Công ty chẳng sụp đổ nếu nhân viên không trả lời email lúc 23h

Nhiều cô gái muốn có sự cân bằng giữa công việc và đời sống, nhưng điều đó có thể khiến họ khó thăng tiến.

Phụ nữ liên tục đối mặt với câu hỏi: sự nghiệp hay đời sống cá nhân? Ảnh: BBC.

Deijha Martin (26 tuổi), chuyên viên phân tích dữ liệu, hiện làm việc từ xa tại căn hộ của cô ở New York (Mỹ). Hàng ngày, cô thường hoàn thành công việc vào khoảng 5-6h chiều. Với sở thích đi du lịch, đầu năm nay, cô đã tận dụng thời gian nghỉ phép để bay đến Hy Lạp và Pháp.

Dù đặt ranh giới rõ ràng giữa công việc và đời sống, Martin là người có nhiều tham vọng trong sự nghiệp.

"Tôi rất muốn kiếm tiền để chi trả cho sở thích của mình. Chỉ là tôi không hứng thú với việc cạnh tranh để dẫn đầu", cô chia sẻ.

Thay đổi ưu tiên

Đại dịch đã gây ra xáo trộn giữa công việc và đời sống, ảnh hưởng lâu dài đến tham vọng sự nghiệp của nhiều phụ nữ, theo Wall Street Journal.

Một số bắt đầu xem xét lại mức độ cống hiến cho sự nghiệp khi công việc khiến họ hy sinh quá nhiều thời gian dành cho gia đình và các sở thích bên ngoài.

Số khác, phần lớn trẻ tuổi hơn, không muốn coi công việc là toàn bộ cuộc sống như những cấp trên của họ. Lúc này, nhiều phụ nữ đặt câu hỏi: Liệu họ có thể thăng tiến trong sự nghiệp và vẫn có đời sống riêng?

Nhiều phụ nữ trẻ không muốn công việc chiếm toàn bộ thời gian. Ảnh: Irish News.

"Công ty sẽ chẳng sụp đổ nếu bạn không thể trả lời email lúc 23h. Công việc luôn ở đó", Alexis Koeppen (31 tuổi), nhân viên công nghệ ở New Orleans (Mỹ), cho biết.

Cô đã bỏ công việc tư vấn viên căng thẳng để chuyển đến ở cùng bạn trai, làm từ xa, nhờ đó có thời gian dắt chó đi dạo và tập thể dục hàng ngày. Thay vì nhận thêm việc, cô tận hưởng những chuyến du lịch, đám cưới, tiệc tùng cùng bạn bè.

Nhiều người đàn ông cũng đang suy nghĩ lại về mối quan hệ của họ với công việc. Phụ nữ phải đối mặt với áp lực gấp đôi từ công việc ở nhà và nơi làm. Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, nữ giới gánh vác nhiều việc nhà và chăm sóc con cái hơn. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ khó tập trung làm việc khi mang thai. Những yếu tố trên đều cản trở họ thăng tiến.

"Nơi làm việc được thiết kế cho những người coi sự nghiệp là ưu tiên hàng đầu", giáo sư Ellen Ernst Kossek, nghiên cứu về giới và công việc tại Đại học Purdue (Mỹ), cho biết.

Những nhân viên luôn sẵn sàng làm việc sẽ được đánh giá hiệu suất tốt, đồng thời thăng chức và tăng thu nhập nhanh hơn, theo giáo sư xã hội học Youngjoo Cha tại Đại học Indiana Bloomington.

"Liệu họ có nghĩ tôi kém nhiệt tình với công việc và sẽ không cho tôi cơ hội mới? Đó là điều tôi luôn tự hỏi", Kim Kaupe (37 tuổi), đồng sáng lập công ty tiếp thị có trụ sở tại Texas (Mỹ), chia sẻ.

Kaupe đã soạn một mẫu email để từ chối các cơ hội làm việc mới và dành thời gian cho cuộc sống cá nhân. Tuy nhiên, cô vẫn lo lắng.

"Hy vọng các khách hàng và đối tác hiểu rằng tôi vẫn còn nhiều tham vọng. Thật ra, tôi cũng không chắc nữa", cô nói.

