Cú hích phát triển du lịch bền vững Vườn Quốc gia U Minh Hạ

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa phê duyệt Ðề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia U Minh Hạ đến năm 2030 với nguồn kinh phí thực hiện ước hơn 1.400 tỷ đồng. Đây được coi là cú hích phát triển du lịch Vườn Quốc gia U Minh Hạ bền vững gắn với việc bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng tràm, sự đa dạng phong phú của vùng đất U Minh Hạ.

Tiềm năng lớn

Vườn Quốc gia U Minh Hạ (ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) là một trong 34 Vườn Quốc gia của toàn quốc, được Tổ chức UNESCO công nhận là 1 trong 3 vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Trong hơn 8.500ha Vườn Quốc gia U Minh Hạ quản lý, có khoảng 1.761ha là rừng nguyên sinh còn lại của tỉnh Cà Mau, với khoảng 176 loài cây cỏ, 23 loài thú, 91 loài chim và 47 loài lưỡng cư, bò sát. Ngoài ra, Vườn Quốc gia U Minh Hạ còn có hơn 25.000ha vùng đệm thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ, Trại giam K1 Cái Tàu và Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng rừng ngập mặn Minh Hải.

Đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng cho Vườn Quốc gia U Minh Hạ để mời gọi du khách

Đây là khu vực có hệ động thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước trên lớp than bùn do xác thực vật tích tụ lâu năm tạo thành. Thực vật đặc hữu ở đây là các loài: tràm, móp, năn, sậy, choại... Động vật đặc trưng là: rái cá lông mũi, tê tê, nai, khỉ đuôi dài, lợn rừng, rùa, rắn, trăn, các loại cá nước ngọt, chim, côn trùng... Vườn Quốc gia U Minh Hạ là một trong hai vườn quốc gia tại tỉnh Cà Mau.

Ngày 26.5.2009, cùng với Cù Lao Chàm, Quảng Nam; Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ được UNESCO đưa vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Mang nhiệm vụ bảo tồn, tái tạo các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, rừng tràm trên đất than bùn; bảo tồn và phát triển nguồn gene các loài động thực vật quý, các giá trị văn hóa, tinh thần, di tích lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, Vườn Quốc gia U Minh Hạ được đánh giá là hiện trạng tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch; xây dựng các tuyến, các điểm du lịch sinh thái, lịch sử phù hợp với tiềm năng sẵn có và đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và các tuyến, điểm du lịch; xây dựng các công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch; lập phương án, giải pháp quảng bá du lịch, phát triển nguồn nhân lực và đầu tư hạ tầng du lịch.

Thời gian gần đây, chính quyền và ngành du lịch tỉnh Cà Mau đã xây dựng rất nhiều tour, tuyến, sản phẩm du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhiều du khách đến với Vườn Quốc gia U minh Hạ đã bày tỏ tiếc nuối bởi sự thiếu thốn về hạ tầng và cơ sở vật chất ở nơi này.

Theo Trưởng phòng Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường Vườn Quốc gia U Minh Hạ Nguyễn Tấn Truyền, hầu hết du khách đến đây đều thích cảnh quan thiên nhiên hoang dã, không khí thoáng mát tại Vườn. Tuy nhiên, khách cũng bày tỏ sự không hài lòng về điều kiện cơ sở vật chất và nuối tiếc vì nơi đây chưa có chỗ nghỉ qua đêm, lối đi vào vừa nhỏ, vừa xuống cấp, hai chiếc xe ô tô khó tránh nhau lại.

Khai thác tài nguyên và bảo vệ rừng

Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã xây dựng Đề án phát triển du lịch tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ đến năm 2030 với nguồn kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó có 52 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, phần còn lại sẽ vận động xã hội hóa. Trên cơ sở phương án Quản lý rừng bền vững được phê duyệt, Vườn Quốc gia U Minh Hạ tổ chức thực hiện đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại 2 phân khu chức năng có tổng diện tích 1.318,5ha, gồm: phân khu dịch vụ hành chính 743,6ha (Tiểu khu 5, Tiểu khu 6, khoảnh 3 và khoảnh 6 Tiểu khu 76, Tiểu khu 77) và một phần phân khu phục hồi sinh thái 574,9ha (khoảnh 3 và khoảnh 6 Tiểu khu 70, khoảnh 3 Tiểu khu 73).

Theo đó, hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được phân thành 6 khu chức năng, có vị trí, quy mô khác nhau. Ngoài ra, còn có các tuyến du lịch như các tuyến nội bộ kết nối các khu chức năng du lịch (các phương tiện xe gắn máy, ô tô, xe điện, xuồng, đi bộ…). Song song đó, các tuyến kết nối các khu điểm du lịch như Khu du lịch Hòn Đá Bạc, Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm, các hộ du lịch cộng đồng và kết nối các khu, điểm du lịch khác trong và ngoài tỉnh.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng bày tỏ “Đề án phát triển du lịch sinh thái ở khu vực Vườn Quốc gia U Minh Hạ nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo các hoạt động sinh kế thông qua việc khai thác có hiệu quả, bền vững tài nguyên du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp điều kiện thực tế, kinh nghiệm, nhân lực, đồng thời nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và văn hóa tinh thần, nâng cao ý thức quản lý bảo vệ rừng, môi trường và bảo tồn di sản Văn hóa của người dân, bảo đảm việc khai thác tài nguyên cho phát triển du lịch sinh thái được quản lý theo phương thức chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm”.

Bài và ảnh: Vũ Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/cu-hich-phat-trien-du-lich-ben-vung-vuon-quoc-gia-u-minh-ha-i343308/