Công tác thống kê với các doanh nghiệp thời hội nhập

Đã từ lâu, thống kê luôn được coi là công cụ sắc bén của nhận thức và quản lý. Trong quản lý kinh tế, ở tầm vi mô, vai trò của thống kê thể hiện xuyên suốt trong quá trình quản trị doanh nghiệp.

Một hội nghị quốc tế về đào tạo thống kê tại các trường đại học

Những tài liệu thống kê kịp thời, chính xác và đồng bộ giúp các nhà quản trị đưa ra những quyết định kịp thời, đúng đắn trong quản lý, giúp doanh nghiệp phân tích và đánh giá thực trạng hoạt động kinh doanh.

Các phương pháp thống kê là cơ sở khoa học để doanh nghiệp tiến hành điều tra, nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu và sự hài lòng của khách hàng về sản phẩm của doanh nghiệp... Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều hết sức coi trọng công tác thống kê.

Trong tổ chức bộ máy quản trị doanh nghiệp luôn có một bộ phận thống kê, có thể là độc lập (phòng thống kê), có thể là lồng ghép hoặc cũng có thể giao cho một bộ phận nào đó kiêm nhiệm. Chức năng, nhiệm vụ của bộ phận thống kê thường được quy định khá cụ thể, chi tiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, ngân hàng, bảo hiểm, hàng không... đã sử dụng triệt để công cụ thống kê để nghiên cứu thị trường, thiết kế sản phẩm mới và hoàn thiện những sản phẩm hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Bên cạnh đó, có khá nhiều doanh nghiệp sản xuất, dựa vào chính nguồn tài liệu thống kê lịch sử của mình và của thị trường để dự báo quy luật cung, cầu về từng loại sản phẩm mà doanh nghiệp đang tiến hành sản xuất.

Chính vì vậy, kế hoạch sản xuất đặt ra luôn bám sát thị trường và doanh nghiệp đã trụ vững trong cạnh tranh cho dù nền kinh tế vẫn đang trong thời kỳ khó khăn, hậu khủng hoảng Tuy nhiên, trong xu hướng hội nhập kinh tế thế giới hiện nay, công tác thống kê trong các doanh nghiệp nước ta vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế, yếu kém. Cụ thể:

Thứ nhất, nhận thức về công tác thống kê của nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp còn hạn chế. Họ thường coi công tác thống kê chỉ là một công việc phụ trợ, giúp lãnh đạo hoàn thành các báo cáo thống kê định kỳ cho cơ quan chủ quản và các cấp chính quyền theo quy định của pháp luật. Số liệu báo cáo thiếu chính xác, thiếu tính cập nhật, thậm chí là không đúng sự thật.

Tài liệu thống kê sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp thiếu tính chi tiết, cụ thể và đồng bộ. Vì thế, nguồn tài liệu này nếu sử dụng để nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến doanh nghiệp, đến ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp sẽ rất hạn chế, thậm chí không sử dụng được.

Thứ hai, hệ thống chỉ tiêu thống kê của một số ngành nghề kinh doanh chưa đảm bảo thống nhất về nội dung và phương pháp tính toán. Vì thế, có những chỉ tiêu tính ra không thể so sánh được giữa các doanh nghiệp cùng một ngành nghề.

Ngay trong nội bộ một doanh nghiệp, cùng một chỉ tiêu nhưng khi tính toán lại khác nhau giữa các thời kỳ, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc sử dụng tài liệu thống kê trong quản lý và nghiên cứu.

Chẳng hạn, có những doanh nghiệp khi tính chỉ tiêu năng suất lao động, chỉ tính cho những công nhân trực tiếp sản xuất, nhưng cũng có những doanh nghiệp lại tính cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên của mình...

Thứ ba, đại bộ phận những người làm công tác thống kê trong các doanh nghiệp hiện nay thiếu kiến thức chuyên môn về thống kê, thậm chí là không được trang bị.

Giảng viên và sinh viên khoa Thống kê (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/cong-tac-thong-ke-voi-cac-doanh-nghiep-thoi-hoi-nhap-2483772-c.html