Cụ ông hơn 30 năm mưu sinh bằng nghề đạp xe chở hàng tại chợ Đông Ba

Từng có 30 năm gắn bó với nghề đạp xe chở hàng tại chợ Đông Ba (TP. Huế), ông Trần Đình Tuất không khỏi xúc động khi nhớ lại những năm tháng gian nan với nghề, nay còn buồn hơn khi mỗi lần tan chợ, chiều tà.

Ở cái thời mà nhà nhà, người người đều sở hữu cho mình ít nhất một chiếc xe máy để di chuyển, người dân và du khách đến Huế sẽ vô cùng ngạc nhiên khi ngay tại chợ Đông Ba vẫn có những "tài xế" đang hàng ngày cần mẫn

Những ngày gần Tết khi dòng người tấp nập đến chợ mua bán, sắm sửa cuối năm cũng là lúc những người chở hàng thêm bận rộn. Tuy nhiên, khác hẳn với những xích lô, xe máy, có vẻ như những người đạp xe chở hàng lại khá rảnh rỗi vì thiếu việc. Họ tụm năm tụm ba ngoài cổng chợ nhìn những người chở hàng khác với ánh mắt thèm thuồng, buồn rười rượi.

Ông Tuất đợi khá lâu bên lề đường nhưng có vẻ hôm nay vắng khách

Hòa trong đội hình xe đạp chở hàng, ông Trần Đình Tuất (79 tuổi, trú phường Phú Hiệp, TP Huế) nổi bật lên với dáng hình gầy gò, vẻ khắc khổ hằn lên trên từng nét mặt. Có vẻ như ông đứng đây đã lâu nhưng chưa có cuốc hàng nào.

Vẻ mặt buồn rười rượi, ông Tuất chia sẻ, ông đã gắn bó với nghề xe đạp thồ tại chợ Đông Ba được 30 năm nay. Bất chấp mưa lạnh hay nắng nóng, vì cuộc sống mưu sinh nên hằng ngày ông đều đến chợ từ sáng sớm để mong kiếm được những chuyến hàng từ các tiểu thương bỏ sỉ vào quán ăn. Những ngày gần Tết của những năm trước mỗi ngày ông có thể kiếm được 50.000 đồng nhưng năm nay mọi thứ có vẻ ảm đạm.

"Tiền mô mà mua xe máy. Mỗi cuốc xe chở hàng hay chở người chỉ tầm 5.000 - 10.000 đồng, xa hơn thì 15.000, 20.000 đồng. Tuổi tui gần đất xa trời, vay mượn tới khi nào mới trả đủ", ông Tuất không giấu được nỗi buồn khi được hỏi về việc mua xe máy chở hàng thuê.

Công cuộc mưu sinh của ông Tuất cũng khá đặc biệt mà theo cách gọi của ông là "xưa lên voi, nay xuống chó". Ông cho biết, giai đoạn khó khăn, lúc nghề thồ xe đang thịnh ông đã vay mượn để tậu chiếc xe đạp đi thồ như người ta. Nhưng ai ngờ nghề xe thồ lại hết thời nhanh đến vậy.

"Hồi nớ chiếc xe là cả gia tài. Tui sắm con xe Thống Nhất thuộc hàng đẳng cấp. Mà hồi nớ ai ai cũng đi xe đạp thồ cả. Tiền có ngày tiêu không hết. Trải qua hàng chục năm, đến nay tôi không nhớ đã phải sửa sang chiếc xe bao nhiêu lần nữa", ông Tuất nói.

Ông Tuất cũng cho hay, hồi đó nếu ông đạp đều có khi vài ngày đã sắm được nửa chỉ vàng.

"Miếng đất hồi đó có vài chỉ vàng chứ mấy. Cái nghề ni tính ra hồi đó cũng ngon như ai" - ông Tuất đăm chiêu nhớ về một thời hoàng kim của nghề xe đạp thồ.

Dù đã có 30 năm hành nghề ở chợ Đông Ba nhưng thời thế thay đổi, nghề đạp xe thồ hàng nay chỉ có thể giúp ông kiếm được vài đồng bạc lẻ mưu sinh qua ngày.

Ngoài ông Tuất, dọc tuyến đường trước và sau chợ Đông Ba còn rất nhiều người già khác mưu sinh bằng nghề xe đạp chở hàng cũng đang rơi vào câu chuyện tương tự.

Đến nay chỉ còn lại vài người bám trụ với nghề xe đạp thồ ở chợ Đông Ba

Họ coi những chiếc xe đạp chở hàng là "con ngựa sắt" đã từng là "cần câu cơm" nuôi sống cả gia đình. Nhưng với sự thay đổi của thời đại nghề đạp xe chở hàng đã dần bị thay thế bởi xe ô tô, xe máy. Thật tiếc những người đàn ông từng một thời vẫy vùng mưu sinh trên những chiếc xe đạp thồ nay cũng đã ở tuổi xế chiều.

Để thay đổi cuộc sống với họ giờ là cả một vấn đề. Họ coi nghề đạp xe như để kiếm ít đồng tiền lẻ mưu sinh nhưng cũng là trách nhiệm giữ lại nét văn hóa xưa cũ của đất cố đô.

Như một thói quen lâu năm, bất kể nắng mưa cứ sáng sớm là họ có mặt tại cửa chợ Đông Ba. Ai thuê gì họ chở nấy từ chở người đến hàng hóa, miễn là có tiền. Với quãng đường dưới 3km mỗi chuyến họ nhận được 20.000 - 40.000 đồng tiền công. Xa như An Cựu, Tây Lộc thì giá từ 80.000 - 100.000 đồng.

"Trừ khi nhà có việc hoặc đau ốm thì chúng tôi mới ở nhà, còn không, dù có mưa nắng vẫn đến chợ để chờ tiểu thương thuê được chuyến nào hay chuyến nấy. Là lao động chính trong nhà, cho dù có ốm cũng phải gắng gượng để cho con mình không phải thiệt thòi”, ông Lê Văn Đắc (69 tuổi, trú tại phường Phú Hiệp, TP Huế) người đã gần 40 năm đạp xe thồ ở chợ Đông Ba chia sẻ.

Những người hành nghề xe đạp thồ ở chợ Đông Ba không còn nhiều, trong đó đa số là những người lớn tuổi

Theo chia sẻ của ông Tuất, ông Đắc tuy những người làm nghề như họ có nhiều băn khoăn với nghề đã nuôi sống họ qua hàng chục năm nhưng dường như họ đang hình dung ra một ngày không xa cũng đến lúc họ phải giải nghệ. Càng buồn hơn khi họ nhận ra nghề đạp xe chở hàng chợ Đông Ba sẽ chẳng có thế hệ kế cận bởi xã hội đã thay đổi.

Chia tay những người đàn ông đạp xe thồ cũng là lúc TP. Huế bước vào xế chiều. Cái lạnh se của những ngày cuối năm kèm không gian có phần ảm đạm càng tô thêm những nỗi buồn vốn đã kéo dài và canh cánh trong lòng những người tài xế vẫn đang xếp hàng dài chờ khách bên vệ đường.

Nguyễn Hiền

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/cu-ong-hon-30-nam-muu-sinh-bang-nghe-dap-xe-cho-hang-tai-cho-dong-ba-d196231.html