Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề về đời sống xã hội

Chiều ngày 5-10, tiếp tục chương trình làm việc, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang gồm các đại biểu: Tạ Minh Tâm, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Thanh Cầm, Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Thị Uyên Trang, Nguyễn Văn Dương đến tiếp xúc cử tri huyện Cai Lậy, TX. Gò Công và TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

ĐBQH tỉnh Tiền Giang cùng các đại biểu, lãnh đạo địa phương trao đổi với cử tri tại các điểm tiếp xúc.

ĐBQH tỉnh Tiền Giang cùng các đại biểu, lãnh đạo địa phương trao đổi với cử tri tại các điểm tiếp xúc.

Tại các điểm tiếp xúc, ĐBQH tỉnh đã thông tin đến cử tri dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Tiếp đó, cử tri có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề bức xúc tại địa phương đến Đoàn ĐBQH tỉnh.

CỬ TRI LO LẮNG TÌNH TRẠNG CHÁY NỔ

Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Cai Lậy lo lắng thời gian gần đây trên cả nước xảy ra nhiều vụ cháy nổ gây nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại rất lớn về vất chất. Đặc biệt là vụ cháy thương tâm nhất gần đây tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đề nghị các ngành chức năng liên quan cần tập trung mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong công tác kiểm tra để tránh xảy ra các trường hợp cháy nổ thương tâm như vừa qua.

Chia sẻ với nỗi lo lắng của cử tri, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho biết, vụ việc cháy chung cư vừa qua là một trường hợp rất đau lòng. Trước đó, nhiều vấn đề Trung ương đã đặt ra về an toàn cháy nổ. Với vấn đề này, Quốc hội đã đưa ra Nghị quyết 99/2019/QH14 của Quốc hội “Về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy”.

Cụ thể, Nghị quyết 99 đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kịp thời tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy, chữa cháy; quy chuẩn kỹ thuật địa phương về phòng cháy, chữa cháy đối với một số loại hình cơ sở đặc thù của mỗi địa phương; quy định chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tương xứng với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ. Có chính sách cụ thể để khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy. Đôn đốc các địa phương xây dựng, ban hành quy định về việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.

Đồng thời có giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp, phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy; trang bị cho người dân những kiến thức, kỹ năng thực sự cần thiết, nhất là kiến thức về phòng cháy, kỹ năng thoát nạn, sử dụng các phương tiện, thiết bị chữa cháy ban đầu.

Cử tri huyện Cai Lậy phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Cử tri huyện Cai Lậy phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Trong công tác phòng cháy, chữa cháy, lấy phòng ngừa là chính; tập trung chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy sâu rộng, với phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ), nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành. Nghiên cứu thí điểm giao một số nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở phù hợp với quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nghị quyết ban hành được các ngành liên quan thực hiện quyết liệt, mong rằng sẽ đảm bảo các quy chuẩn về đảm bảo an toàn cháy nổ trong thời gian tới. Kỳ họp Quốc hội sắp tới vấn đề này tiếp tục được đại biểu quan tâm và đưa ra thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp thiết thực hiệu quả hơn trong thời gian tới.

KIẾN NGHỊ VẤN ĐỀ THIẾU VẮC XIN, THUỐC BẢO HIỂM Y TẾ

Tại điểm tiếp xúc, cử tri xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho bày tỏ lo lắng về vấn đề thiếu thuốc, vắc xin ngừa bệnh cho trẻ em; thiếu thuốc bảo hiểm y tế ở (BHYT) các bệnh viện… và kiến nghị ngành Y tế sớm có giải pháp về vấn đề này nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ em nói riêng và nhân dân nói chung.

ĐBQH tỉnh lắng nghe và ghi nhận ý kiến cử tri.

ĐBQH tỉnh lắng nghe và ghi nhận ý kiến cử tri.

Trả lời vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết, đối với vắc xin ngừa bệnh cho trẻ nhỏ trước đây Bộ Y tế đấu thầu để cho toàn quốc được sử dụng thuận lợi nhưng sau này giao về cho địa phương. Nhưng tại địa phương mỗi nơi đấu thầu một kiểu nên chất lượng vắc xin không giống nhau, lượng vắc xin cung ứng mỗi nơi mỗi khác, từ đó giá cả mỗi loại khác nhau cũng ảnh hưởng đến người dân. Đây là quy định ngành Y tế phải thực hiện theo chủ trương của cấp trên.

Cử tri TP. Mỹ Tho phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Cử tri TP. Mỹ Tho phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Về thuốc BHYT, danh mục thuốc điều trị trong BHYT mỗi cấp có một danh mục thuốc điều trị riêng, trạm y tế phường đến bệnh viện tỉnh khác ở những bệnh viện của TP. Hồ Chí Minh nên khi chuyển lên tuyến trên thì sẽ được hưởng danh mục thuốc cao hơn. Trong thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ kiến nghị để mở rộng danh mục để trạm y tế phường và trung tâm y tế có danh mục tương đương nhau và bệnh viện tỉnh cũng có danh mục thuốc cho gần giống với TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, người dân nào có BHYT sẽ được thụ hưởng những quyền lợi nhiều hơn và tránh để quá tải, chuyển lên tuyến trên.

