Cứ 3 doanh nghiệp, có 1 sẵn sàng trả chi phí để tăng khả năng trúng thầu

Đấu thầu mua sắm công nhìn từ góc nhìn doanh nghiệp có khá nhiều vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp tham gia.

Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia đấu thầu công tại địa phương. Nguồn: VCCI

Doanh nghiệp phải chi trả các khoản chi phí không chính thức để các bước chuẩn bị và nộp hồ sơ dự thẩu được trơn tru hơn. Có những trường hợp doanh nghiệp từ chối không chi trả các khoản này, khiến cho tiến độ hoàn thành hồ sơ bị chậm trễ, không nộp được hồ sơ dự thầu, gây tổn thất lớn hơn khoản chi trả trên.

Đây là một trong những ý kiến các doanh nghiệp tham gia khảo sát về đấu thầu mua sắm công nêu, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện.

Báo cáo được công bố tại Hội thảo “Đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của doanh nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức sáng nay, 16/6, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Australia.

“Đáng nói là 50% doanh nghiệp cung cấp thiết bị y tế đồng ý với nhận định về tình trạng chi trả hoa hồng để trúng thầu”, ông Trương Đức Trọng, Ban Pháp chế, VCCI cho biết về kết quả khảo sát vừa được thực hiện.

Lý giải về hành động này, có tới gần 60% doanh nghiệp cho là “luật bất thành văn”, khoảng 30% doanh nghiệp chủ động thực hiện.

Đặc biệt, khảo sát của VCCI cho thấy, 10% việc này được thực hiện do cán bộ phụ trách thầu gợi ý. Tỷ lệ này ở lĩnh vực y tế cao hơn, lên tới 21,3%.

Rõ ràng, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia đấu thầu công tại địa phương, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI nhấn mạnh khi chia sẻ về nghiên cứu này.

Ông nói, mục đích của nghiên cứu này nhằm tìm hiểu, những vấn đề, vướng mắc cụ thể cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải khi tham gia hoạt động đấu thầu mua sắm công tại địa phương.

Hội thảo “Đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của doanh nghiệp do VCCI tổ chức sáng ngày 16/6

"Chúng tôi muốn tìm kiếm giải pháp tháo gỡ, khắc phục, góp phần tăng cường tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả pháp luật về đấu thầu mua sắm công và công tác thực hiện, đồng thời góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam”, ông Tuấn nói.

Hai vấn đề chính trong mua sắm đấu thầu công được nghiên cứu. Một là, đánh giá của doanh nghiệp về quá trình thực hiện thủ tục đấu thầu mua sắm công tại địa phương và hai là, đánh giá việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

Có thể thấy, những khó khăn mà doanh nghiệp thường gặp nhiều nhất bao gồm thời gian chuẩn bị (nộp) hồ sơ dự thầu quá ngắn, thư mời thầu không công bố rộng rãi, điều kiện thực hiện hợp đồng quá khó, tiêu chuẩn về năng lực và kinh nghiệm nhà thầu khó bất thường, tiêu chí phụ không thỏa đáng, khó/không mua được hồ sơ mời thầu.

Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn còn e dè khi kiến nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu và những vấn đề liên quan. Với những doanh nghiệp lựa chọn gửi kiến nghị, khiếu nại, tố cáo khi có vướng mắc, kết quả khảo sát cho thấy dường như các doanh nghiệp lâu năm được giải quyết vướng mắc thỏa đáng hơn so với các doanh nghiệp mới thành lập.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu tại sao doanh nghiệp lựa chọn giải pháp không kiến nghị xem xét lại khi có vướng mắc là họ e ngại thủ tục kiến nghị phức tạp.

Các lý do khác được doanh nghiệp đưa ra bao gồm chi phí và công sức kiến nghị tốn kém so với lợi ích thu lại, lo ngại bị đối xử bất công trong tương lai, chưa tin tưởng vào việc giải quyết kiến nghị của bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền và xử lý tố cáo của cơ quan quản lý nhà nước.

Báo cáo khuyến nghị cần sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng tăng cường tính công khai và minh bạch trong mua sắm đấu thầu công thông qua tăng cường sử dụng các biểu mẫu đấu thầu công mang tính cạnh tranh và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và hợp đồng kết hợp với việc tối ưu hóa sử dụng công nghệ cao (hệ thống đấu thầu công điện tử) trong hoạt động tổ chức và quản lý đấu thầu.

Đồng thời, cần tăng cường giám sát mua sắm đấu thầu công thông qua nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với cơ quan, tổ chức công mời thầu mua sắm, đầu thầu công, cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài ra, cơ quan chức năng ở địa phương cần tập trung vào chất lượng giải quyết các vấn đề và kiến nghị của doanh nghiệp tham gia đấu thầu thông qua việc xây dựng các cơ chế độc lập.

Phát biểu tại hội thảo, ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) nhấn mạnh đến yêu cầu nâng cao tính minh bạch và đẩy mạnh quá trình số hóa trong hoạt động đấu thầu công, bao gồm trong lĩnh vực y tế là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững.

Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 để giúp ứng phó một cách hiệu quả đối với khủng hoảng và phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch.

"Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong thúc đẩy những thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch và liêm chính doanh nghiệp, vì vậy tôi hy vọng rằng kết quả thảo luận tại hội thảo sẽ tạo cơ sở cho những hoạt động hợp tác trong tương lai với sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp nhằm góp phần xây dựng một hệ thống đấu thầu công hiệu quả, số hóa và minh bạch ở Việt Nam", ông Patrick Haverman đặt vấn đề.

Báo cáo khảo sát là kết quả của dự án hợp tác giữa VCCI-UNDP với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Australia nhằm tìm hiểu trải nghiệm và cảm nhận của các doanh nghiệp về hoạt động đấu thầu mua sắm công tại các địa phương, trong đó có lĩnh vực y tế công.

Báo cáo sử dụng dữ liệu điều tra với các câu hỏi được lồng ghép vào khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, một điều tra doanh nghiệp thường niên quy mô lớn do VCCI triển khai trong nhiều năm qua tại Việt Nam

Khánh An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cu-3-doanh-nghiep-co-1-san-sang-tra-chi-phi-de-tang-kha-nang-trung-thau-d167907.html