Công tác xã hội tại bệnh viện - 'cầu nối' bệnh nhân với nhân viên y tế

Những người tất bật đón tiếp, chỉ dẫn cho bệnh nhân tại các bệnh viện, không phải ai cũng biết đó là những nhân viên làm công tác xã hội trong bệnh viện. Họ cũng là cầu nối giữa bệnh nhân với nhân viên y tế, bệnh viện và người nhà bệnh nhân.

Nhân viên công tác xã hội hỗ trợ, tư vấn cho bệnh nhân khám chữa bệnh. Ảnh minh họa

Những năm gần đây, người dân đi khám chữa bệnh thường được các nhân viên tư vấn, hỗ trợ từ vòng ngoài tại bệnh viện trước khi khám, chữa bệnh. Họ là những nhân viên công tác xã hội, những người đang góp phần đưa hoạt động khám chữa bệnh ngày càng chuyên nghiệp, thân thiện hơn với bệnh nhân.

Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) thành lập Tổ công tác xã hội từ năm 2014. Chị Bùi Thị Hải Đăng, thành viên Tổ công tác xã hội, chia sẻ: Hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bệnh nhân; kêu gọi hỗ trợ bệnh nhân nghèo... là những công việc chính của tổ công tác xã hội tại bệnh viện. Đồng thời, tổ còn thực hiện nhiệm vụ đo lường sự hài lòng của người bệnh, người nhà người bệnh thông qua việc xây dựng kế hoạch, phiếu đánh giá sự hài lòng của người bệnh.

Đặc biệt, Tổ công tác xã hội tại bệnh viện là cầu nối để giải quyết các vấn đề giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, giữa bệnh nhân và bệnh nhân, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Bên cạnh đó còn xây dựng mối liên hệ gắn kết giữa bệnh nhân, bệnh viện và các tổ chức, cá nhân hảo tâm bằng những hoạt động thiện nguyện cụ thể, như: Phát cháo miễn phí, trao quà từ thiện cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo; hiến máu nhân đạo…

Chị Hải Đăng chia sẻ: Chỉ có 5 điều dưỡng viên, nhưng trung bình mỗi ngày, Tổ tư vấn, tiếp đón, hướng dẫn từ 350-400 lượt bệnh nhân. Ngoài ra, còn phối hợp với nhân viên y tế các khoa thăm hỏi tình hình sức khỏe và nắm bắt hoàn cảnh của bệnh nhân điều trị nội trú để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. "Mặc dù phải đi sớm, về muộn, nhưng chúng tôi luôn cố gắng cùng Bệnh viện hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân; góp phần xây dựng bệnh viện phát triển, chuyên nghiệp, thân thiện với bệnh nhân hơn" - chị Đăng nói.

Còn tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Phòng công tác xã hội được thành lập từ năm 2020 trên cơ sở Tổ công tác xã hội trực thuộc phòng điều dưỡng. Công tác xã hội có đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế trong giải quyết các vấn đề xã hội và tâm lý liên quan đến bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh của bệnh viện. Tiến sĩ Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Chúng tôi xác định công tác xã hội trong bệnh viện là yếu tố phát triển bền vững của bệnh viện. Bệnh viện đã chỉ đạo phòng công tác xã hội thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, trong đó hỗ trợ chăm sóc người bệnh, đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe nâng cao hiểu biết người dân.

Nhân viên công tác xã hội tại bệnh viện. Ảnh minh họa

Tính riêng địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay trong số 38 bệnh viện công lập đã có 11 bệnh viện thành lập phòng công tác xã hội và 27 bệnh viện thành lập tổ công tác xã hội. Theo Tiến sĩ Đỗ Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, nhân lực làm công tác xã hội trong bệnh viện còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản. Để nâng cao chất lượng công tác xã hội, tiếp tục làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức trong các cơ sở y tế, phát triển các nguồn lực công tác xã hội bao gồm phát triển đội ngũ làm công tác xã hội, đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện để người làm công tác xã hội thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Có hơn 1.600 người làm công tác xã hội chuyên trách ở bệnh viện

Để thúc đẩy công tác xã hội tại các bệnh viện nói riêng và ngành công tác xã hội, trợ giúp xã hội nói chung phát triển nhanh, đáp ứng yêu cầu hiện nay, theo các chuyên gia, cần thiết phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và có cơ chế để hoàn thiện cơ sở vật chất, thúc đẩy số lượng đội ngũ nhân viên công tác xã hội phát triển, đảm bảo chất lượng.

Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), công tác xã hội đã hiện diện ở hầu hết các bệnh viện từ tuyến trung ương tới các quận, huyện trong cả nước. Từ khoảng 500 người làm công tác xã hội tại các bệnh viện, hiện nay số nhân viên làm công tác xã hội là hơn 6.000 người và có hơn 1.600 người làm công tác xã hội chuyên trách ở các đơn vị là bệnh viện.

Sự tăng nhanh về số lượng nhân viên công tác xã hội, có thể cho thấy tầm quan trọng của những người làm cầu nối giữa bệnh nhân với nhân viên y tế, giữa người nhà bệnh nhân với bệnh viện; đồng thời cũng thấy được, các bệnh viện, cơ sở y tế ngày càng chú trọng hơn đến việc nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ, đón tiếp bệnh nhân; quan tâm nhiều hơn đến sự hài lòng của bệnh nhân.

Cùng với đó nhân viên công tác xã hội cũng thể hiện được vai trò của mình trong các hoạt động trợ giúp về vật chất, tinh thần, thủ tục, chính sách, giáo dục, nâng cao sức khỏe và đào tạo, bồi dưỡng cho người nhà, người bệnh và nhân viên y tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, để nhân viên công tác xã hội ngày càng chuyên nghiệp, cần phải có sự giao thoa của 3 vòng tròn lớn là "các kiến thức pháp luật - xã hội - kiến thức về y tế" để phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực, trang bị các kỹ năng, kiến thức cho nhân viên công tác xã hội là rất cần thiết.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cong-tac-xa-hoi-tai-benh-vien-cau-noi-benh-nhan-voi-nhan-vien-y-te-2023101709505964.htm