Koeppen từng phấn đấu để vươn lên vị trí lãnh đạo cấp cao. Tuy nhiên, khi tiếp xúc nhiều hơn với những giám đốc tiền nhiệm, cô thay đổi quyết định.

“Tôi không muốn trở thành những người như vậy. Họ có vẻ không hạnh phúc", cô nói.

Nhiều nữ lãnh đạo không hạnh phúc dù thành công trong sự nghiệp. Ảnh: Forbes.

Nhìn lại

Gần 2/3 phụ nữ dưới 30 tuổi được khảo sát bởi McKinsey & Co. và LeanIn.Org - tổ chức phi lợi nhuận thành lập bởi Sheryl Sandberg (cựu giám đốc điều hành Meta), nói rằng họ sẽ muốn thăng tiến hơn nếu nhìn thấy các lãnh đạo cấp cao có được sự cân bằng giữa công việc và đời sống.

Bản thân nhiều nữ giám đốc cũng không hạnh phúc. Số liệu khảo sát cho thấy khoảng 43% lãnh đạo nữ nói rằng họ bị kiệt sức, trong khi con số này là 31% ở nam giới.

Trong khi một số phụ nữ trẻ mong muốn được làm việc vừa phải, nhiều lãnh đạo nữ lớn tuổi tự hỏi liệu họ có thể thăng tiến nếu không tập trung hoàn toàn vào công việc.

"Tôi không chắc mình đã làm đúng", Jory Des Jardins, giám đốc marketing 50 tuổi, nói rằng bà đã từ bỏ mọi thứ vì công việc và không lập gia đình cho đến khi gần 40.

Là đồng sáng lập của BlogHer, một cộng đồng trực tuyến dành cho phụ nữ, bà thường xuyên đi công tác trong nhiều năm liền. Chồng bà tạm dừng sự nghiệp để ở nhà chăm con.

"Chúng tôi muốn thể hiện rằng phụ nữ có thể thành công điều hành một doanh nghiệp", bà nói về ban lãnh đạo của BlogHer.

Sau cùng, Des Jardins đã bán công ty. Tuy vậy, bà luôn là người hết mình vì công việc, bất kể ở vị trí nào.

Đại dịch đã cho bà cơ hội gắn kết hơn với gia đình thay vì chỉ tập trung vào những thành tựu, đồng thời tận hưởng cuộc sống một cách thoải mái, không vướng bận. Điều này khiến bà tự hỏi: Mình nên làm gì tiếp theo?

"Nếu không dần học cách cân bằng công việc và đời sống, bạn có thể gặp khủng hoảng sau này. Liệu việc chậm lại một chút có khiến tôi tụt lại phía sau không? Giờ thì tôi nghĩ là không. Nhưng tôi đã không dám đặt cược vào chuyện đó khi còn trẻ", Des Jardins chia sẻ.

Nhiều lãnh đạo nữ tự hỏi những hy sinh trước đây của họ là quyết định đúng. Ảnh: Primepay.

Nữ luật sư Loria Yeadon vẫn còn nhớ kỷ niệm 15 năm trước, khi cô vội vã đi dự lễ tốt nghiệp mẫu giáo của con mình, trưởng ban pháp chế tại công ty cô gọi đến. Yeadon có 10 phút để nói chuyện. Cuộc trò chuyện cuối cùng kéo dài cả tiếng đồng hồ. "Tôi không dám cúp máy", cô nói.

Cô kịp đến sự kiện của con gái nhưng phải trả lời cuộc gọi suốt phần đầu buổi lễ. Nghĩ lại, cô ước mình đã cúp điện thoại.

"Nếu là bây giờ, tôi sẽ mặc kệ và tin tưởng rằng mình sẽ có công việc khác tốt hơn, hoặc hài lòng với vị trí hiện tại. Tôi vẫn sẽ có sự nghiệp mình mong ước", cô nói.

Mai Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cong-ty-chang-sup-do-neu-nhan-vien-khong-tra-loi-email-luc-23h-post1374042.html