Công ty Quốc Cường có thể trở thành bị đơn của TAND TP.HCM

Vừa qua, trong quá trình thi công tòa nhà Sài Gòn Plaza, chủ đầu tư là công ty Cổ phần Quốc Cường Liên Á đã làm sập một phần TAND TP.HCM. Với sai phạm này, công ty cổ phần Quốc Cường Liên Á hoàn toàn có thể trở thành bị đơn của TAND TP.HCM.

Chiều 20/12, một phần sân, mặt tiền, vỉa hè trước TAND TP.HCM (Tòa kinh tế, lao động và hành chính) ở địa chỉ tại Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1 đã bị sập, do công trình xây dựng cao ốc Sài Gòn Plaza làm tầng hầm gây nên, khiến trụ sở này phải di dời đi nơi khác. Với sai phạm này, TAND TP.HCM hoàn toàn có thể khởi kiện chủ đầu tư cao ốc Sài Gòn Plaza. Tuy nhiên, nếu có đây sẽ là vụ kiện hy hữu, gây tranh cãi khi nguyên đơn cũng chính là đơn vị thụ lý vụ án. Báo Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia pháp lý xung quanh vấn đề trên.

TAND TP.HCM sẽ là nguyên đơn

Thưa luật sư , vừa qua, trong quá trình thi công tòa nhà Sài Gòn Plaza, chủ đầu tư là công ty Cổ phần Quốc Cường Liên Á đã làm sập một phần TAND TP.HCM. Với sai phạm này, công ty cổ phần Quốc Cường Liên Á hoàn toàn có thể trở thành bị đơn của TAND TP.HCM. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây TAND TP liệu có thể vừa là nguyên đơn, vừa là đơn vị thụ lý vụ án được không?

Trong trường hợp này, căn cứ theo khoản 2 Điều 56 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 nếu Tòa án nhân dân (TAND) TP. HCM khởi kiện yêu cầu Công ty cổ phần Quốc Cường Liên Á bồi thường thiệt hại thì TAND TP.HCM sẽ là nguyên đơn trong vụ kiện này.

"Hố tử thần" trước tòa hành chính TP. HCM. Ảnh: internet.

Nếu TAND TP không phải là đơn vị thụ lý vụ án, theo luật sư thì đơn vị nào sẽ có đủ thẩm quyền xét xử vụ án hy hữu này? Tòa án tối cao hay tòa án cấp quận nơi xảy ra vụ việc? Và như vậy TAND TP có vi phạm luật tố tụng hay không?

Trong trường hợp này, nếu TAND TP.HCM khởi kiện thì căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 35, điểm d khoản 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án có thẩm quyền thụ lý vụ việc theo trình tự sơ thẩm có thể là Tòa án Nhân dân quận 1 (nơi TAND TP.HCM có trụ sở và đồng thời là nơi xảy ra vụ việc) hoặc Tòa án nhân dân quận 3 (nơi Công ty Cổ phần Quốc Cường Liên Á- tức bị đơn có trụ sở) tùy thuộc vào sự lựa chọn của nguyên đơn.

Và nếu sau khi xét xử sơ thẩm, một hoặc các bên có kháng cáo, hoặc viện Kiểm sát quận có kháng nghị thì căn cứ theo Điều 242 Bộ luật Tố tụng Dân sự, TAND TP.HCM với tư cách là Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án nhân dân quận sẽ có thẩm quyền thụ lý vụ việc theo trình tự phúc thẩm. Việc TAND TP. HCM là Tòa thụ lý vụ án theo trình tự phúc thẩm là đúng quy định pháp luật, tuy nhiên để đảm bảo tính khách quan thì đòi hỏi phải có sự tham gia kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật trong quá trình tố tụng của đại diện viện Kiểm sát nhân dân theo đúng quy định tại Điều 21 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu.

Sẽ xử lý dân sự hay hình sự?

