Cứ 10 giây có một người chết vì đái tháo đường

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thế kỷ 21 là thế kỷ của các bệnh nội tiết và các rối loạn chuyển hóa, điển hình là bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Người bệnh ĐTĐ tăng rất nhanh, năm 2000 có 171 triệu, đến năm 2006 tăng lên 246 triệu. Dự kiến năm 2025, có 380-399 triệu người bệnh ĐTĐ. Cho tới nay bệnh chưa có khả năng chữa khỏi, có nhiều biến chứng nặng nề nhưng nếu được điều trị đúng, tư vấn tốt, bệnh nhân có thể sống hoàn toàn khỏe mạnh.

Bệnh nhân ĐTĐ nên hạn chế sử dụng các thức ăn đã qua tinh chế, hạn chế hoa quả nhiều đường như nước mía, sầu riêng, mít, nhãn. Ảnh minh họa

Tỷ lệ gia tăng bệnh ĐTĐ nhanh nhất thế giới

Cả thế giới mỗi năm phải chi ra từ 232 tỉ đến 430 tỉ USD cho điều trị và phòng, chống bệnh ĐTĐ. Bệnh làm giảm tuổi thọ từ 5 - 10 năm, tử vong đứng hàng thứ tư trong tất cả nguyên nhân gây tử vong và đứng thứ hai trong số các bệnh không lây.

Ở Việt Nam, hiện có khoảng 4,8 triệu người mắc ĐTĐ. Trong đó, ĐTĐ tuýp 2 chiếm trên 90%. Nguyên nhân gia tăng nhanh bệnh ĐTĐ, đặc biệt ĐTĐ tuýp 2, ngoài yếu tố di truyền, còn do lối sống ít vận động, dinh dưỡng không đúng, thừa năng lượng, gia tăng thừa cân, béo phì, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đưa đến ĐTĐ. Việt Nam không nằm trong số 10 nước có bệnh ĐTĐ cao nhất nhưng lại có tỷ lệ gia tăng bệnh ĐTĐ nhanh nhất thế giới, trong đó có 65% người bệnh không biết mình mắc bệnh khi có các dấu hiệu như: Tiểu nhiều, mất cân nhanh, mệt nhọc, khát nước nhiều… thì bệnh đã tiến triển 5-10 năm. Chẩn đoán muộn dẫn đến hệ quả 50% bệnh nhân có các biến chứng. Các biến chứng có thể ở mắt, thận, tê bì chân tay, não, tim mạch, vết thương lâu lành… Vì thế, các bác sĩ nội tiết khuyến cáo những người ít vận động, chế độ ăn thừa năng lượng, thừa cân, béo phì (chỉ số BMI lớn hơn hoặc bằng 23 (BMI là chỉ số khối cơ thể, trọng lượng cơ thể (kg)/(chiều cao x chiều cao) (m)), tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, vòng eo lớn ≥ 80 cm với nữ, ≥ 90cm với nam, tuổi 45 trở lên, gia đình có người mắc ĐTĐ, phụ nữ sinh con trên 4kg, phụ nữ được chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ nên xét nghiệm định kỳ để kiểm tra đường huyết nhằm phát hiện sớm bệnh.

ĐTĐ là bệnh mãn tính, phải điều trị liên tục suốt đời. Trên thực tế, một số bệnh nhân ĐTĐ sau một đơn thuốc uống, đường huyết bình thường thì nghĩ rằng mình hết bệnh và không tuân thủ điều trị. Bên cạnh đó, nhiều người bệnh không hiểu ĐTĐ có hai phương pháp điều trị hỗ trợ lẫn nhau là điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc. Điều trị không dùng thuốc là dùng chế độ ăn và tăng cường vận động - việc này không chỉ giúp ổn định đường huyết, huyết áp, mỡ máu, giữ cân nặng bình thường mà còn làm cho người bệnh có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai hơn. Song song đó là uống thuốc để điều chỉnh đường huyết và các rối loạn khác mà người ĐTĐ có thể mắc phải như: Cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid…

Chủ động phát hiện sớm bệnh

Việc chẩn đoán sớm bệnh rất quan trọng vì tiền ĐTĐ (đường huyết cao nhưng chưa đến mức ĐTĐ) là giai đoạn sớm của bệnh, nếu không được phát hiện và can thiệp thì sẽ nhanh chóng tiến triển thành bệnh ĐTĐ. Hội đồng các chuyên gia của Cơ quan về dịch vụ sức khỏe và con người của Mỹ khuyến cáo: Những người béo phì tuổi dưới 45 cũng cần được sàng lọc nếu họ có một trong những yếu tố nguy cơ sau: Tăng huyết áp, tiền sử gia đình có người bị ĐTĐ, ĐTĐ thai kỳ hoặc sinh con trên 4kg…

Có hai cách phát hiện sớm tiền ĐTĐ là xét nghiệm đường máu lúc đói (8-14 giờ sau khi ăn); cách thứ hai là xét nghiệm rối loạn dung nạp đường (cho uống đường, sau 2 giờ xét nghiệm). Tiền ĐTĐ có thể ngăn chặn tiến triển thành ĐTĐ được bằng tập thể dục ở mức độ vừa phải khoảng 30-60 phút mỗi ngày; thực hiện chế độ ăn giống như bệnh nhân ĐTĐ.

Bệnh ĐTĐ tuy nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được, người dưới 40 tuổi nên khám sức khỏe, thử đường máu 1 lần/năm, trên 40 tuổi, khám sức khỏe thử đường máu 2 lần/năm; kiểm soát cân nặng, chống béo phì, giữ BMI từ 18,5 đến dưới 25; không ăn quá lượng cần thiết và tăng cường vận động khoảng 30-60 phút mỗi ngày.

Ăn uống đúng giờ

Bệnh nhân ĐTĐ nên hạn chế sử dụng các thức ăn đã tinh chế như: Bánh kẹo, đường, bột mì, bột gạo, đồ khô, đồ hộp; dùng dầu thực vật (dầu đậu tương, dầu nành...) thay cho mỡ động vật; hạn chế ăn hoa quả nhiều đường, ngọt nhiều (nước mía, sầu riêng, mít, nhãn…).

Nguyên tắc ăn uống cho bệnh nhân ĐTĐ là ăn uống đúng giờ ở 2 bữa chính, các bữa còn lại ăn rau và ngũ cốc; loại bỏ thức ăn có nhiều mỡ; nên ăn món ăn ít năng lượng (rau, dưa...); không được bỏ bữa, ngay cả khi không muốn ăn; làm mọi việc tạo cảm giác ngon miệng khi ăn; ăn chậm, nhai kỹ…

Theo H.Hoa (GĐ&XH)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/cu-10-giay-co-mot-nguoi-chet-vi-dai-thao-duong-d47085.html