Cụ bà 91 tuổi không thể nằm ngủ do bướu giáp khổng lồ chèn ép gần hết khí quản

Các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đà Nẵng vừa phẫu thuật thành công cho cụ bà 91 tuổi bị bướu giáp thòng khổng lồ chèn ép khí quản 80%.

Bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: BV

Bệnh nhân N.T.D (91 tuổi, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cách đây 50 năm đã mổ bướu cổ nhưng không tái khám định kỳ. Khoảng 5 năm gần đây, bà thường xuyên khó thở nhưng gia đình chỉ nghĩ do hen suyễn tuổi già nên không đưa đi khám. Gần đây tình trạng khó thở của bà ngày càng nặng, không thể nằm ngủ nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng khám.

Tại bệnh viện, sau khi thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, bà D được chẩn đoán bướu giáp thòng trung thất gây chèn ép khí quản 80%, hẹp đường thở chỉ còn 4mm. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có nhiều bệnh lý kèm theo như cao huyết áp, hở van tim.

Theo BSCKII Thân Trọng Vũ, Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đà Nẵng, do tuổi cao, nhiều bệnh lý kèm theo và khối bướu quá lớn, phẫu thuật cho bệnh nhân D tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Khối bướu đã xâm lấn sâu vào lồng ngực, bám dính vào các cơ quan lân cận, tiên lượng đặt nội khí quản khi gây mê khó khăn, có thể dẫn đến biến chứng và buộc phải cưa xương ức để lấy bướu.

Các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực và Gây mê Hồi sức đã phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng phương án phẫu thuật.

Với kỹ thuật cao và kinh nghiệm dày dặn, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công, loại bỏ hoàn toàn khối bướu khổng lồ ra khỏi lồng ngực của bệnh nhân. Đồng thời, các cấu trúc quan trọng như thần kinh chi phối cho giọng nói, tuyến cận giáp được bảo tồn, không chảy máu.

Sau 24 giờ theo dõi tại phòng Hồi sức sau mổ, bệnh nhân được chuyển về Khoa Ngoại lồng ngực tiếp tục điều trị. Hiện tại, sức khỏe bà D đã ổn định hoàn toàn, ăn uống, sinh hoạt bình thường, không còn tình trạng khó thở, khàn tiếng và đã được xuất viện.

Theo BS Vũ, bệnh nhân này có vết xơ sẹo ở vùng cổ do đã mổ bướu cách đây 50 năm gây nên tình trạng bướu giáp tái phát không phát triển được về phía trên mà phát triển dưới lồng ngực khiến bướu thòng xuống sâu 2 bên trung thất. Bướu giáp xuất phát từ cả 2 thùy tuyến giáp và ôm xung quanh của khí quản gây tình trạng hẹp khí quản nặng (đường kính 4mm) tương đương khoảng 80% khẩu kính khí quản. Điều này rất hiếm khi xảy ra.

BS Vũ khuyến cáo: ở những bệnh nhân sau phẫu thuật ở vùng cổ, nhất là sau phẫu thuật cắt bán phần tuyến giáp cần phải khám đều đặn để đánh giá theo dõi diễn biến bệnh về sau.

Đối với những bệnh nhân biểu hiện tình trạng khó thở thanh quản cần lưu ý chèn ép cơ học do các khối u ở vùng cổ, ngực trong đó có bướu giáp thòng trung thất để có thể chỉ định xét nghiệm hình ảnh (CT cổ ngực có thuốc cản quang tiêm tĩnh mạch) để phát hiện và xử lý kịp thời.

Bảo Long

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/cu-ba-91-tuoi-khong-the-nam-ngu-do-buou-giap-khong-lo-chen-ep-gan-het-khi-quan-377444.html