Cục Quản lý hoạt động xây dựng: Tự hào 65 năm xây dựng và phát triển

Sau 65 năm hình thành và phát triển, trải qua nhiều quá trình sáp nhập, chia tách hay thay đổi tên gọi, Cục Quản lý hoạt động xây dựng luôn tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được Bộ Xây dựng giao. Cục đã có những đóng góp quan trọng trong công tác tham mưu hoạch định chính sách về quản lý hoạt động đầu tư xây dựng; kiến tạo môi trường pháp lý để ngành Xây dựng hội nhập khoa học, công nghệ xây dựng; quản lý xây dựng dự án, công trình; tư vấn và thi công xây dựng bắt kịp với trình độ phát triển ngành Xây dựng của các nước tiên tiến trên thế giới.

Cục đã tham mưu, nghiên cứu và tham gia soạn thảo để Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Quá trình hình thành và phát triển

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, còn miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước. Trước yêu cầu kiến thiết đất nước, ngày 29/4/1958, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa I đã ra Nghị quyết thành lập Bộ Kiến trúc, tiền thân của Bộ Xây dựng ngày nay, để thực hiện chức năng giúp Chính phủ quản lý về kiến trúc, quy hoạch, kiến thiết cơ bản, nhà đất và sản xuất vật liệu xây dựng. Và từ đó, Cục Xây dựng cũng đã được ra đời.

Năm 1959, Cục Xây dựng sáp nhập với Cục Cơ khí điện nước thành Cục Quản lý kỹ thuật.

Năm 1962 lại đổi tên thành Cục Quản lý thi công. Thời kỳ này Cục có chức năng, nhiệm vụ giúp lãnh đạo Bộ chỉ đạo hoạt động thi công xây dựng các công trình trực thuộc Bộ, giúp các Ty Xây dựng địa phương về chuyên môn kỹ thuật.

Giai đoạn năm 1973 - 1988, Cục Quản lý thi công được tách ra thành một số đơn vị và lần lượt trải qua nhiều tên gọi như: Cục Quản lý tiến độ thi công, Cục Quản lý thi công hay Vụ Quản lý xây dựng.

Năm 1988 - 1989, sáp nhập Vụ Quản lý xây dựng, Vụ Đô thị và nhà ở của Bộ Xây dựng với Vụ Tổng hợp của Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước thành Vụ Quản lý Xây dựng cơ bản và đô thị.

Năm 1990, tách Vụ Quản lý xây dựng cơ bản và đô thị thành 2 đơn vị: Vụ Quản lý Xây dựng và Vụ quản lý quy hoạch và đô thị.

Giai đoạn năm 1990 - 2008, Vụ Quản lý Xây dựng tiếp tục được thay đổi với các tên gọi như: Vụ Quản lý Xây dựng, Vụ Chính sách Xây dựng và Vụ Xây lắp.

Ngày 02/4/2008, Vụ Quản lý hoạt động xây dựng được thành lập trên cơ sở sáp nhập và tổ chức lại Vụ Xây lắp với Vụ Khảo sát, thiết kế xây dựng theo Quyết định số 463/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Chức năng, nhiệm vụ của Vụ Quản lý hoạt động xây dựng về cơ bản thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của Vụ Xây lắp và Vụ Khảo sát, thiết kế xây dựng trước đây, ngoài ra bổ sung thêm nhiệm vụ về bảo hộ lao động, quản lý an toàn kỹ thuật xây dựng.

Để tăng cường việc tổ chức thực hiện pháp luật đầu tư xây dựng nâng cao tính chủ động và thực hiện vai trò cơ quan chuyên môn về xây dựng cho Vụ Quản lý hoạt động xây dựng nhằm giải quyết đầy đủ, kịp thời các công việc thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước, kiến tạo môi trường pháp lý lành mạnh cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và hoạt động xây dựng phát huy sáng tạo, đóng góp công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ngày 09/10/2013, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 1001/QĐ-BXD về việc thành lập Cục Quản lý hoạt động xây dựng trên cơ sở tổ chức lại Vụ Quản lý hoạt động xây dựng và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý hoạt động xây dựng.

