Cực nhọc làm việc dưới trời nắng gắt

Hải Dương đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt đầu tiên trong hè này. Nhưng vì mưu sinh và trách nhiệm với công việc, nhiều công nhân, người lao động chấp nhận làm việc dưới tiết trời oi bức, ngột ngạt.

Nắng nóng gay gắt làm cho lao động làm việc ngoài trời càng thêm vất vả

Nắng nóng gay gắt làm cho lao động làm việc ngoài trời càng thêm vất vả

Cực nhọc

Dưới cái nắng chói chang của ngày đầu tháng 6, chị Nguyễn Thị Duyên ở thị trấn Thanh Miện vẫn cần mẫn xách vữa, bê gạch phụ thợ xây. Trời nóng bức lại làm việc nặng nên chỉ một lúc, chị và mấy người cùng làm khác phải tìm chỗ tránh nắng. Lau vội mồ hôi đang nhễ nhại trên mặt, chị Duyên thở dài bảo: “Nay đài báo nắng 40 độ C nhưng trời không một gợn mây, xung quanh lại ít bóng cây, chỉ toàn là bê tông thì thực tế nhiệt độ sẽ cao hơn. Những ngày nắng nóng như này không những làm việc không hiệu quả mà không cẩn thận sẽ bị say nắng. Vất vả, mệt mỏi là vậy nhưng cả đội xây bảo nhau phải cố cho xong kẻo lỡ việc khác”.

Làm công việc lợp mái tôn nên anh Trần Văn Tuân ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) thường xuyên làm việc dưới nắng nóng

Làm công việc lợp mái tôn nên anh Trần Văn Tuân ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) thường xuyên làm việc dưới nắng nóng

Nắng nóng gay gắt, hơi nóng thốc lên mái tôn, trần nhà càng làm cho không khí ngột ngạt, khó chịu. Vậy mà anh Trần Văn Tuân ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) vẫn phải phơi mình để làm việc. Anh Tuân làm nghề lợp mái tôn cho các khu công nghiệp và nhà dân. Vì nhận nhiều đơn đặt hàng đúng vào thời điểm nắng nóng nên anh không thể trì hoãn mà phải tranh thủ làm cho xong. “Dù đã mặc áo bảo hộ dày song tôi vẫn thấy nóng rát. Đặc thù công việc trên cao, phải leo trèo nhiều nên có muốn nghỉ tránh nắng cũng khó. Thời tiết nóng bức này nếu cứ kéo dài thì sức trai tráng cũng không thể chống chọi lại được”, anh Tuân cho biết.

Ông Nguyễn Văn Ba ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) vẫn gặt lúa thuê giữa trưa nắng

Ông Nguyễn Văn Ba ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) vẫn gặt lúa thuê giữa trưa nắng

Đang vào mùa gặt nên dù nắng nóng ông Nguyễn Văn Ba ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) cũng đưa máy gặt ra đồng từ sáng sớm đến tối mịt. Ông Ba đầu tư hơn 200 triệu đồng mua máy gặt mới được 2 vụ, còn chưa thu hồi hết vốn. Do đó không quản trời oi bức, ông Ba vẫn rong ruổi khắp các khu đồng để gặt lúa theo lịch hẹn trước. “Nóng đến độ mồ hôi đầm đìa ướt hết quần áo rồi lát sau lại tự khô. Vì công việc mùa vụ gấp gáp, tôi phải chủ động khắc phục, cứ mệt là nghỉ, không làm quá sức”, ông Ba nói.

Khắc phục

Công nhân Công ty CP Môi trường và Đô thị Hải Dương bố trí ca làm hợp lý để không ai phải làm việc dưới nắng nóng trong thời gian dài

Công nhân Công ty CP Môi trường và Đô thị Hải Dương bố trí ca làm hợp lý để không ai phải làm việc dưới nắng nóng trong thời gian dài

Những ngày nắng nóng, công nhân của Công ty CP Môi trường và Đô thị Hải Dương đã linh hoạt chia ca, bảo đảm không ai phải làm việc dưới thời tiết oi bức trong thời gian dài. Chị Đặng Thị Kim Thúy, phụ trách vệ sinh đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) cho biết ngày 1.6, chị nhận ca từ 13-15 giờ 30. Đây là lúc nắng nóng gay gắt nhất trong ngày. Tuy nhiên, bù lại hôm sau chị sẽ được xếp ca vào thời điểm thời tiết dễ chịu hơn. Chị Thúy chia sẻ: “Nắng nóng vất vả nhưng công việc không thể không làm. Vì vậy, mọi người trong công ty đều san sẻ với nhau”.

Đối mặt với cái nóng hầm hập, không phải ai cũng có thể tự điều chỉnh được thời gian, cách làm việc để hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Công việc của anh Bùi Quang Thức, nhân viên Điện lực TP Hải Dương là thi công, xử lý sự cố ngoài hiện trường. Do đó, anh không thể lựa chọn được thời gian làm việc. Mỗi khi có sự cố điện thì bất kể ngày hay đêm anh Thức đều phải đi kiểm tra, xử lý ngay. Nắng nóng làm xảy ra nhiều sự cố điện hơn, nhất là giờ cao điểm. Trong đợt này, anh đã nhiều lần phải lao ra đường khi trời nắng như đổ lửa. “Nếu tôi ngại vất vả mà chậm trễ thì sẽ ảnh hưởng tới nhiều người. Tôi đã biết cách bảo vệ bản thân mỗi khi làm việc dưới tiết trời oi bức. Trời nắng gắt, cơ thể sẽ mất nhiều nước nên tôi uống nhiều nước hơn, bổ sung đồ uống giàu chất điện giải và không đột ngột thay đổi môi trường làm việc để tránh sốc nhiệt”.

Nhân viên điện lực vất vả hơn khi phải xử lý sự cố điện trong lúc trời nắng nóng gay gắt

Nhân viên điện lực vất vả hơn khi phải xử lý sự cố điện trong lúc trời nắng nóng gay gắt

Tại vùng trồng vải Thanh Hà, nắng nóng làm quả chín nhanh hơn nên cần nhiều nhân lực thu hoạch. Những ngày trước, thời tiết còn dễ chịu, người dân chia việc, người bẻ vải, người vặt lá, người bó thành chùm hoặc cắt cuống để nhanh chuyển tới điểm thu mua. Vào những ngày oi nóng như hiện nay, mọi người tranh thủ sáng sớm và tối muộn để tập trung thu hái. Khi nắng nóng xuất hiện thì công việc nặng nhọc nhất đã xong, người dân làm những khâu còn lại ở nơi có mái che nên đỡ vất vả hơn. Ông Đặng Văn Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Cường cho biết: “Vì biết cách bố trí thời gian thu hái phù hợp nên người dân không quá ái ngại nắng nóng, chỉ lo thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến chất lượng quả vải”.

PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/cuc-nhoc-lam-viec-duoi-troi-nang-gat-169061