Công tác xã hội giúp người dân cải thiện chất lượng sống

Công tác xã hội giúp cho người dân nâng cao năng lực, khả năng ứng phó và kỹ năng giải quyết khó khăn. Để kết nối người dân với các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, nghề công tác xã hội đã được đào tạo bài bản tại trường đại học, nhưng vẫn còn nhiều việc cần làm, để phát huy được chức năng của nghề này trong xã hội.

Trong số các đối tượng cần sự chăm sóc, hỗ trợ của ngành công tác xã hội, công nhân, lao động là lực lượng chiếm số đông. Thời gian qua, với vai trò, chức năng của mình, các cấp công đoàn trên cả nước đã tổ chức nhiều mô hình chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động.

Giai đoạn 2018 - 2023, hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, chúc Tết, động viên, tặng quà nhân dịp “Tết Sum vầy” với trên 28 nghìn tỷ đồng. Chương trình “Mái ấm Công đoàn” hỗ trợ hơn 14 nghìn người lao động xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng.

Chương trình “Tết Sum vầy” giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn

Còn trong lĩnh vực BHXH, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ cho lao động tự do, từ năm 2022 - 2025, từ 10 đến 30% mức đóng BHXH tự nguyện tùy từng nhóm đối tượng. Giúp thêm nhiều người có động lực để tham gia vào hệ thống an sinh trụ cột, đảm bảo có thu nhập ổn định và được chăm sóc y tế khi về già.

Và còn nhiều phần việc khác mà công tác xã hội đang phát huy tác dụng, góp phần cải thiện chất lượng sống của người lao động, giúp họ giải quyết các khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn đó những lưu ý trong tiến trình thực hiện mà các chuyên gia trong ngành Công tác xã hội thấy cần thiết. Trong đó có vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Với kinh nghiệm 50 năm hoạt động tại Việt Nam, đại diện Tổ chức UNICEF của Liên hợp quốc nhấn mạnh tới vai trò của người làm công tác xã hội.

Bà Anjanette Saguisag, Trưởng Chương trình Chính sách xã hội và Quản trị - UNICEF Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đã đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình phát triển công tác xã hội, bao gồm thúc đẩy giáo dục và đào tạo. Chúng tôi xin đưa ra một số khuyến nghị để tiếp tục phát triển công tác xã hội tại Việt Nam. Theo đó, cần có Luật công tác xã hội để chính thức ghi nhận và quản lý hoạt động nghề công tác xã hội. Đồng thời, cần tạo ra đủ các vị trí nhân viên công tác xã hội ở cấp tỉnh và cấp huyện cũng như trong các lĩnh vực trọng điểm như phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp. Và cuối cùng, cần có phân bổ nguồn lực tài chính công thích hợp để đầu tư phát triển nghề công tác xã hội và dịch vụ xã hội một cách bền vững."

Bà Anjanette Saguisag, Trưởng Chương trình Chính sách xã hội và Quản trị - UNICEF Việt Nam

Công tác xã hội là các yếu tố quan trọng, liên quan trực tiếp tới chất lượng sống của người lao động. Từ đó, mang đến sự phát triển đồng bộ và hài hòa, góp phần ngăn ngừa các vấn nạn xã hội, hướng tới một xã hội công bằng, bình đẳng và dân chủ toàn diện.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/cong-tac-xa-hoi-giup-nguoi-dan-cai-thien-chat-luong-song-228101.htm