'Cư xử' với thực phẩm thừa

Trên khắp thế giới, hầu hết trong số 2,5 tỷ tấn thực phẩm bị vứt bỏ mỗi năm đều được đưa đến các bãi chôn lấp. Khi thức ăn thối rữa, nó gây ô nhiễm nguồn nước, đất và giải phóng lượng lớn khí mê-tan, một trong những khí nhà kính độc hại nhất.

Một công nhân thu gom thức ăn thừa để tái chế tại một trường mẫu giáo ở Seoul. Ảnh: Nytimes.

Một công nhân thu gom thức ăn thừa để tái chế tại một trường mẫu giáo ở Seoul. Ảnh: Nytimes.

Chôn lấp thực phẩm là bất hợp pháp

Nhưng điều này không diễn ra ở Hàn Quốc - nơi đã cấm phế liệu thực phẩm từ các bãi rác gần 20 năm trước. Ở đất nước này, phần lớn thực phẩm thừa được biến thành thức ăn gia súc, phân bón và nhiên liệu để sưởi ấm nhà cửa. Bởi lãng phí thực phẩm là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu, không chỉ vì khí mê-tan mà còn vì năng lượng và tài nguyên dùng để sản xuất và vận chuyển cũng bị lãng phí.

Hệ thống ở Hàn Quốc - giúp giữ khoảng 90% thực phẩm bị loại bỏ khỏi các bãi chôn lấp và lò đốt. Người phát ngôn của cơ quan vệ sinh thành phố New York (Mỹ) - nơi sẽ yêu cầu tất cả cư dân phân loại rác thực phẩm của họ khỏi các loại rác khác vào mùa thu tới - cho biết, họ đã áp dụng hệ thống giống như của Hàn Quốc trong nhiều năm.

Trong khi một số thành phố khác cũng có các chương trình tương tự, nhưng rất ít quốc gia làm được những gì mà Hàn Quốc làm trên quy mô toàn quốc. Nguyên nhân được Tiến sĩ Paul West - một nhà khoa học cao cấp của Project Drawdown, một nhóm chuyên nghiên các cách để giảm lượng khí thải carbon – chỉ ra, đó là do chi phí. Theo Bộ Môi trường Hàn Quốc, mặc dù các cá nhân và doanh nghiệp phải trả một khoản phí nhỏ để loại bỏ rác thải thực phẩm, nhưng chương trình này tiêu tốn của Hàn Quốc khoảng 600 triệu USD mỗi năm.

Tuy nhiên, Tiến sĩ West và các chuyên gia khác cho rằng, hệ thống này của Hàn Quốc nên được mô phỏng, bởi nó giúp giảm lượng khí thải ở quy mô lớn.

Truyền thống ẩm thực của Hàn Quốc có xu hướng dẫn đến thức ăn thừa. Trong nhiều năm, tất cả những đồ ăn thừa đó được chôn lấp dưới lòng đất. Nhưng địa hình đồi núi của đất nước gây khó khăn trong việc xây dựng nhiều bãi chôn lấp và khoảng cách với các khu dân cư. Năm 1995, chính phủ đưa ra quy định bắt buộc tái chế giấy và nhựa, nhưng thức ăn thừa vẫn tiếp tục được chôn cùng với các loại rác khác.

Tiến sĩ Kee-Young Yoo - một nhà nghiên cứu tại Viện Seoul, người đã tư vấn cho các thành phố về xử lý chất thải thực phẩm - cho biết, hỗ trợ cho sự thay đổi được thúc đẩy bởi những người sống gần bãi rác, khi họ phàn nàn về mùi hôi khó chịu. “Khi tất cả những thứ đó bị lãng phí, nó bốc ra mùi hôi khủng khiếp” - Tiến sĩ Yoo nói.

Tuy nhiên, kể từ năm 2005 có quy định, chôn lấp thực phẩm chất thải là bất hợp pháp. Chính quyền địa phương đã xây dựng hàng trăm cơ sở để xử lý nó. Người tiêu dùng, chủ nhà hàng, tài xế xe tải và tất cả người dân là một phần của mạng lưới thu thập thông tin và biến rác thành thứ hữu ích.