Luôn vững bước, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh xây dựng, Cục Quản lý hoạt động xây dựng luôn tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ được Bộ Xây dựng giao, trong đó quan tâm thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính đi đôi với tăng cường công tác quản lý nhà nước trong tất cả các giai đoạn của hoạt động xây dựng; nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; các nhà thầu, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, sản lượng sớm đưa công trình vào hoạt động phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt người dân. Đồng thời, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả, công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng đảm bảo việc đầu tư đúng chiến lược, quy hoạch, chương trình, hiệu quả, thời gian thủ tục hành chính đã được rút ngắn, đề cao trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị nghề nghiệp.

Trong lĩnh vực xây dựng chính sách pháp luật: Thời kỳ trước khi Luật Xây dựng được ban hành, Cục đã tham mưu, nghiên cứu và tham gia soạn thảo để Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng. Các thông tư hướng dẫn về việc quản lý đầu tư xây dựng; cấp phép xây dựng; cấp chứng chỉ hành nghề cho tổ chức, cá nhân thiết kế, thi công xây lắp; quản lý hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài…

Kể từ năm 2003 đến nay, Cục Quản lý hoạt động xây dựng đã phối hợp cùng các đơn vị của Bộ Xây dựng tổ chức soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao, cụ thể: Luật Xây dựng năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009; Luật Xây dựng năm 2014; Luật số 62 năm 2020 sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014…

Các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng và các văn bản của Bộ Xây dựng về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình; cấp giấy phép xây dựng; cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; quản lý nhà thầu nước ngoài; quản lý an toàn trong thi công xây dựng…

Việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đối với công tác quản lý các công trình trọng điểm quốc gia: Cục đã cử lãnh đạo và chuyên viên cùng với chuyên gia của các đơn vị khác thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Ban chỉ đạo Nhà nước chỉ đạo, điều hành thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. Cục đã nghiên cứu đề xuất các cơ chế đặc thù áp dụng cho các công trình trọng điểm quốc gia; theo dõi, nắm bắt tình hình thi công, phản án, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Về thẩm định Dự án đầu tư xây dựng, thiết kế công trình, quản lý cấp phép xây dựng: Cục đã thực hiện tốt các công việc thẩm định nhiều dự án, công trình xây dựng; tham gia ý kiến Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án và công trình theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định Nhà nước và các Bộ, ngành đảm bảo chất lượng và thời gian, góp phần quản lý việc đầu tư xây dựng đảm bảo quy hoạch được duyệt, an toàn công trình, an toàn phòng cháy, môi trường và tiện nghi cho người dân và thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án đảm bảo tuân thủ các quy định.

Công tác cấp chứng chỉ năng lực cho tổ chức, hành nghề cho các cá nhân và cấp giấy phép thầu cho nhà thầu nước ngoài cũng được Cục triển khai, phát huy rất hiệu quả; mục tiêu quản lý năng lực hoạt động xây dựng của các doanh nghiệp, cá nhân phải đáp ứng được yêu cầu về trình độ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật khi tham gia hoạt động xây dựng. Tổng kết trong 10 năm gần đây, các tai nạn nghề nghiệp liên quan đến năng lực giảm rõ rệt; chất lượng, trình độ tư vấn, nhà thầu ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, từ khi thành lập Cục Xây dựng của Bộ Kiến trúc, với nhiều lần chia tách và đổi tên, đến năm 2013, Cục Quản lý hoạt động xây dựng được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Vụ Quản lý hoạt động xây dựng. Với chức năng chủ yếu là tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về hoạt động xây dựng. Kế thừa truyền thống và phát huy bề dày lịch sử, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, Cục Quản lý hoạt động xây dựng đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong việc tham mưu, hoạch định chính sách, kiến tạo môi trường pháp lý và đặc biệt tổ chức tốt vai trò thực thi pháp luật trong hoạt động xây dựng. Để đạt được những thành tích và kết quả trên, trong thời gian qua, Cục Quản lý hoạt động xây dựng luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ Xây dựng qua các thời kỳ; nhận được sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong Bộ và các địa phương; được sự ủng hộ của cộng đồng ngành xây dựng; đặc biệt là sự đoàn kết, tận tâm, trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo Cục và sự lao động sáng tạo, không ngừng vượt khó của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các thời kỳ của Cục Quản lý hoạt động Xây dựng.

Khánh Hòa

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/cuc-quan-ly-hoat-dong-xay-dung-tu-hao-65-nam-xay-dung-va-phat-trien-363247.html