Cử tri kiến nghị giải quyết nhiều vấn đề dân sinh

Ngày 7-5, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cùng các ĐBQH tỉnh gồm: Tạ Minh Tâm, Nguyễn Minh Sơn, Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Thanh Cầm, Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Thị Uyên Trang, Nguyễn Văn Dương đến tiếp xúc cử tri các huyện Cái Bè, Tân Phước, Tân Phú Đông trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh cùng các ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang tiếp xúc cử tri huyện Cái Bè.

Tại các điểm tiếp xúc, ĐBQH tỉnh đã thông tin đến cử tri dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Tại kỳ họp này dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 11 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác…

Tiếp đó, cử tri có nhiều ý kiến, kiến nghị các vấn đề bức xúc tại địa phương đến Đoàn ĐBQH tỉnh.

QUAN TÂM VẤN ĐỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Cái Bè quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua. Cử tri cho rằng, thông qua các phương tiện truyền thông, báo chí cho thấy, nhiều vụ án tham nhũng đã làm thất thoát tài sản rất lớn của Nhà nước. Cử tri kiến nghị lãnh đạo các cấp phải có giải pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn và hạn chế để xảy ra tình trạng tham nhũng rồi giải quyết hậu quả.

Cử tri huyện Cái Bè phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: PV

Trả lời ý kiến cử tri, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết, trong thời gian gần đây, có nhiều vụ án lớn, vụ án trọng điểm được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo sâu sát, các cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực thực hiện điều tra và xử lý kịp thời nhiều vụ án tham nhũng lớn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, đây là ý kiến rất xác đáng và cũng là nguyện vọng của cử tri cả nước làm thế nào thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là việc thu hồi, chống thất thoát tài sản nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm mong cử tri, người dân đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục quan tâm, kịp thời thông tin đến các cấp có thẩm quyền, ngành chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

KIẾN NGHỊ VỀ NƯỚC SINH HOẠT

Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Tân Phú Đông quan tâm các vấn đề về: Nước sinh hoạt, sản xuất, bảo hộ cho cây trồng, vật nuôi; tình trạng khai thác cát trái phép vẫn còn xảy ra, tình hình sạt lở ven sông...; kiến nghị bổ sung trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực tại trạm y tế, Trung tâm Y tế huyện Tân Phú Đông; chế độ hỗ trợ người cao tuổi...

Đối với vấn đề thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, bảo hộ cho cây trồng, vật nuôi, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang Nguyễn Công Nghĩa cho biết: Hiện trên địa bàn huyện Tân Phú Đông có 2 nguồn cấp nước chính là Nhà máy nước Đồng Tâm và trạm cấp nước tại chỗ: Trạm cấp nước Tân Thới và Trạm cấp nước Phú Thạnh.

Cử tri huyện Tân Phú Đông phát biểu tại buổi tiếp xúc.

Trong thời gian cao điểm hạn, mặn, từ cuối tháng 3 đến nay, công ty chủ động cung cấp vòi lưu động, bố trí xe tải chở nước; đưa các tuyến dẫn nước qua sông Cửa Trung, nối ống dẫn nước qua cầu Tân Thạnh cung cấp nước mỗi ngày đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cho người dân.

Ngoài ra, công ty vận động các đơn vị, các nhà hảo tâm tài trợ kinh phí để cấp nước cho người dân tại các xã ở huyện Tân Phú Đông. Hiện trên địa bàn huyện, 97% hộ dân có nước sạch sinh hoạt, sản xuất.

Trong thời gian tới, công ty tiếp tục đầu tư các ống dẫn nước để đảm bảo cho các hộ dân có nước sạch sinh hoạt, sản xuất.

Cũng tại buổi tiếp xúc, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến, kiến nghị của cử tri và trao đổi, làm rõ thêm một số ý kiến, kiến nghị cử tri phản ánh.

Đối với vấn đề cử tri đề nghị hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hằng tháng từ 80 tuổi xuống 75 tuổi, đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho biết: Quốc hội cũng đã tiếp thu, ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và trong kỳ họp sắp tới sẽ thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) hạ độ tuổi người cao tuổi thuộc trường hợp thứ 3 (người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội ở trường hợp 1 mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng) từ 80 tuổi xuống 75 tuổi.

Cũng tại buổi tiếp xúc, các kiến nghị, phản ánh của cử tri đã được đại diện lãnh đạo các cấp, các ngành có liên quan giải trình thỏa đáng.

KIẾN NGHỊ VỀ BẢO HIỂM Y TẾ

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri huyện Tân Phước kiến nghị đến Đoàn ĐBQH về vấn đề mua bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình thấp hơn khi mua BHYT học sinh tại trường; cần thông tuyến BHYT để người dân dễ dàng trong việc khám, chữa bệnh; việc khám, chữa bệnh giữa người có bảo hiểm và người không có bảo hiểm có sự chênh lệch với nhau.

Trả lời vấn đề cử tri phản ánh, đại diện Bảo hiểm xã hội huyện Tân Phước cho biết, đối với vấn đề mua BHYT hộ gia đình thấp hơn BHYT học sinh tại trường, căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 13 Luật BHYT quy định trường hợp 1 người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau được quy định tại Điều 2 Luật này, được xác định theo thứ tự ưu tiên của nhóm đối tượng, quy định theo thứ tự các đối tượng tại Điều 2 của Luật BHYT.

Theo đó, học sinh, sinh viên thuộc đối tượng nhóm 4 - nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT. Học sinh, sinh viên được đóng theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng thuộc phần trách nhiệm phải đóng cho nhà trường đang học (mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó phần thuộc trách nhiệm phải đóng từ ngày 1-1-2020 là 65%, ngân sách nhà nước hỗ trợ 35%).

Đối với hộ gia đình tham gia BHYT thuộc nhóm 5 - nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình bao gồm: Toàn bộ người có tên trong hộ khẩu và đóng BHYT theo mức: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất, từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Theo những quy định nêu trên, học sinh, sinh viên bắt buộc phải tham gia BHYT tại trường học, được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng và hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường từ nguồn kinh phí do Quỹ BHYT trích lại dành cho y tế trường học.

Đối với việc cần thông tuyến BHYT để người dân dễ dàng trong việc khám, chữa bệnh; việc khám, chữa bệnh giữa người có BHYT và người không có BHYT có sự chênh lệch với nhau, đại biểu Nguyễn Văn Dương cho biết: Việc thống tuyến khám, chữa bệnh sẽ trở nên quá tải đối với các tuyến trên. Cần có tuyến kỹ thuật khám, chữa bệnh ban đầu để giảm tải tuyến trên khi tham gia BHYT. Hiện tại chỉ mới thông tuyến tỉnh nội trú, chưa thông tuyến khám, chữa bệnh ban đầu.

Việc khám, chữa bệnh giữa người có BHYT và người không có BHYT là như nhau. Sắp tới Luật Dược sẽ được ban hành, Đoàn ĐBQH sẽ có kiến nghị về việc cấp phát thuốc tốt hơn.

Những ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các buổi tiếp xúc được các đại biểu cấp xã, huyện và tỉnh trả lời thấu đáo. Đối với những ý kiến ngoài thẩm quyền, Đoàn ĐBQH ghi nhận, đề nghị lên cấp trên và trả lời trong buổi tiếp xúc cử tri sau.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202405/doan-dai-bieu-quoc-hoi-don-vi-tinh-tien-giang-tiep-xuc-cu-tri-cu-tri-kien-nghi-giai-quyet-nhieu-van-de-dan-sinh-1009849/