Cục diện xung đột Nga và Ukraine thay đổi ra sao nếu Kiev phản công tổng lực?

Nhà phân tích Daniel L. Davis cho rằng, điều quan trọng là xem xét những gì xảy ra tiếp theo sau cuộc phản công của Ukraine, đặc biệt là tương quan lực lượng giữa hai bên trên chiến trường.

Vào cuối năm 2022 đầu năm 2023, nhiều nước phương Tây đã cam kết cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, mục đích là hỗ trợ Ukraine trong thời gian cần thiết nhằm đẩy lùi Nga ra khỏi lãnh thổ.

Binh sỹ Ukraine trên chiến hào. Ảnh: Getty

Khi có những dấu hiệu cho thấy Ukraine đang chuẩn bị tiến hành một cuộc phản công lớn trong mùa xuân, nhiều nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng, nếu NATO cung cấp cho Ukraine đủ số lượng thiết giáp cần thiết thì có thể giúp họ xoay chuyển tình thế. Nhưng chuyên gia Daniel L. Davis, thành viên cao cấp của Trung tâm phân tích chiến lược Defense Priorities và là cựu Trung tá trong quân đội Mỹ lưu ý, vẫn còn quá sớm để dự đoán kết quả.

Vũ khí của phương Tây không phải viên đạn bạc

Một số nhà phân tích suy đoán Ukraine sẽ cải thiện sức mạnh khi nhìn vào những loại vũ khí mà Mỹ và đồng minh trong NATO đã hứa hẹn hoặc đã chuyển giao cho Kiev như: máy bay chiến đấu MiG-29, hệ thống phòng không Patriot, xe tăng M1A1 Abrams, Leopard, Challenger, xe bọc thép Stryker cùng các loại pháo tự hành cỡ 155mm và hàng nghìn máy bay không người lái. Họ cho rằng, việc sở hữu những khí tài quân sự này có thể giúp Ukraine nhanh chóng cải thiện khả năng tác chiến.

Nhưng điều mà họ bỏ qua là việc tận dụng phương tiện và vũ khí hiện đại đó để phát huy tối đa hiệu quả trên chiến trường, nhằm gia tăng sức mạnh chiến đấu là quá trình rất khó khăn và tốn nhiều công sức. Để sử dụng các loại vũ khí từ nhiều quốc gia khác nhau, Ukraine cần phải có tuyến hậu cần đáng tin cậy cung cấp các phụ tùng thay thế, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản và đạn dược phù hợp với từng hệ thống.

Chưa kể, mỗi loại vũ khí chỉ có một hệ điều hành duy nhất mà những người vận hành phải học cách sử dụng. Nếu không có những trang thiết bị hỗ trợ, họ khó có thể kết hợp các loại khí tài quân sự với nhau.

Thời gian qua, NATO đã huấn luyện cho hơn 30.000 binh sỹ Ukraine tại các căn cứ ở các nước thành viên. Nhưng các nỗ lực đào tạo được thực hiện một cách rời rạc và có thể không đủ để giúp quân đội Ukraine chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc phản công quy mô lớn, với những tính toán hợp lý và tinh vi nhằm xuyên thủng các tuyến phòng thủ kiên cố của Nga, ông Daniel L. Davis lưu ý.

Cơ hội để Ukraine vượt những thách thức về sử dụng vũ khí và hậu cần cũng như những khó khăn trong huấn luyện và hoạt động tấn công sẽ rất thấp. Ngoài những thách thức này, họ có thể thiếu sự yểm trợ của lực lượng không quân, trong khi chiến đấu với số lượng đạn pháo hạn chế.

Các quan chức Ukraine cho biết, quân đội nước này đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để tiến hành cuộc phản công lớn mà họ hy vọng sẽ xuyên phá được tuyến phòng thủ của Nga, giành quyền kiểm soát Melitopol, cắt đứt cây cầu đất liền nối lục địa Nga với bán đảo Crimea. Nhưng không ai trong số họ suy đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nếu Ukraine thành công hay thất bại trong cuôc tấn công mùa Xuân.

Chuyên gia Daniel L. Davis nhận định, cuộc phản công của Ukraine sẽ quyết định đáng kể cục diện xung đột. Kiev có thể gây tổn thất đáng kể cho các lực lượng Nga và giành quyền kiểm soát một phần lãnh thổ hạn chế. Nhưng khó có khả năng họ sẽ tạo ra bước đột phá lớn giống như cuộc tấn công Kharkov vào tháng 9/2022 – thời điểm mà các chỉ huy Ukraine cho biết họ đã tái chiếm hàng nghìn km2 lãnh thổ trong vòng vài tuần. Cũng không loại trừ khả năng quân đội Ukraine, với sức mạnh không quân hạn chế và thiếu đạn dược, sẽ chịu thương vong nghiêm trọng trong khi đạt được rất ít bước tiến.

Điều gì sẽ xảy ra sau cuộc phản công của Ukraine?

Ông Daniel L. Davis cho rằng, điều quan trọng là xem xét những gì xảy ra tiếp theo sau cuộc phản công của Ukraine, đặc biệt là cán cân lực lượng giữa hai bên trên chiến trường. Một kịch bản đặt ra là sau khi tiến hành phản công, Ukraine sẽ sử dụng những lực lượng còn lại cuối cùng để giao tranh với Nga ở giai đoạn cuối cuộc xung đột.

Tờ Washington Post tiết lộ, Ukraine đã mất phần lớn những đơn vị được huấn luyện và trang bị tốt mà NATO đã giúp nước này thành lập trước thời điểm xung đột bùng phát. Các cuộc tấn công tại Kharkov và Kherson vào mùa thu năm 2022 cũng gây thương vong đáng kể cho lực lượng tốt nhất của quân đội Ukraine.

Sau khi phát động cuộc tấn công lớn vào mùa xuân 2023, Ukraine chắc chắn sẽ mất nhiều binh sỹ giàu kinh nghiệm hơn, tỷ lệ thương vong sẽ cao hơn dù họ thành công hay thất bại. Nga cũng được cho là sẽ mất đáng kể binh lực khi đáp trả cuộc tấn công của Kiev, nhưng dân số của nước này rất lớn và họ có thể tiếp tục khởi động các đợt huy động tân binh trong tương lai. Xét về nhân lực, Ukraine không có khả năng bắt kịp Nga, chuyên gia Daniel L. Davis nhấn mạnh.

Ngoài lợi thế về nhân lực, Nga đang nhanh chóng mở rộng ngành công nghiệp sản xuất vũ khí và đạn dược, với số lượng vũ khí có thể vượt quá những gì phương Tây cung cấp cho Ukraine về dài hạn. Sau cuộc phản công của Ukraine, hai bên đều phải chiến đấu với các nguồn lực hạn chế, nhưng giai đoạn tiếp theo Nga có thể điều động thêm nhiều binh sỹ và đạn dược ra chiến trường. Do vậy, Ukraine khó có khả năng giành thắng lợi trong cuộc xung đột, ngay cả khi họ phản công thành công./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cuc-dien-xung-dot-nga-va-ukraine-thay-doi-ra-sao-neu-kiev-phan-cong-tong-luc-post1012472.vov