Cửa hàng truyền thống lên đời, khách không cần 'cò kè bớt một thêm hai'

Tại Việt Nam đa số các doanh nghiệp vẫn ưu tiên lựa chọn các kênh truyền thống, cụ thể là hệ thống cửa hàng tạp hóa để bán hàng, đặc biệt tại thị trường nông thôn.

Thị trường bán lẻ nhất là ở kênh phân phối hiện đại thời gian qua chứng kiến các doanh nghiệp (DN) liên tục mở rộng mạng lưới phân phối ở mô hình siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện lợi với diện tích nhỏ nằm len lỏi ở các khu chung cư, trung tâm thương mại. Đáng chú ý là sự bắt tay của các siêu thị với các cửa hàng tạp hóa truyền thống nhằm nâng cấp trở thành cửa hàng bán lẻ hiện đại.

Khoác “áo mới” cho cửa hàng tạp hóa truyền thống

Bà Đặng Thị Oanh, chủ cửa hàng tạp hóa Giá Tốt Huyền Oanh (quận 12, TP.HCM) cho biết, trước đây bà buôn bán tại nhà và chủ yếu lấy hàng hóa từ chợ đầu mối. Trong giai đoạn xảy ra dịch COVID-19 năm 2022, việc lấy hàng hóa gặp nhiều khó khăn, thậm chí không nhập được hàng về bán.

Từ thực tế trên, bà Oanh nhận thấy nếu có biến cố nào xảy ra và chỉ phụ thuộc vào một nguồn hàng thì rất rủi ro và bị động. Bên cạnh đó, giá cả tại chợ đầu mối luôn biến động.

“Vì vậy, từ tháng 3-2022, tôi quyết định tham gia dự án Giá tốt của Hệ thống siêu thị MM Mega Market để đảm bảo có nguồn hàng ổn định, đa dạng hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng”-bà Oanh kể.

Theo bà Oanh, khi tham gia dự án Giá Tốt bên cạnh được cung cấp nguồn hàng ổn định, tiệm của bà còn được đào tạo cách bán hàng, chăm sóc khách hàng, niêm yết giá rõ ràng... nên người tiêu dùng đến mua sắm không lo về giá và không phải "cò kè bớt một thêm hai".

Ngoài ra, trước đây bà bán hàng theo thói quen, "bản năng", bây giờ buôn bán bài bản hơn nên thu hút được nhiều khách hàng hơn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng chung kinh tế từ tháng 9 năm ngoái đến nay sức mua thị trường giảm.

“Đặc biệt, dự án có chính sách 15 ngày giá tốt là ưu điểm nhưng tùy mặt hàng và thời gian ưu đãi ngắn buộc cửa hàng phải cân đối. Đây là điều tôi thấy khó khăn”-bà Oanh kể.

Trong khi đó, tập đoàn Aeon Việt Nam cũng ra mắt mô hình trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị tinh gọn nằm trong trung tâm thương mại Crescent Mall. Đây là chiến lược đa dạng hóa mô hình bán lẻ khi diện tích các điểm bán linh hoạt về quy mô, phù hợp với nhu cầu của cộng đồng địa phương và điều kiện thực tế của từng khu vực.

Trước đó, Saigon Co.op đã tiên phong nâng cấp cửa hàng tạp hóa truyền thống thông qua việc mở cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.op Smile. Những cửa hàng này có diện tích kinh doanh từ 20-200m2 tùy khu vực, chủ yếu nằm ở các khu dân cư, trường đại học...Hàng hóa đa dạng từ hàng thiết yếu đến thực phẩm tươi sống.

Tham gia vào việc nâng cấp cửa tạp hóa truyền thống, giúp chủ cửa hàng truyền thống tiếp cận công nghệ hiện đại, Công ty Cổ phần One Distribution thuộc Tập đoàn One Mount Group ra mắt ứng dụng VinShop.

Theo đó, các chủ tiệm tạp hóa chỉ cần đặt hàng thông qua ứng dụng này, sẽ được giao hàng tận nơi, giá cả hàng hóa ưu đãi…Đến nay Vinshop đã liên kết với hơn 100.000 cửa hàng tạp hóa trên 22 tỉnh thành cả nước.

Nhân viên của doanh nghiệp giao hàng cho cửa hàng tạp hóa. Ảnh: TÚ UYÊN

Cửa hàng tạp hóa truyền thống "trẻ hóa" dần phổ biến

Theo Nielsen IQ Việt Nam, hiện nay kênh thương mại truyền thống, cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống vẫn chiếm 75%- 85% doanh số.

