Công tác tư pháp với những dấu ấn

Cách đây 75 năm, sau cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng thành công, ngày 28/8/1945, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới. Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Tuyên cáo thành lập Nội các Thống nhất Quốc gia gồm 12 bộ, trong đó có Bộ Tư pháp. Từ đó, ngày 28-8 đã đi vào lịch sử và trở thành Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam.

Hoạt động công chứng, chứng thực của ngành Tư pháp tỉnh góp phần công khai, minh bạch các giao dịch dân sự.

Hoạt động công chứng, chứng thực của ngành Tư pháp tỉnh góp phần công khai, minh bạch các giao dịch dân sự.

Cùng với sự phát triển lớn mạnh của ngành Tư pháp cả nước, cách đây 38 năm, ngày 9/4/1982, Sở Tư pháp tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) được thành lập. Trong suốt 75 năm xây dựng, trưởng thành của ngành Tư pháp Việt Nam và 38 năm của ngành Tư pháp tỉnh Thái Nguyên, trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy có sự thay đổi tùy theo yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng trong mỗi thời kỳ, ngành Tư pháp nói chung và Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên nói riêng luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao cho.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, công tác tư pháp và người cán bộ tư pháp; phát huy truyền thống của Ngành, những năm qua, tập thể công chức, viên chức, người lao động của Sở Tư pháp luôn coi đây là phương châm, kim chỉ nam cho mọi hoạt động nghề nghiệp; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ ngành Tư pháp là: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Cho đến nay, có thể nói công tác tư pháp đã thực sự trở thành yếu tố nội lực, yếu tố không thể thiếu tham gia trực tiếp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhất là những năm gần đây, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, công tác tư pháp của tỉnh đã để lại nhiều dấu ấn rõ nét. Ngành Tư pháp đã và đang là chỗ dựa đáng tin cậy của tỉnh trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội (công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật).

Các hoạt động về hành chính tư pháp (công tác hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, bồi thường Nhà nước, giao dịch bảo đảm...), hoạt động công chứng, chứng thực được sắp xếp, bố trí lại một cách hợp lý, tăng cường xã hội hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của tổ chức, công dân. Công tác trợ giúp pháp lý hướng đến các đối tượng chính sách, người nghèo, người khuyết tật, chú trọng các địa bàn ở vùng sâu, vùng xa, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Công tác theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện ngày càng sâu rộng, đánh giá một cách toàn diện về tình hình thi hành pháp luật, khắc phục kịp thời những vướng mắc, bất cập. Hoạt động quản lý công tác xử lý vi phạm hành chính trong toàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, góp phầnquan trọng vào việc phòng ngừa, ngăn chặn cáchành vi vi phạmpháp luật, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đội ngũ luật sư, tư vấn pháp luật phát triển nhanh chóng về số lượng, chất lượng góp phần tích cực trong việc bảo vệ công lý, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hoạt động bán đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, hiệu quả đóng góp không nhỏ vào ngân sách Nhà nước.

Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thực sự là nguồn lực quan trọng để nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật, làm cơ sở để tỉnh triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo...

Với những thành tích, đóng góp của ngành Tư pháp, nhiều tập thể và cán bộ công tác trong Ngành đã được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý. Bộ Tư pháp vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng. Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thành tích của ngành Tư pháp Việt Nam và Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua bắt nguồn từ lòng trung thành với Đảng, với nhân dân, tinh thần tận tụy, ý thức trách nhiệm cao, luôn cố gắng hết mình và đặc biệt là sự sáng tạo của tập thể các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành qua các thời kỳ. Cùng với đó là sự phối hợp, giúp đỡ tận tình, hiệu quả đối với ngành Tư pháp tỉnh của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, UBND các huyện, thành, thị, xã, phường, thị trấn trong tỉnh...

Tự hào với truyền thống vẻ vang, các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Tư pháp càng ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trên cơ sở phát huy những thành tích, kết quả đạt được, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Tư pháp, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tin tưởng rằng trong thời gian tới, ngành Tư pháp tỉnh sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới, đạt được nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Vũ Thị Lệ Hằng (Giám đốc Sở Tư pháp)

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/cong-tac-tu-phap-voi-nhung-dau-an-274806-205.html