Cục trưởng Pháp chế lý giải về đề xuất bắt khẩn cấp để dẫn độ

Theo thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Bộ Công an đề xuất bắt khẩn cấp để dẫn độ tội phạm nhằm ngăn chặn đối tượng tiếp tục bỏ trốn.

Vì sao đề xuất bắt khẩn cấp để dẫn độ?

Liên quan việc Bộ Công an đề xuất xây dựng Luật Dẫn độ, thiếu tướng - PGS.TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) - đơn vị chủ trì nghiên cứu xây dựng dự thảo luật cho biết, sau hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007, công tác dẫn độ đã đạt được nhiều hiệu quả.

Cụ thể, Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 38 yêu cầu dẫn độ từ phía cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; Lập và chuyển 68 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên.

Những kết quả đạt được đã góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự mà đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam; Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tuy nhiên, một số quy định về dẫn độ trong Luật TTTP năm 2007 và hoạt động dẫn độ bộc lộ nhiều tồn tại.

Một trong số hạn chế đó là Luật TTTP chưa đề cập đến việc mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị dẫn độ.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên phân tích, sau khi bị dẫn độ về quốc gia yêu cầu, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện thêm các tội phạm mà người bị dẫn độ đã thực hiện trên lãnh thổ quốc gia yêu cầu trước khi bỏ trốn sang quốc gia được yêu cầu, thì các quốc gia có thể thỏa thuận với nhau để mở rộng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị dẫn độ.

Điều này cũng đã được quy định trong các điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, người bị yêu cầu dẫn độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác với tội nêu trong yêu cầu dẫn độ với điều kiện là quốc gia được yêu cầu đồng ý.

Do đó, nếu bổ sung quy định về mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự ngoài hành vi được nêu trong yêu cầu dẫn độ, sẽ giúp tránh bỏ lọt tội phạm.

Đối với đề xuất của Bộ Công an về việc bắt khẩn cấp để dẫn độ, Cục trưởng Cục Pháp chế khẳng định nội dung này hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo ông, Việt Nam là thành viên của 21 điều ước quốc tế song phương về dẫn độ, trong đó có quy định về bắt khẩn cấp người bị yêu cầu dẫn độ trước khi nhận được yêu cầu dẫn độ chính thức.

Cụ thể, trong các trường hợp khẩn cấp, cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết này có thể yêu cầu nước ký kết còn lại bắt giữ người bị yêu cầu dẫn độ trong thời gian chờ yêu cầu dẫn độ chính thức. Điều này giúp tránh trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ tiếp tục bỏ trốn trước khi bị dẫn độ chính thức.

Tránh bỏ lọt tội phạm

Cũng theo thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Luật Dẫn độ khi được thông qua sẽ có tác động rất lớn đến những đối tượng phạm tội đã bỏ trốn ra nước ngoài.

Trước đây, tội phạm có thể lợi dụng các vấn đề chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam để bỏ trốn ra nước ngoài nhằm thoát tội. Tuy nhiên, Luật Dẫn độ sẽ giải quyết tốt bằng những quy định chặt chẽ về các tồn tại này.

Công an Việt Nam phối hợp dẫn độ tội phạm về nước.

Ngoài ra, một nội dung khác được dư luận quan tâm đó là dự thảo Luật Dẫn độ đề xuất cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tuyên hình phạt tử hình nhưng không thi hành hình phạt tử hình...

Cục Pháp chế nhấn mạnh đề xuất này nhằm hướng đến các đối tượng đang bỏ trốn ở nước ngoài với mục tiêu cao nhất là phải đưa bằng được các đối tượng về Việt Nam để trừng trị trước pháp luật, không để bỏ lọt tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, bảo đảm ổn định an ninh, trật tự xã hội.

Bên cạnh đó, hiện nhiều quốc gia, đặc biệt là một số nước châu Âu không quy định hình phạt tử hình. Do đó khi tiến hành xử lý các yêu cầu dẫn độ, các nước này đều đề nghị Việt Nam cam kết không tuyên phạt tử hình hoặc tuyên phạt nhưng không thi hành đối với người phạm tội. Nếu không có cam kết trên, việc dẫn độ sẽ bị từ chối, gây ra hậu quả khó lường.

"Cho nên, việc bổ sung quy định này trong Luật Dẫn độ không chỉ bảo đảm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi tham gia các điều ước quốc tế, mà còn không để bỏ lọt tội phạm, bảo đảm đối tượng phạm tội phải bị trừng trị trước pháp luật", thiếu tướng Phạm Công Nguyên nhìn nhận.

Tính đến tháng 9/2023, công an toàn quốc đã đề nghị hướng dẫn lập yêu cầu dẫn độ 86 đối tượng truy nã bỏ trốn ra nước ngoài. Trong đó, cơ quan chức năng Việt Nam đã dẫn độ 7 đối tượng về nước, phía nước ngoài dẫn độ 9 trường hợp.

Hiện, Bộ Công an đang tích cực đôn đốc một số quốc gia xem xét, giải quyết 48 yêu cầu dẫn độ và lập yêu cầu dẫn độ đối với 18 đối tượng khác.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cuc-truong-phap-che-ly-giai-ve-de-xuat-bat-khan-cap-de-dan-do-192231012061801453.htm