Trong đó, cửa hàng tạp hóa truyền thống nhỏ lẻ lên đến hơn 1 triệu cửa hàng trên toàn quốc, vẫn đang là một trong những kênh phân phối chính, chiếm tới 65% thị trường hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc thương mại MM Mega Market cho rằng, những cửa hàng tạp hóa truyền thống đối mặt với nhiều khó khăn trong khâu tìm kiếm nguồn hàng, quản lý chất lượng, kiểm soát nguồn vốn dòng tiền....

Hơn nữa, hầu hết chủ các cửa hàng truyền thống làm thủ công hoặc làm theo kinh nghiệm. Thế hệ sau sẽ khó tìm được cơ hội nối tiếp việc kinh doanh do không có mô hình và công thức rõ ràng.

“Đáng chú ý, ngày càng nhiều mô hình tạp hóa truyền thống được "trẻ hóa", dần phổ biến hơn tại các đô thị lớn Việt Nam. Với kinh nghiệm của nhà bán lẻ cùng chuỗi cung ứng khép kín, nguồn hàng đa dạng, chúng tôi bắt tay hợp tác với họ"-ông Toàn nói.

Theo ông Nguyễn Văn Phượng, Chuyên gia Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhìn nhận mô hình nâng cấp, chuyển đổi cửa hàng tạp hóa thành hiện đại, siêu thị mini sẽ chiếm ưu thế hơn, siêu thị, đại siêu thị.

Bởi một kết quả khảo sát do người tiêu dùng bình chọn cho thấy, vẫn có tới 70% người tiêu dùng chọn mua tại cửa hàng tạp hóa do những hấp lực về giá cả, đặc biệt là sự thuận tiện hay sự thân thiện của người bán.

Bên cạnh đó, các cửa hàng tạp hóa hiện đang gia tăng các phương thức bán hàng mới như ứng dụng kỹ thuật số, kết hợp tốt giữa phương thức online, offline ngày càng chuyên nghiệp hơn cũng như các hoạt động chăm sóc khách hàng.

“Ngoài ra, tại Việt Nam đa số các DN vẫn ưu tiên lựa chọn các kênh truyền thống, cụ thể là hệ thống cửa hàng tạp hóa để bán hàng, đặc biệt tại thị trường nông thôn”-ông Phượng nói.

Cùng nhìn nhận trên, bà Hà Huy Thiên Thư, Trưởng phòng Marketing cấp cao công ty nghiên cứu thị trường Kantar cho biết, các loại hình bán lẻ ở Việt Nam đang dần trở nên hiện đại và đề cao tính thuận tiện hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả các kênh bán lẻ hiện đại đều đạt tăng trưởng tốt.

Kênh siêu thị và đại siêu thị đang dần mất thị phần nhường chỗ cho các kênh tiện lợi, siêu thị nhỏ và các chuỗi bán hàng chuyên biệt.

Ông Ngô Hồng Y, Trưởng phòng quản lý thương mại Sở Công thương TP.HCM cho biết, đối với kênh bán lẻ truyền thống như các cửa hàng tạp hóa trước giờ buôn bán theo cách cũ. Với việc bắt tay của các DN bán lẻ lớn nâng cấp cửa hàng tạp hóa truyền thống thành cửa hàng hiện đại mô hình này rất đáng nhân rộng.

“ Với những cửa hàng tạp hóa hiện đại này người tiêu dùng mua hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hàng hóa đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả minh bạch. Qua đó, cùng với kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các cửa hàng tạp hóa hiện đại trở thành địa điểm mua sắm tin cậy cho người tiêu dùng”-ông Y nói.

Ông Nguyễn Văn Phượng, Chuyên gia Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho biết, theo nhiều khảo sát gần đây, nhất là sau dịch COVID-19 thị trường bán lẻ tiếp tục chứng kiến người tiêu dùng mua hàng khá nhiều tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị nhỏ trong khi các siêu thị và đại siêu thị có phần chững lại.

“Sở dĩ các mô hình bán lẻ trên được người tiêu dùng quan tâm vì ngoài đáp ứng mục đích mua sắm thông thường đóng vai trò như một phòng trưng bày, khơi dậy các giác quan và tạo được cảm hứng nơi người tiêu dùng"-ông Phượng nói.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/cua-hang-truyen-thong-len-doi-khach-khong-can-co-ke-bot-mot-them-hai-post786327.html