Credit Suisse - bi kịch xảy ra từ một thông báo

Sự sụp đổ của một ngân hàng lớn như Credit Suisse không phải là một điều bất ngờ, mà là kết quả của nhiều năm thay đổi chiến lược.

Biểu tượng của ngân hàng Credit Suisse. Ảnh: Reuters

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cả những người có trách nhiệm tại ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ và các cơ quan chức năng đều không đưa ra được giải pháp chính xác.

Theo trang tin tức Themarket (Thụy Sỹ) ngày 20/3, Credit Suisse đã không vượt qua cơn bão. Thị trường tài chính mất niềm tin vào ngân hàng lớn của Thụy Sỹ trong những ngày gần đây - và xu hướng này dường như không thể đảo ngược - đến nỗi cuối cùng, lựa chọn duy nhất còn lại là bán lại khẩn cấp cho ngân hàng UBS.

Đối thủ cạnh tranh trực tiếp ở trong nước tiếp quản Credit Suisse đang gặp khó khăn với giá khoảng 3 tỷ CHF (3,2 tỷ USD), nhưng lại được Chính phủ liên bang cung cấp cho họ các khoản bảo lãnh trong trường hợp việc tiếp quản gây ra sự thua lỗ. Hành động này phải được thực hiện nhanh chóng - nhanh đến mức chính quyền liên bang và cơ quan quản lý thị trường tài chính Finma đã loại bỏ tất cả các khía cạnh của việc tiếp quản theo luật doanh nghiệp và luật cạnh tranh. Tất cả với một mục tiêu: Ngăn chặn sự hoảng loạn của thị trường tài chính. Trong chớp mắt, Credit Suisse không còn nữa sau 167 năm, kết thúc lịch sử lâu dài và đáng tự hào của mình.

* Bi kịch

Không phải một tia chớp bất ngờ đã đánh trúng Credit Suisse, mà thực tế đó là một kết thúc sau một quá trình lâu dài. Ngân hàng đã được xác định trong nhiều tháng là mắt xích yếu nhất trong chuỗi các ngân hàng quan trọng có hệ thống toàn cầu. Đó có thể sẽ không phải là vấn đề trong thời kỳ bình yên trên thị trường tài chính. Nhưng nó thực sự nguy hiểm khi thị trường rơi vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng.

Ngân hàng không bao giờ nên ở vị thế mà chỉ một tuyên bố thiếu cân nhắc của cổ đông lớn người Saudi Arabia có thể gây ra sự hoảng loạn. Chính Credit Suisse đã tự đặt mình vào hoàn cảnh này.

Tình hình hiện nay bắt đầu với sự ngạo mạn khi Credit Suisse vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 một cách tương đối bình yên. Trái ngược với UBS, Credit Suisse đã không có được trải nghiệm cận kề của sự sụp đổ dưới thời Giám đốc điều hành Brady Dougan. Credit Suisse cảm thấy buộc phải tiếp tục chơi lớn trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư như thể không có chuyện gì xảy ra. Trong nhiều năm, hội đồng quản trị đã thất bại trong việc đưa ra một chiến lược rõ ràng cho ngân hàng.

* Sóng gió liên miên

Sự khởi đầu của sự kết thúc của Credit Suisse bắt đầu từ năm 2021, khi ngân hàng này vướng vào một loạt các vụ bê bối gây ra sự khó khăn về tài chính và sự giảm sút về uy tín.

Tháng 3/2021, công ty tài chính Greensill của Anh chuyên cho các doanh nghiệp vay ngắn hạn thông qua một mô hình kinh doanh phức tạp và không minh bạch đã sụp đổ và mất khả năng thanh toán, khiến Credit Suisse gặp khó khăn do ngân hàng này đã đầu tư khoản tiền lên tới 10 tỷ USD vào Greensill. Chỉ 4 tuần sau khi Greensill sụp đổ, Credit Suisse lại bị thiệt hại hơn 5 tỷ USD bởi sự sụp đổ của quỹ phòng hộ Archegos của Mỹ. Hai vụ bê bối, một trong lĩnh vực quản lý tài sản và một trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, đã làm bộc lộ những khiếm khuyết trong công tác quản trị rủi ro của ngân hàng này.

Vào tháng 10/2021, Credit Suisse đã bị chính quyền Mỹ và Anh phạt 475 triệu USD sau khi vướng vào một vụ bê bối hối lộ ở Mozambique liên quan đến các khoản vay cho các công ty nhà nước. Các khoản tín dụng, được cấp từ năm 2013 đến 2016, được cho là để tài trợ cho các dự án giám sát hàng hải, đánh bắt cá và nhà máy đóng tàu, nhưng một phần đã bị chuyển hướng để hối lộ.

Một cuộc điều tra có tên là “Bí mật Suisse” do Dự án Báo cáo Tội phạm có Tổ chức và Tham nhũng thực hiện, được công bố vào tháng 2/2022, cáo buộc Credit Suisse nắm giữ hơn 8 tỷ USD trong tài khoản của tội phạm, nhà độc tài và những kẻ lạm dụng quyền.

Vào tháng 6/2022, Credit Suisse bị phạt 2 triệu USD trong một vụ rửa tiền liên quan đến mạng lưới cocaine của Bulgaria. Tòa án Hình sự Liên bang của Thụy Sỹ phát hiện ra rằng ngân hàng đã không thực hiện các bước để ngăn chặn hoạt động rửa tiền của tổ chức tội phạm, cho rằng ngân hàng này đã vi phạm trách nhiệm của họ. Hành động của Credit Suisse đã cho phép băng nhóm tội phạm cất giấu hơn 19 triệu franc Thụy Sỹ ngoài tầm kiểm soát của chính quyền.

