Cốt lõi là công khai, minh bạch giá điện cho dân biết

Dự thảo quyết định quy định về quy chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công Thương soạn thảo đã tạo nên dư luận trái chiều xung quanh việc tăng thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện cho EVN và Bộ Công Thương. Phóng viên Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương - đơn vị thay mặt Bộ Công thương soạn thảo dự thảo này.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương.

Thưa ông, dư luận đặt nhiều nghi vấn về việc có hay không lợi ích nhóm trong việc tăng thẩm quyền và giảm tần suất quyết định việc tăng giá điện cho Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực VN (EVN)?

- Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quy định thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa 2 lần liên tiếp tối thiểu là 3 tháng. Tại văn bản này, Thủ tướng cũng quy định về thẩm quyền EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức 5%. Trong thời gian quyết định 24 có hiệu lực, giá bán điện đã được điều chỉnh 4 lần, phản ánh kịp thời tác động của các biến động thông số đầu vào cơ bản tới giá điện. Đến năm 2013, nhiều ý kiến cho rằng, cần dãn tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá và nâng ngưỡng điều chỉnh giá bán điện bình quân ở mức cao hơn 5%. Tại thời điểm đó, do sự biến động mạnh của các yếu tố đầu vào, nhằm hạn chế sự điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng chấp thuận ban hành Quyết định số 69/QĐ-TTg thay thế Quyết định 24/QĐ-TTg. Theo Quyết định 69, tần suất điều chỉnh tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá bán điện liên tiếp là 6 tháng và ngưỡng điều chỉnh giá bán điện được tăng lên 7%.

Tới năm 2015 và từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã xem xét, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 69/QĐ-TTg. Dù nhiều ý kiến cho rằng Quyết định 69 đã giúp quy trình xem xét, điều chỉnh giá điện công khai, minh bạch hơn trước. Tuy nhiên, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện quy định tại QĐ này vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện để tách bạch rõ cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm theo biến động các thông số đầu vào và cơ chế điều chỉnh giá điện hằng năm theo biến động đầu vào của tất cả các khâu; thẩm quyền quyết định của EVN khi điều chỉnh giá bán điện trong phạm vi cho phép, tăng cường việc giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thực hiện chi phí và giá thành sản xuất kinh doanh điện hằng năm...

Người dân cần công khai minh bạch về giá điện. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Vậy việc cho phép EVN được điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 3-5%/3 tháng, tương ứng với mức tăng cao nhất (20%/năm), trong khi nhiều chi phí sản xuất kinh doanh điện được đánh giá là chưa công khai, minh bạch, liệu có đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, thưa ông?

- Như phân tích trên, dự thảo quy định lại tần suất tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh là 3 tháng. Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán thấp hơn giá bán điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm điều chỉnh giảm ở mức tương ứng; trường hợp giá bán điện tính toán cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 3% đến dưới 5% và trong khung giá quy định, EVN được quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện ở mức tương ứng. Đồng thời lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra. Nếu giá bán điện cao hơn giá bán hiện hành từ 5% đến dưới 10%, Bộ Công Thương chủ trì quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện tương ứng. Nếu vượt 10% trở lên, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định...

Dự thảo mới đã được Bộ Công Thương tổ chức họp lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan theo đúng quy định, được đăng tải rộng rãi trên trang web của Bộ Công Thương từ tháng 2.2016 để lấy ý kiến của các khách hàng sử dụng điện...

Nhiều ý kiến cho rằng cần có sự tham gia của chủ thể là người mua điện gồm các DN và hộ sử dụng điện để tăng tính công khai, minh bạch trong điều chỉnh giá điện. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Đây cũng là mục tiêu lớn đặt ra trong lần sửa đổi Quyết định số 69 lần này. Dự thảo mới đã quy định Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện bình quân theo quy định. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu EVN giảm hoặc dừng tăng giá bán điện bình quân. Hằng năm, sau khi có báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập của EVN và các đơn vị thành viên, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, mời Ủy ban Trung ương Mặt trận TQVN, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tham gia kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của năm trước liền kề...

- Xin cảm ơn ông.

VCCI: Không thể trao quyền cho EVN tăng giá điện tới 20% mỗi năm

Dự thảo quyết định quy định về quy chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công Thương soạn thảo đã vấp phải sự phản ứng từ dư luận và đặc biệt Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đã có văn bản gửi Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương khẳng định, việc mở rộng thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện cho EVN được chủ động tăng đến 20% là cần phải xem xét. Nhiều ý kiến các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu trao quá nhiều quyền cho EVN mà không giám sát thì người dùng khó tránh khỏi phải móc hầu bao để trả quá lớn.

Theo VCCI, dự thảo mở rộng thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện tối đa lên đến 20% mỗi năm cho EVN và Bộ Công Thương lên đến 40% là khá cao so với mức biến động giá bình thường. VCCI cho rằng, để công khai, minh bạch phương án tăng giá, cần giảm mức tương ứng thẩm quyền điều chỉnh giá, thay vì cho phép EVN được quyền tăng từ 3-5%/lần, tối đa 20%/năm thì thẩm quyền này phải do Bộ Công Thương quyết định, với mức tăng trên 5% thuộc thẩm quyền Bộ Công Thương như dự thảo thì phải xin phép Thủ tướng. H.Q

HỒNG QUÂN (thực hiện)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/cot-loi-la-cong-khai-minh-bach-gia-dien-cho-dan-biet-599095.bld