Trước đây vào năm 2007, việc thi công tòa nhà Pacific trên đường Nguyễn Thị Minh Khai cũng làm sập tòa nhà của Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ. Và chủ công trình này đã bị khởi tố về tội vi phạm quy định về xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng. Trong vụ việc tương tự này, TAND TP có phải chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra hay không?

Điều 229 Bộ luật Hình sự 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Trong trường hợp này, để có cơ sở khởi tố vụ án, cơ quan điều tra cần xác định được hành vi vi phạm quy định pháp luật về xây dựng, xác định thiệt hại xảy ra có thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản hay không. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, vụ việc này chỉ là vụ việc dân sự bình thường, bên gây thiệt hại có trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại, chúng ta không nên hình sự hóa quan hệ dân sự.

Luật gia Đặng Đình Thịnh.

Nhiều người cho rằng, việc TAND vừa là đơn vị thụ lý vụ án, vừa là nguyên đơn, thì khi vụ án được đưa ra tòa, quyền lợi của bên bị hại có thể không được đảm bảo. Ý kiến của luật sư về vấn đề này như thế nào?

Như đã trình bày ở trên, trong vụ việc này, nếu TAND TP.HCM khởi kiện, thì Tòa án nhân dân quận 1 hoặc Tòa án nhân dân quận 3 sẽ là tòa án có thẩm quyền xét xử theo trình tự sơ thẩm mà không phải là TAND TP.HCM. Bên cạnh đó, một nguyên tắc cơ bản trong hoạt động xét xử là thẩm phán, hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đồng thời, việc thụ lý, xét xử vụ án có sự tham gia kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình tố tụng kiểm sát của đại diện viện Kiểm sát. Chính vì vậy, tôi cho rằng khả năng tòa án xét xử thiên vị là rất ít.

Bằng kinh nghiệm làm trong ngành luật lâu năm của mình, ông đánh giá vụ việc này như thế nào? Và có cách nào giải quyết ổn thỏa vấn đề này, mà vẫn đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, thưa luật sư?

Đây là vụ việc hy hữu khi bên bị thiệt hại lại là Tòa án nhân dân. Nhưng suy cho cùng thì đây cũng là một trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng bình thường, bên gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại. Và các bên có quyền tự thỏa thuận, thương lượng với nhau về việc bồi thường, khắc phục hậu quả mà không nhất thiết phải đưa vụ việc ra giải quyết tại Tòa án nhân dân.

TAND TP.HCM nên từ chối thụ lý ở phiên tòa phúc thẩm

Cũng liên quan đến vấn đề này, luật gia Đặng Đình Thịnh - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật – Hội Luật gia Việt Nam cho rằng: Theo quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng Dân sự, TAND TP.HCM là pháp nhân nên với tư cách là người bị thiệt hại thì TAND TP.HCM có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nếu các bên không thỏa thuận bồi thường được. Tòa án nhân dân quận 1, TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Việc giải quyết vụ án trong giai đoạn sơ thẩm được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục luật định.

Nếu bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận 1 bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì TAND TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì TAND TP.HCM phải từ chối giải quyết nhằm bảo đảm tính khách quan theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Tố tụng Dân sự vì họ là nguyên đơn trong vụ án do chính mình xét xử. Thẩm quyền thụ lý giải quyết cũng không thuộc về Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM vì không đúng thẩm quyền.

Như vậy, pháp luật chưa dự liệu trường hợp này và có xung đột pháp luật giữa quy định về thẩm quyền tòa án với quy định về trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng. Theo tôi, giải pháp khả thi nhất để giải quyết vụ việc là vẫn để Tòa án nhân dân quận 1 giải quyết sơ thẩm theo quy định. Nếu có kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì TAND TP.HCM vẫn được thụ lý, giải quyết bởi vì đã có viện Kiểm sát nhân dân tham gia kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình tố tụng.

Hương Lam

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/cong-ty-quoc-cuong-co-the-tro-thanh-bi-don-cua-tand-tphcm-a121852.html