Trong một thời gian dài, Credit Suisse đã phải đối phó với dòng tiền chảy ra lớn, không tìm được cơ sở doanh thu vững chắc và chịu tác động của việc định hướng lại.

Bộ đôi quản lý gồm Chủ tịch VR Axel Lehmann và Giám đốc điều hành Ulrich Körner lẽ ra đã có cơ hội xoay chuyển tình thế từ mùa Hè năm 2022. Nhưng họ cũng đã hành động quá do dự và tiến hành quá chậm trong việc đưa ra cho ngân hàng một chiến lược mới rõ ràng và đóng cửa hoạt động ngân hàng đầu tư. Lẽ ra họ phải củng cố vốn chủ sở hữu của Credit Suisse một cách kiên định và can đảm hơn nhiều.

* "Chữa cháy" bằng luật khẩn cấp

Bản thân các cơ quan giám sát là Finma và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) cũng phải đặt câu hỏi: Họ đã chuẩn bị đầy đủ cho sự cố xảy ra chưa? Họ có nhận ra tín hiệu cảnh báo khi Credit Suisse bắt đầu chao đảo vào mùa thu năm 2022 và họ có tận dụng cơ hội này để chuẩn bị các kế hoạch khẩn cấp phù hợp không?

Thực tế là việc sáp nhập bắt buộc với UBS phải được thúc đẩy bằng các phiên họp khẩn cấp, với sự đảm bảo từ chính phủ và việc sử dụng luật khẩn cấp để đảo ngược cơ sở pháp lý.

Vào năm 2008, các nhà chức trách Thụy Sỹ cũng đã phải giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng chỉ trong một ngày cuối tuần vì họ không thể để thị trường tài chính mở cửa vào thứ Hai với sự không chắc chắn. Rõ ràng là cho đến nay tình trạng này không có gì thay đổi.

Nhưng mục đích của tất cả các biện pháp được thực hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính là gì để thảm họa như thế này không bao giờ xảy ra nữa? Đặc biệt, đối với Thụy Sỹ, quốc gia đã phải chấp nhận những rủi ro lớn để cứu UBS vào tháng 10/2008 và đưa ra một tuyên bố táo bạo “không bao giờ xay ra trường hợp như thế này nữa”. Ví dụ, nguyên tắc “quá lớn để sụp đổ” đã cung cấp cái gọi là hàng rào để bảo vệ doanh nghiệp quan trọng về mặt hệ thống của Thụy Sỹ trong trường hợp khẩn cấp. Ngày nay, hóa ra ý tưởng này đã chết ngay lần đầu tiên tiếp xúc với thực tế.

* Các đề xuất bị phớt lờ sau năm 2008

Người ta nói rằng các vị tướng được huấn luyện để chiến đấu trong cuộc chiến cuối cùng. Cơ quan quản lý cũng thường thực hiện công việc của họ bằng cách nhìn vào những bài học nhãn tiền để biết được nguyên nhân của cuộc khủng hoảng vừa qua. Về mặt này, chắc chắn người ta có thể lập luận rằng các quy tắc được đưa ra sau năm 2008 là vô ích vì chúng không thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng năm 2023.

Nhưng lập luận này là sai lầm. Vấn đề cơ bản vào năm 2023 cũng giống như năm 2008: Sự thiếu tin tưởng vào sự vững chắc của một ngân hàng và những nghi ngờ về việc liệu ngân hàng đó có thể đáp ứng tất cả các nghĩa vụ của mình hay không đều rất nguy hiểm. Giải pháp đúng đã không thực sự được thực hiện trong 15 năm qua để khắc phục tận gốc vấn đề này.

Sau năm 2008, các ngân hàng quan trọng trong hệ thống phải nắm giữ nhiều vốn chủ sở hữu hơn và đệm thanh khoản dày hơn, nhưng ở hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Thụy Sỹ, các ngân hàng đã vận động thành công để chống lại các quy định quá nghiêm ngặt.

Một sự phát triển bất lợi khác là sự phức tạp trong các quy tắc vốn. Sau năm 2008 chắc chắn đã có nhiều đề xuất cấp tiến hơn. Ví dụ, các nhà kinh tế Anat Admati và Martin Hellwig yêu cầu vốn tự có ít nhất 20% từ các ngân hàng. Họ ủng hộ các quy tắc “đơn giản, dễ hiểu, có thể thi hành” với nhận thức rằng sự phức tạp chỉ làm tăng thêm các quy tắc chứ không phải an ninh. William White, cựu kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, và người kế nhiệm ông, Claudio Borio, đã không ngừng cảnh báo về sự mong manh của hệ thống ngân hàng.

Tháng 3/2023, thị trường tài chính thế giới lại rơi vào trạng thái sốc. Việc lãi suất liên tục tăng trong 12 tháng qua đã khiến một số ngân hàng bán lẻ gặp khó khăn. Sự căng thẳng trong hệ thống tài chính là rất lớn. Một lần nữa, các ngân hàng trung ương phải công bố các biện pháp mới để đảm bảo thanh khoản trong các hành động phối hợp.

Các ngân hàng sụp đổ một lần nữa, trong khi đáng lẽ kết quả này đã có thể được ngăn chặn./.

Văn Tuấn (P/v TTXVN tại Geneva)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/credit-suisse-bi-kich-xay-ra-tu-mot-thong-bao/284941.html