Nâng cao ý thức

Tại Jongno Stew Village - một địa điểm ăn trưa nổi tiếng ở quận Dobong phía Bắc Seoul - món cá hầm minh thái và jjigae kim chi là những món bán chạy nhất. Nhưng bất kể khách gọi món như thế nào, chủ quán Lee Hae-yeon đều phục vụ các món ăn kèm gồm kim chi, đậu phụ, giá luộc và lá tía tô ướp.

Ông Lee nói: “Khách hàng có thể tự phục vụ và mọi người có thể sẽ lấy nhiều hơn những gì họ sẽ ăn”. Và ông Lee phải trả tiền cho điều đó: khoảng 2.800 won cho mỗi 20 lít thức ăn thải ra. Cả ngày, thức ăn thừa được cho vào một cái xô trong nhà bếp, khi đóng cửa, ông ấy đổ nó vào một cái thùng được chỉ định bên ngoài. Trên nắp có dán nhãn là bằng chứng cho thấy ông Lee đã trả tiền cho việc xử lý rác thực phẩm.

Vào buổi sáng, các công ty được thuê sẽ dọn sạch những thùng rác đó. Ông Park Myung-joo và nhóm của ông bắt đầu lăn bánh trên đường phố lúc 5h sáng, xé nhãn dán trên các thùng rác và đổ những thứ bên trong vào thùng xe tải. Chất thải sau đó sẽ được xử lý theo một quy trình nghiêm ngặt và an toàn tại các nhà máy xử lý rác.

Tại cơ sở khí sinh học ở Goyang, ngoại ô Seoul, chất thải thực phẩm - gần 70.000 tấn hàng năm - trải qua quá trình phân hủy kỵ khí. Nó nằm trong các bể lớn tới 35 ngày trong khi vi khuẩn phân hủy chất hữu cơ và tạo ra khí sinh học, bao gồm chủ yếu là khí mê-tan và carbon dioxide. Khí sinh học được bán cho một công ty địa phương, sử dụng để sưởi ấm cho 3.000 ngôi nhà ở Goyang. Phần chất rắn còn lại được trộn với dăm gỗ để tạo ra phân bón, phân bón này sẽ được cho đi.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cũng lưu ý rằng, chương trình của Hàn Quốc đã không đạt được một trong những mục tiêu, đó là khiến mọi người vứt bỏ ít thức ăn hơn.

Theo các quan chức của chính phủ, việc cải tiến công nghệ đều đặn đã dẫn đến các hoạt động sạch và hiệu quả hơn. Nó cũng làm cho việc xử lý dễ dàng hơn đối với nhiều người. Tại các khu chung cư trên khắp đất nước, cư dân được cấp thẻ để quét mỗi khi họ đổ thực phẩm vào thùng rác được chỉ định. Vào cuối tháng, họ nhận được một hóa đơn tương đương với cân nặng của những những gì họ bỏ đi.

Bà Eom Jung-suk, 60 tuổi, sống trong một khu phức hợp như vậy, cho biết: “Các thùng rác đã sạch hơn và ít mùi hơn. Bà Eom chưa bao giờ bị tính hơn 1 USD cho dịch vụ này. Dù mất tiền, nhưng hóa đơn hàng tháng khiến bà ý thức hơn về việc mình đã vứt đi bao nhiêu thực phẩm.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, mỗi tấn chất thải thực phẩm thối rữa trong bãi chôn lấp thải ra khí nhà kính tương đương với khoảng 360 kg carbon dioxide. Ông Lee Chang-gee - một kỹ sư tại nhà máy Goyang (Hàn Quốc) - cho biết, biến rác thải thực phẩm thành khí sinh học sẽ cắt giảm một nửa lượng carbon.

Mai Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cu-xu-voi-thuc-pham-thua-5720804.html