Công trình kết nối những niềm vui

Nhờ sự giúp đỡ của lực lượng BĐBP nên những năm qua, đời sống của bà con dân tộc Pa Kô, Tà Ôi ở xã Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng thay đổi, đi lên từng ngày. Ngoài việc hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi cho người dân, cán bộ, chiến sĩ BĐBP nơi đây còn sẵn sàng góp sức xây dựng nhà tình nghĩa, thăm khám và chữa bệnh cho bà con dân bản…

Từ niềm vui… có trạm xá quân y

Một ngày đầu tháng 4 lịch sử, xe chở Đoàn công tác của Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế vượt hơn 100km đường dốc hiểm trở để lên với xã Nhâm. Nằm cách tuyến đường biên giới Việt-Lào khoảng 4km, xã Nhâm nằm lọt thỏm giữa bốn bề đồi núi hoang vu. Khi chúng tôi đến, bà con dân tộc Pa Kô, Tà Ôi đã kéo nhau đứng chật cả trụ sở UBND xã để chờ dự lễ cắt băng khánh thành trạm xá quân dân y. Theo Thượng tá Nguyễn Minh Đức, Đồn trưởng Đồn BP Nhâm thì đây là một sự kiện mà mỗi người dân và cán bộ, chiến sĩ BĐBP đóng quân trên địa bàn đã chờ đợi từ rất lâu rồi.

Quân y Đồn BP Nhâm khám bệnh cho bà con dân tộc Pa Kô, Tà Ôi tại trạm xá quân dân y mới được xây dựng.

Suốt nhiều năm qua, do cuộc sống khó khăn cộng thêm địa thế núi rừng hiểm trở nên điều kiện được khám và chữa bệnh tại một bệnh viện hay trạm xá của bà con khi đau ốm là điều dường như không thể thực hiện. Mỗi lần nghe tin báo có người dân ở các thôn A Bả (xã Nhâm) hay A Đân (xã Hồng Thái) mắc bệnh, các chiến sĩ quân y Đồn BP Nhâm lại tức tốc lên đường mang theo dụng cụ y tế và thuốc men rồi cắt rừng đi khám bệnh cho bà con. Nhiều hôm, các chiến sĩ phải băng rừng nửa ngày mới đến được nhà bệnh nhân. “Chính vì đường sá, địa hình quá hiểm trở nên việc đưa vào sử dụng trạm xá quân dân y có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với 10.000 người dân ở xã Nhâm và các xã lân cận như Hồng Thái, Hồng Quảng. Các thôn bản giáp đường biên giới như Nhâm 1, A Bả và A Đân... cách đồn khoảng 13 đến 14km, nay cũng sẽ có điều kiện được khám chữa bệnh tại đây”, Thượng tá Nguyễn Minh Đức tâm sự cùng chúng tôi.

Trạm xá quân dân y xã Nhâm được xây dựng với diện tích 600m2, gồm 6 phòng, có đủ phòng khám bệnh, phòng điều trị, phòng ăn, công trình vệ sinh... với tổng kinh phí 1 tỷ đồng do Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” (báo Sài Gòn giải phóng) tài trợ. Ngay sau khi trạm xá quân dân y được khánh thành, các y, bác sĩ thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế và Đồn BP Nhâm đã tiến hành khám chữa bệnh cho bà con ngay tại trạm xá mới. Nhiều bà con dân tộc Pa Kô, Tà Ôi không giấu được niềm vui, khi ngay trên địa bàn xã có một trạm xá khang trang đến như thế. “Từ nhỏ đến giờ, già chưa một lần được khám bệnh ở trạm xá lớn như vậy. Hôm nay là ngày vui của già, của toàn thể bà con dân bản ở xã Nhâm khi được các y, bác sĩ BĐBP bắt mạch khám bệnh và cấp thuốc miễn phí. Từ nay có trạm xá rồi, già và người thân của già sẽ không còn phải sợ “con bệnh” nữa” - Già Hồ Văn Lo (79 tuổi), ở thôn Kaleng, xã Nhâm xúc động nói.

Sau khi được Đại úy Hồ Văn Thế, quân y Đồn BP Nhâm bắt mạch, đo huyết áp chẩn đoán bệnh, đôi tay run run cầm đơn thuốc, cụ ông Hồ Văn Khoan ở thôn A Hức dù đang mệt nhưng vẫn hồ hởi: “Mấy hôm nay, già bị đau cái lưng lắm, cái tay cũng bị sưng nên không thể làm được việc. Giờ được bộ đội khám và phát thuốc cho uống rồi, già tin ít ngày nữa cái tay sẽ khỏi để còn lên rẫy chăm sóc cho mấy sào mì”.

