Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa: Tăng cường chống buôn lậu và hàng giả

Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Khánh Hòa đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, với thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Xử lý nhiều trường hợp vi phạm

Ngày 5-3, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh tại tòa nhà Panorama Hotel trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Nha Trang). Tại thời điểm kiểm tra, đơn vị phát hiện cơ sở đang trưng bày và bán 90 đơn vị sản phẩm ví, mũ, thắt lưng, túi xách gắn nhãn hiệu LV, Chanel với tổng trị giá hàng hóa 49 triệu đồng (giá niêm yết). Qua làm việc, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, sổ sách chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa; có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam. Lực lượng QLTT tạm giữ toàn bộ số lô hàng nêu trên để xác minh làm rõ, xử lý theo quy định.

Trước đó, Đội QLTT số 5 đã phối hợp với Công an huyện Diên Khánh tiến hành khám xe ô tô tải mang biển kiểm soát 36H-044.XX do tài xế V.V.Q (trú tỉnh Thanh Hóa) điều khiển, đang giao hàng tại thôn Trung Nam (xã Diên Toàn, huyện Diên Khánh), qua đó phát hiện trên xe có chứa 502 bao đường kính loại 50kg/bao do Thái Lan sản xuất. Tuy người điều khiển xe đã xuất trình 5 bản thể hiện hóa đơn điện tử đối với lô hàng này nhưng qua đối chiếu với các hóa đơn chứng từ đầu vào chủ sở hữu hợp pháp của lô hàng cung cấp, đoàn kiểm tra phát hiện chỉ có 420 bao có hóa đơn chứng từ hợp pháp; 82 bao đường kính nhãn hiệu Erawan Sugar không có hóa đơn chứng từ kèm theo, tổng trị giá hàng hơn 86 triệu đồng. Đội QLTT số 5 đã lập biên bản và trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 75 triệu đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm nói trên.

Theo báo cáo của Cục QLTT tỉnh, 2 tháng đầu năm nay, đơn vị đã chủ trì, phối hợp thực hiện 71 lượt kiểm tra; qua đó phát hiện 60 vụ vi phạm, với tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 437 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã xử lý 66 vụ (6 vụ trước đó chuyển qua), thu nộp ngân sách nhà nước hơn 658 triệu đồng (chủ yếu thu xử phạt vi phạm hành chính). Đồng thời, buộc tiêu hủy 1.496 bao thuốc lá điếu, 373 đơn vị sản phẩm quần áo hiệu Nike, Adidas, Dior và ví cầm tay, túi xách hiệu Chanel, LV; 80 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm; 148 đơn vị sản phẩm phụ tùng xe máy; 50kg trà sấy khô, 69 hũ đậu phụ muối và thu giữ một số hàng hóa vi phạm để xử lý.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra mặt hàng giày dép tại một cơ sở kinh doanh ở huyện Vạn Ninh.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, các đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh phụ kiện, các loại bao bì, tem, nhãn giả; hàng giả sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Sau khi có đơn đặt hàng, các đối tượng mới gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ. Ngoài ra, với sự phát triển của thương mại điện tử, xuất hiện nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng đặc thù của hình thức mua bán online để đưa hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ra thị trường. Trong khi đó, các đối tượng bán hàng trên mạng không có cửa hàng, địa chỉ cụ thể, việc giao, nhận hàng ở nhiều nơi khác nhau, sau đó sử dụng những đơn vị vận chuyển, chuyển phát thu tiền hộ… gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong hoạt động kiểm tra, bắt giữ và xử lý.

Cùng với đó, cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ còn gặp một số vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật. Cụ thể, quy định về thời hạn tạm giữ tang vật vi phạm hành chính là 7 ngày làm việc, gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với những vụ việc phải gửi mẫu, chờ kết quả giám định hay xác nhận của chủ thể quyền sử dụng; quy định về việc rút ngắn thời gian chuyển hồ sơ tới người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính xuống còn 24 giờ…

Ông Nguyễn Hoàng Quy - Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: “Thời gian tới, đơn vị tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Trung ương, địa phương và ngành về công tác QLTT, đặc biệt là các chỉ thị, nghị quyết về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp… Trong đó, chủ động phối hợp, kiểm tra, giám sát và xử lý những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; tập trung nắm tình hình, thu thập và triển khai thực hiện kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024…”.

C.VÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202403/cuc-quan-ly-thi-truong-tinh-khanh-hoa-tang-cuong-chong-buon-lau-va-hang-gia-17969b0/