòng hộ và trồng thêm nhiều cây xanh là giải pháp hữu hiệu, là hành động quan trọng để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế-xã hội và môi trường của đất nước.

Ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 524 phê duyệt "Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025". Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu từ năm 2021 đến hết năm 2025, cả nước trồng được ít nhất 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây xanh trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn; 310 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Để cùng cả nước thực hiện mục tiêu này, đồng thời góp phần làm đẹp thêm cảnh quan, phát huy tiềm năng du lịch sinh thái, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành kế hoạch số 70/KH-UBND về trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, phấn đấu trồng mới 5,5 triệu cây xanh và 200 ha rừng. Đến năm 2025, diện tích cây xanh đô thị cao hơn so với trung bình của cả nước và đạt 5,5 m2/người.

Giáo viên và học sinh Trường THCS thị trấn Me (Gia Viễn) tham gia trồng cây đầu xuân. Ảnh: Minh Đường

Ông Nguyễn Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để hoàn thành kế hoạch đề ra, thời gian qua, đơn vị chuyên môn chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức rà soát hiện trạng quỹ đất lâm nghiệp trên địa bàn, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch về trồng cây, trồng rừng đảm bảo sát với thực tế, khả thi nhất. Đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện các bước khảo sát, thiết kế, lựa chọn cây trồng có giá trị, phù hợp điều kiện sinh thái của từng vùng. Điều đáng nói là thời gian qua, Ninh Bình đã làm rất tốt việc xã hội hóa công tác trồng cây xanh. Thông qua các cuộc phát động Tết trồng cây vào dịp đầu năm đã vận động, khuyến khích được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia trồng cây. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cụm dân cư chủ động mua cây xanh và tổ chức thực hiện trồng cây, trồng rừng đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.

Hiện nay, tỉnh cũng đã xây dựng được danh mục các loài cây trồng phân theo chức năng và địa điểm trồng để các tổ chức, cá nhân căn cứ vào đó, lựa chọn cây trồng cho phù hợp. Kết quả, từ năm 2021 đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã huy động được hơn 106.722 triệu đồng để trồng cây xanh. Trong đó, ngân sách tỉnh 7.017 triệu đồng (chiếm 6,6%), ngân sách huyện, thành phố: 4.374 triệu đồng (chiếm 4,1%) và nguồn vốn hợp pháp khác là 95.331 triệu đồng (chiếm 89,3%). Gần 3.172.500 cây xanh được trồng mới. Nhiều nhất là ở các huyện: Nho Quan gần 821 nghìn cây, Gia Viễn 600 nghìn cây, thành phố Tam Điệp 668 nghìn cây.

Đặc biệt, đầu năm 2023, được sự tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc (thông qua Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc KFS), Ninh Bình đã khởi động chương trình trồng mới và trồng bổ sung phục hồi 260 ha rừng ngập mặn tại vùng ven biển huyện Kim Sơn. Qua đó, giúp tăng năng lực phòng hộ các tuyến đê biển, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng ven biển.

Nhiệm vụ còn lại từ nay đến năm 2025 chúng ta sẽ phải tiếp tục trồng thêm 2.375.000 cây xanh nữa. Trước mắt, thực hiện "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" nhân dịp Xuân Giáp Thìn năm 2024, 8/8 huyện, thành phố trên toàn tỉnh thực hiện phát động Tết trồng cây, mục tiêu trồng 90.985 cây xanh các loại. Chủ yếu là xoài, vàng anh, ban,sấu, bằng lăng, dổi xanh, keo, kim giao, xà cừ, long não… để dần tiến tới mục tiêu trồng 5,5 triệu cây xanh.

Vì ý nghĩa thiết thực và to lớn của Đề án 1 tỷ cây xanh mang lại, ngay từ lúc này mỗi người dân hãy cùng chung tay để có được một môi trường sống xanh, lành mạnh ngày hôm nay và mai sau. Mỗi người một việc nhỏ, mỗi người cùng góp sức vào trồng cây xanh, tin tưởng chúng ta sẽ đạt được kết quả như mong đợi.

Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/cung-ca-nuoc-trong-moi-1-ty-cay-xanh/d20240216082357186.htm