Cú hích giảm nghèo đa chiều ở Năm Căn

Bằng nhiều cách làm hay và phù hợp với điều kiện của từng địa phương, huyện Năm Căn (Cà Mau) đã giúp nhiều hộ dân có 'cần câu' để tạo sinh kế, tăng thu nhập và là động lực để họ quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

Những ngày cuối năm, người dân và lãnh đạo huyện Năm Căn tự tin có thể hoàn thành mục tiêu giảm 0,8% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều trong năm 2023.

Trao "cần câu" tạo sinh kế

Để có được kết quả trên, cái hay trong cách làm của Năm Căn là biết khơi dậy tinh thần vươn lên của từng hộ dân và trao sinh kế kết hợp "cầm tay chỉ việc" để người dân từng bước thoát nghèo bền vững.

Điển hình như gia đình ông Bùi Văn Hiển (xã Lâm Hải) được hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế. Sau khi có vốn, gia đình ông đã cải tạo diện tích đất rừng, đầu tư nuôi ong và trồng thêm các loại cây kiểng đáp ứng thị trường Tết... Nhờ đa dạng cây, con nên gia đình ông có nguồn thu liên tục, từ đó đảm bảo cuộc sống ổn định và thoát nghèo.

Hay gia đình bà Lê Thị Điều (xã Tam Giang) từ một hộ nghèo nhưng nhờ tham gia HTX Tài Thịnh Phát Farm, bà đã có việc làm, thu nhập ổn định hơn trước. Đến nay, HTX là mô hình nuôi trồng và chế biến thủy sản theo hướng bền vững điển hình của huyện, giúp tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương, trong đó phần lớn là những hộ nghèo, phụ nữ...

Còn HTX Tân Hiệp Phát (xã Lâm Hải) đã đầu tư sản xuất cua theo quy mô hơn, làm theo đơn đặt hàng của khách. HTX cũng áp dụng các kỹ thuật tiên tiến và đứng ra bao tiêu cua cho những hộ sản xuất theo quy trình, từ đó tạo điều kiện phát triển nghề nuôi cua và nâng cao thu nhập cho người dân xã Lâm Hải.

Thực tế, Lâm Hải vốn là xã có tỷ lệ hộ nghèo khá cao, đứng thứ ba trong huyện Năm Căn, sau xã Tam Giang Đông và thị trấn Năm Căn, với 45 hộ nghèo, chiếm 2,39% và 55 hộ cận nghèo, chiếm 2,93% tổng số hộ dân trên địa bàn. Tuy nhiên, nhờ biết tận dụng thế mạnh của vùng sông nước, xã đã tích cực hỗ trợ người dân phát triển thương hiệu cua Năm Căn.

Chính vì vậy mà đến cuối năm 2023, lãnh đạo và người dân trong xã đều vui mừng khi hoàn thành được mục tiêu giảm 0,8% tỷ lệ hộ nghèo, tương đương 16 hộ và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,4%, tương đương với 9 hộ. Riêng ấp Biện Trượng là ấp có tỷ lệ hộ nghèo cao (13 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo) đã giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo nhờ tập trung mọi nguồn lực, nhất là hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở, phát triển kinh tế.

Nắm bắt nguyện vọng của người nghèo

Có thể thấy không chỉ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn, Năm Căn còn giúp người dân khắc phục điểm yếu về sản xuất nhỏ lẻ theo từng nông hộ, giá cả không ổn định, lợi nhuận thấp, thiếu liên kết nên khó phát triển theo hướng hàng hóa. Thay vào đó, huyện vận động và tạo điều kiện cho người dân liên kết sản xuất các nông đặc sản của địa phương bằng cách thành lập và phát triển các HTX. Từ đây, nhiều HTX đã thực sự là điểm tựa của người nghèo, giúp nhân dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.

Nuôi cua hàng hóa giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo.

Nuôi cua hàng hóa giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo.

HTX dịch vụ cua biển Năm Căn (thị trấn Năm Căn) ra đời không chỉ khẳng định được vị thế của thương hiệu cua Năm Căn mà còn giúp 18 thành viên có việc làm và thu nhập ổn định từ hoạt động nuôi cua, kinh doanh cua thương phẩm, làm dịch vụ sản xuất và cung ứng con giống, thức ăn, thuốc xử lý ao đầm, đại diện ký kết hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ cua nguyên liệu. Hàng năm, HTX giúp địa phương cung ứng ra thị trường khoảng 3.000 tấn cua thương phẩm.

Hoạt động của HTX dịch vụ cua biển Năm Căn đã giúp người dân tự tin liên kết sản xuất và hỗ trợ đắc lực giúp thị trấn giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến cuối năm 2022, thị trấn Năm Căn còn 157 hộ nghèo; năm nay nhờ kinh tế ổn định, địa phương đã hỗ trợ 54 hộ giảm nghèo, phát triển sinh kế.

Song song với việc hỗ trợ người dân liên kết sản xuất, huyện Năm Căn còn chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nghèo để có những kế hoạch hỗ trợ phù hợp. Cụ thể như đối với những hộ cần mở rộng mô hình sản xuất, mua bán thì địa phương xem xét hỗ trợ vốn. Đối với hộ chưa có việc làm ổn định, huyện đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Hộ nào khó khăn về nhà ở, huyện vận động, tạo điều kiện xây mới, sửa chữa nhà ở…

Bên cạnh đó, huyện triển khai các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất...

Giảm 0,8% tỷ lệ hộ nghèo

Ngoài hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo sinh kế, huyện Năm Căn còn xác định một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo ở một số xã, thị trấn trong huyện khó giảm là do vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo không có công cụ, phương tiện sản xuất, đặc biệt là những hộ nghèo, cận nghèo có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn, khó tiếp cận các dịch vụ bảo trợ xã hội.

Theo thống kê về các chiều thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, năm 2022, số hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện thiếu hụt chất lượng nhà ở là 305/735 hộ, chiếm gần 41,5%; số hộ thiếu hụt bảo hiểm y tế 666/735 hộ, chiếm trên 90%. Ngoài ra, huyện còn có 620 đối tượng không có đất sản xuất, 138 hộ không có lao động, gần 125 hộ không có kỹ năng lao động, sản xuất, đặc biệt là có trên 130 hộ nghèo, cận nghèo có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn.

Trước thực tế này, huyện vận động xây dựng nhà ở cho các đối tượng và các chương trình an sinh xã hội khác. Huyện cũng quán triệt, triển khai sâu rộng về công tác giảm nghèo bền vững năm 2023 đến các ngành, các cấp, với mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới.

Song song đó, các ngành chức năng đẩy mạnh hỗ trợ các đối tượng này đảm bảo mức sống tối thiểu, tăng dần khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững.

Nhờ vậy, Năm Căn đã cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của năm. Nếu như cuối năm 2022, toàn huyện Năm Căn còn 365 hộ nghèo, chiếm 2,32% và 370 hộ cận nghèo, chiếm 2,35% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều thì theo tính toán sơ bộ, đến cuối năm 2023, huyện tiếp tục giảm 0,8% tỷ lệ hộ nghèo. Đây là một bước tiến mạnh trong quá trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, vì những năm trước, Năm Căn chỉ đặt mục tiêu giảm 0,3% tỷ lệ hộ nghèo/năm.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/cu-hich-giam-ngheo-da-chieu-o-nam-can-1097505.html