Công ty bức tử sông ở Bắc Giang có mặt trong nhóm cổ phiếu mất giá

Mã ACM của Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường sau những thông tin về việc nhiều lần xả thải bức tử sông Cẩm Đàn không ngoài dự đoán đã có mặt trong top mất giá tuần này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Chiến/Vietnam+)

Mã ACM của Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường sau những thông tin về việc nhiều lần xả thải bức tử sông Cẩm Đàn (Bắc Giang) không ngoài dự đoán đã có mặt trong top mất giá tuần này.

Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 15/7 cho thấy, trên sàn HoSE, mã SII của Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn chiếm vị trí quán quân nhóm tăng giá.

SII đã có một tuần đáng nhớ khi tăng tổng cộng 7.500 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng gần 27%.

Một trong những thông tin gần đây liên quan tới SII là Hội đồng quản trị công ty đã thống nhất chủ trương đầu tư vào dự án: "Đầu tư phát triển, quản lý hệ thống cấp nước trên địa bàn thị xã An Khê và vùng phụ cận — Gia Lai."

Để thực hiện dự án, Hội đồng quản trị cũng chấp thuận Saigon Water góp vốn tỷ lệ 51% để thành lập Công ty cổ phần Nước Sài Gòn - An Khê.

Trước đó, phía SII đã đưa ra mục tiêu cho năm 2016 với tổng doanh thu là hơn 1.031 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 60,6 tỷ đồng.

Đứng sau SII là mã BCG của Công ty cổ phần Bamboo Capital. Liên quan tới BCG, mới đây, công ty này vừa có thêm cổ đông lớn là Công ty cổ phần Thành Vũ Tây Ninh. Sau khi mua vào 17,8 triệu cổ phiếu, Công ty cổ phần Thành Vũ Tây Ninh đã chính thức có tỷ lệ sở hữu tại BCG là 16,95%.

Cũng trong tháng Bảy, Công ty cổ phần Ô Tô 1-5 đã trở thành cổ đông lớn Công ty Cổ phần Bamboo Capital sau khi mua hơn 13,5 triệu cổ phiếu của BCG, chiếm tỷ lệ 12,9%.

Ở phía ngược lại, mất giá nhiều nhất sàn là mã HCD của Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất và thương mại HCD.

Trọn vẹn 1 tuần chìm trong sắc đỏ khiến HCD từ mức giá 15.200 đồng/cổ phiếu cuối tuần trước xuống 11.300 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 15/7. Tỷ lệ giảm giá theo tính toán là gần 27%.

Đây có thể coi là sự khởi đầu không mấy suôn sẻ của mã mới "chân ướt chân ráo" lên sàn HoSe từ đầu tháng Bảy. Chính thức giao dịch trên sàn từ 4/7, trong 10 phiên giao dịch, HCD phải chấp nhận cảnh mất giá tới 7 phiên.

Theo giới thiệu, HCD tiền thân là Công ty Cổ phần Luyện kim HCD, có trụ sở chính tại tỉnh Hải Dương, hoạt động từ năm 2011 với số vốn điều lệ là 45 tỷ đồng. Từ ngày thành lập cho đến nay, HCD tập trung chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu nguyên liệu hạt nhựa nguyên sinh và kinh doanh các loại vật tư, vật liệu xây dựng khác như sắt thép và đá vôi công nghiệp,...

Năm 2015, công ty thực hiện cơ cấu lại toàn bộ hoạt động kinh doanh, mô hình tổ chức và tiến hành tăng vốn điều lệ lên 135 tỷ đồng bằng hình thức phát hành thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

Theo báo cáo, doanh thu năm 2015 của HCD tăng 19,5% so với năm 2014 và ở mức hơn 380 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế qua đó đạt hơn 8,9 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này tăng vọt so với cuối năm 2014. Trước đó 1 năm, mức lãi của HCD chỉ là 249 triệu đồng.

Bên sàn HNX, mã BSC của Công ty cổ phần Dịch vụ Bến Thành là quán quân nhóm tăng giá với tỷ lệ tăng giá lên tới hơn 45%.

BSC chỉ có 1 phiên duy nhất đầu tuần dừng chân ở ngưỡng tham chiếu, 4 phiên còn lại của mã này đều tăng khá mạnh. BSC hiện có giá 17.700 đồng/cổ phiếu, tăng 5.500 đồng/cổ phiếu so với cuối tuần trước.

Trước đó, lãnh đạo BSC vừa chính thức công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2016 và giải trình biến động lợi nhuận.

Theo báo cáo, trong quý 1 BSC đạt mức 6,78 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế là hơn 283 triệu đồng. Những kết quả này giảm lần lượt 5,2% và 37,8% so với cùng kỳ năm trước.

Theo giải trình từ BSC, lợi nhuận trước thuế quý 1 năm 2016 là 528,9 triệu đồng, lợi nhuận trước thuế năm 2015 là 584,7 triệu. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế quí 1 năm nay chỉ là 283,6 triệu đồng trong khi năm ngoái là 456 triệu đồng.

Nguyên nhân được báo cáo của BSC chỉ ra là "do chi phí thuế thu nhập hoãn lại tại ngày 31/3/2016 giảm hơn 245 triệu đồng nên lợi nhuận sau thuế giảm tương ứng."

Ở nhóm mất giá, mã ACM của Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường là cái tên ở vị trí đầu tiên.

ACM đã có 5 phiên giao dịch mất giá liên tục và hiện chỉ còn 2.100 đồng/cổ phiếu, mất 1.100 đồng/cổ phiếu so với cuối tuần trước.

ACM chính là cái tên được báo chí nhắc tới nhiều trong tháng Bảy. Theo thông tin đăng tải trên một số tờ báo, ACM đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi xả trực tiếp nước thải không qua xử lý ra sông Cẩm Đàn (Bắc Giang). Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Tập đoàn khoáng sản Á Cường không những không chấp hành mà vẫn tiếp tục xả thải, khiến sông Cẩm Đàn bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra toàn diện việc thực hiện, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về khoáng sản của Công ty Cổ phần Tập đoàn khoáng sản Á Cường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu đoàn liên ngành báo cáo kết quả kiểm tra sự việc trước ngày 20/7./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cong-ty-buc-tu-song-o-bac-giang-co-mat-trong-nhom-co-phieu-mat-gia/396228.vnp