Chia sẻ niềm vui với bà con dân bản ở xã Nhâm, Đại tá Nguyễn Văn Lưu, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế khẳng định, Trạm xá quân dân y xã Nhâm được đưa vào sử dụng sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phục vụ khám, chữa bệnh cho bà con dân bản dọc tuyến biên giới Việt-Lào. Đặc biệt là bà con ở xã Nhâm và người dân ở các bản thuộc khu vực I Reo, huyện Kà Lừm, nước bạn Lào. Đồng chí Chính ủy cho biết thêm: “Sắp tới, Cục Quân y Bộ Quốc phòng sẽ đầu tư thêm cho trạm xá nhiều trang thiết bị, giường bệnh để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên địa bàn. Đây thực sự là một tín hiệu hết sức vui mừng ở xã biên giới vốn còn nghèo khó như xã Nhâm”.

Đến câu chuyện… “căn nhà tình nghĩa”

Cùng đi theo đoàn lên thăm bà con dân bản xã Nhâm lần này còn có nhà báo Nguyễn Đức Quang, Phó Ban thường trực Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn”. Nhà báo Đức Quang kể lại rằng, cơ duyên đưa ông đến với “Nghĩa tình Trường Sơn” bắt đầu từ tháng 4 - 2009, khi ông và 3 phóng viên khác của báo Sài Gòn giải phóng đi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn để tìm hiểu viết ký sự dài kỳ “Theo dấu chân đường mòn Trường Sơn - Hồ Chí Minh”. Và trong những ngày băng rừng, xẻ núi đi dọc Trường Sơn ấy, ông phát hiện ra rằng, nơi đây còn rất nhiều cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong một thời gắn bó, chiến đấu ngang dọc núi rừng Trường Sơn nay phải sống cuộc sống nghèo khổ. Đây là lý do mà Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” ra đời và được đông đảo cựu chiến binh, các nhà hảo tâm và nhân dân cả nước ủng hộ.

Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, huyện A Lưới là một trong những nơi có nhiều căn cứ cách mạng mà Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế hướng đến để thực hiện hoạt động xây nhà tình nghĩa. Từ năm 2005 đến nay, Chương trình đã xây dựng được 105 căn nhà tình nghĩa trên toàn huyện A Lưới, trong đó, xã Nhâm được đầu tư xây dựng 32 ngôi nhà và 1 phòng máy vi tính dành cho học sinh. “Làm chương trình này nhiều nên chúng tôi có kinh nghiệm rồi, nếu xây các công trình tình nghĩa ở miền núi thì sẽ bàn giao cho BĐBP, còn ở miền xuôi sẽ giao cho Hội Cựu chiến binh... thì mới “ổn” được”. Câu nói của nhà báo Đức Quang hoàn toàn rất dễ hiểu bởi trên thực tế, một số căn nhà tình nghĩa ở miền núi ban đầu chỉ được giao với kinh phí 30 triệu đồng, nhưng khi hoàn thành lại lên đến cả trăm triệu đồng, tất cả đều nhờ vào công sức đóng góp rất lớn của lực lượng BĐBP.

Là một trong những người được đón nhận căn nhà tình nghĩa vào những ngày đầu tháng 4 lịch sử này, ông Hồ Viên Mừng, ở thôn Kaleng, xã Nhâm xúc động: “Bao năm làm nương làm rẫy, cuộc sống cứ mãi bị cái nghèo, đói bu bám nên vợ chồng tôi không tài nào xây nổi căn nhà để ở. Nay được nhận nhà tình nghĩa, vợ chồng tôi vui mừng lắm và xin hứa với cán bộ sẽ phấn đấu làm ăn, cùng nhau vận động bà con đoàn kết để giữ gìn núi rừng, bản làng...”.

Trong niềm vui như ngày hội, bà con dân bản ở xã Nhâm lại nâng ly rượu mừng khi được đón nhận một trạm xá quân dân y khang trang cùng nhiều căn nhà Tình nghĩa... Trước khi chia tay chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Minh Đức, Đồn trưởng Đồn BP Nhâm tâm sự rằng, việc xây dựng trạm xá quân dân y và giúp dân xây dựng nhà tình nghĩa không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tấm lòng tri ân với các thế hệ đồng bào dân tộc nơi đây đã cống hiến, hy sinh cho các cuộc chiến tranh cứu quốc của dân tộc. Đó cũng là sự hiện thực hóa tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa người lính biên phòng và người dân nơi đây.

Anh Khoa

Email Print Góp ý

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/353/353/18947/Cong-trinh-ket-noi-nhung-niem-vui/bbp.aspx