Cục nghệ thuật thích khổ hơn sướng khi 'cấp phép cho Quốc ca'

"Giống như một bao gạo có vài hạt sạn. Tại sao không nhặt mấy viên sạn ra cho nhanh mà cứ ngồi nhặt từng hạt gạo chi cho khổ". Câu chuyện Cục Nghệ thuật biểu diễn phải xin lỗi vì công bố danh sách hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi gây chú ý cộng đồng mạng nhất hôm nay.

Bài hát "Tiến quân ca" nằm trong danh sách ca khúc được lưu hành online của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Xung quanh việc Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa công bố danh sách hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi, VnExpress đã nhận được hàng trăm bình luận của bạn đọc gửi về. Nhiều người cho rằng đây là công việc thừa, không cần thiết. Vì hơn 300 ca khúc đó đều là những bài hát rất quen thuộc với nhiều thế hệ người nghe.

Cụ thể như: Tiến quân ca (Văn Cao), Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên), Chào em cô gái Lam Hồng (Ánh Dương), Bước chân trên dải Trường Sơn (Vũ Trọng Hối), Chào sông Mã anh hùng (Xuân Giao)... Tất cả những bài hát này đã được bao nhiêu người hát khắp mọi nơi.

Bạn đọc Lê Hùng thắc mắc: "Tiến quân ca đã được Quốc hội chọn làm quốc ca thì đương nhiên được sử dụng mà không cần bất cứ sự cho phép của bất cứ cơ quan Nhà nước nào - ngoại trừ Quốc hội. Vậy hà cớ gì chuyện cấp phép cho việc sử dụng Quốc ca - trong khi cục này - thậm chí cả cấp bộ - cũng không có đủ tư cách và thẩm quyền làm việc ấy? Tôi nghĩ chính phủ cần đánh giá lại quyền và chức năng của Cục nghệ thuật biểu diễn này".

"Tôi đây năm nay đã 50 tuổi, sáng nào báo thức cũng nghe Tiến quân ca, bài hát này dường như đã thấm vào máu bao nhiêu thế hệ người Việt Nam. Ở các cơ quan nhà nước, sáng thứ hai nào cũng chào cờ và hát. Vậy mà giờ mới được Cục Nghệ thuật biểu diễn công bố vào danh sách được phổ biến rộng rãi là sao? Tôi thấy việc làm này thật nực cười", độc giả Quốc Anh chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều người góp ý Cục nghệ thuật biểu diễn thay vì cập nhật danh sát các bài hát được phổ biến rộng rãi thì nên công bố các danh mục bài hát chưa được phép lưu hành. Từ đó, cơ chế xin cho cũng sẽ tự nhiên biến mất và tiêu cực sẽ không xảy ra.

Độc giả Việt bình luận: "Cục nghệ thuật biểu diễn nên đưa ra một quy định thế này cho nhanh: Điều một: Danh sách các bài hát cấm. Điều hai: Các bài hát từ năm X trở về trước không vi phạm điều một thì được phép phổ biến. Điều ba: Các bài hát từ sau năm X cần cấp phép mới được phổ biến. Ngoài ra, việc phê duyệt, cấp ca khúc mới cần thực hiện trực tuyến để các ca khúc sớm được phát hành và yêu cầu thời gian phản hồi cụ thể".

Đồng tình với quan điểm này, bạn đọc My Hà viết: "Giống như một bao gạo có vài hạt sạn. Tại sao không nhặt mấy viên sạn ra cho nhanh mà cứ ngồi nhặt từng hạt gạo chi cho khổ. Tôi có cảm tưởng như Cục nghệ thuật biểu diễn đang thích khổ hơn là muốn sướng".

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chấn chỉnh việc cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc và hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

"Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác", Phó thủ tướng chỉ đạo và yêu cầu Bộ Văn hóa tăng cường chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Theo P.V tổng hợp (VNE)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nong-trong-ngay-cuc-nghe-thuat-thich-kho-hon-suong-772715.html