CỬ TRI KIẾN NGHỊ NHIỀU VẤN ĐỀ DÂN SINH

Tại điểm tiếp xúc, cử tri tại các xã Tân Trung, Bình Đông, TX. Gò Công kiến nghị, phản ánh về các vấn đề xoay quanh đến hạ tầng giao thông thiếu hệ thống chiếu sáng, láng nhựa, có một vài tuyến đường đang xuống cấp trầm trọng; cử tri lo lắng việc các tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, thổi phồng công dụng mà chưa được các cơ quan chức năng kiểm tra, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cho người tiêu dùng; cử tri kiến nghị bãi bỏ việc tham gia bảo hiểm dân sự bắt buộc cho người đi xe gắn máy…

ĐBQH tỉnh thông tin đến cử tri dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

ĐBQH tỉnh thông tin đến cử tri dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch UBND TX. Gò Công Giản Bá Huỳnh cho biết, đối với các công trình công cộng về xây lắp đường dây điện, đèn đường, vạch kẻ đường, lắp đèn tín hiệu, tình trạng cống thoát nước ở các tuyến đường trên địa bàn thị xã, cụ thể là tuyến đường 873B… đã được UBND TX. Gò Công xây dựng kế hoạch, hợp tác với các cơ quan chức năng chuyên trách sẽ tiến hành lắp đặt, nâng cấp và duy tu, đảm bảo an toàn cho người dân tham gia giao thông, góp phần xây dựng và phát triển TX. Gò Công lên TP. Gò Công trong thời gian tới.

ĐBQH tỉnh lắng nghe và ghi nhận ý kiến cử tri.

ĐBQH tỉnh lắng nghe và ghi nhận ý kiến cử tri.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu tại buổi tiếp xúc.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu tại buổi tiếp xúc.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cũng đã ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đối với vấn đề cử tri kiến nghị bãi bỏ việc tham gia bảo hiểm dân sự bắt buộc cho người đi xe gắn máy, đại biểu Nguyễn Minh Sơn giải đáp: Mô tô, xe gắn máy là nguồn phương tiện chủ yếu của người dân khi tham gia giao thông đường bộ và khả năng gây tai nạn của loại phương tiện này là rất cao ở Việt Nam. Do đó, Luật Giao thông đường bộ quy định cụ thể về việc tham gia bảo hiểm dân sự bắt buộc của người đi xe gắn máy, điều này cũng nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tham gia giao thông, vì vậy người dân phải chấp hành theo đúng luật.

ĐẦU TƯ NÂNG CẤP CÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Sáng cùng ngày, cử tri huyện Cái Bè phản ánh đến ĐBQH tỉnh về vấn đề cử tri lo lắng tình hình hạn mặn ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, tình trạng chuyển dịch cơ cấu cây trồng làm cho tỷ lệ trồng lúa giảm, cử tri lo lắng ảnh hưởng an ninh lương thực…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Cái Bè Phạm Thị Tại cho biết, do cây ăn trái giá trị kinh tế rất cao nên tại địa phương nhiều người dân đã và đang chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, huyện có định hướng cụ thể để người dân trồng đảm bảo theo quy hoạch được phê duyệt, các quy hoạch này có tính toán nơi nào trồng cây gì đảm bảo yếu tố đất đai thổ nhưỡng cũng như đảm bảo ổn định nguồn thu nhập của nhân dân trong tương lai.

Trong công tác phòng, chống hạn mặn, địa phương cũng đã xây dựng 3 cống chống hạn mặn, trong quy hoạch còn 6 cống phòng, chống hạn mặn khép kín của huyện Cái Bè. Nếu tình trạng nghiêm trọng, cần thiết địa phương sẽ lắp các đập thép, cống nhỏ để đảm bảo vườn cây ăn trái của người dân.

Cử tri huyện Cái Bè phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc

Cử tri huyện Cái Bè phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc

Trước vấn đề về hạn mặn, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cũng cho biết, huyện Cái Bè nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung hiện đang chịu các tác động bất lợi từ việc khai thác, sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông, biến đổi khí hậu - nước biển dâng và việc phát triển trong nội tại, dẫn đến quy luật tự nhiên về nguồn nước bị thay đổi, xâm nhập mặn có xu thế xuất hiện sớm hơn trước. Tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh của các hệ thống công trình thủy lợi.

Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi luôn được Nhà nước quan tâm bố trí kinh phí thực hiện từ nhiều năm nay. Tính riêng giai đoạn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các công trình thủy lợi vùng ĐBSCL tổng cộng khoảng 28.200 tỷ đồng, chiếm 29% tổng nguồn vốn đầu tư do Bộ quản lý. Trong đó, hệ thống công trình thủy lợi trạm bơm cống Xuân Hòa đã giúp chủ động điều tiết nguồn nước trong vùng ngọt hóa Gò Công phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang dự kiến đầu tư công trình kiểm soát nguồn nước kinh Nguyễn Tấn Thành và bờ hữu sông Vàm Cỏ Tây. Ngoài ra, ở giai đoạn từ năm 2025, công trình chuyển nước Gò Công, tỉnh Tiền Giang sẽ được xem xét đầu tư.

Về lâu dài, theo nhiệm vụ được giao, Bộ NN&PTNT đang tổ chức xây dựng Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các nhiệm vụ này sẽ đề xuất với Chính phủ, Quốc hội các định hướng giải pháp dài hạn, bao gồm giải pháp tiếp tục sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện, hiện đại hóa hạ tầng thủy lợi, bảo đảm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và những tác động khác từ bên ngoài lãnh thổ đến an ninh nguồn nước, ứng phó hiệu quả với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn...

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202310/dai-bieu-quoc-hoi-don-vi-tinh-tien-giang-tiep-xuc-cu-tri-cu-tri-kien-nghi-nhieu-van-de-ve-doi-song-xa-hoi-992180/