Công tác dân tộc và các chính sách dân tộc luôn được quan tâm thực hiện toàn diện

Huyện Thạnh Trị có 8 xã, 2 thị trấn, với 74 ấp. Tổng số hộ trên địa bàn là 23.113 hộ, trong đó có 9.410 hộ dân tộc thiểu số (DTTS) (Khmer, Hoa, Mường, Chăm, Tày...), với 26.452 khẩu, chung sống gắn bó, đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương. Được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác dân tộc và các chính sách dân tộc luôn được Huyện ủy, UBND huyện Thạnh Trị quan tâm thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực; sự vào cuộc của Mặt trận và đoàn thể các cấp đã hỗ trợ cho việc triển khai các chương trình, chính sách đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, nhận được sự đồng tình và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng.

Chính sách dân tộc được triển khai hiệu quả, góp phần hỗ trợ đồng bào DTTS đầu tư mô hình kinh doanh, sản xuất hiệu quả. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Thạnh Trị quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản liên quan đến công tác dân tộc đến các cơ quan, đơn vị, các địa phương và các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện. Vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS được phát huy tốt. Qua đó, đồng bào DTTS đã nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, giảm nghèo, nâng cao dân trí, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; tích cực tham gia thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, phát triển vùng đồng bào DTTS.

Theo đó, văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy, các thiết chế văn hóa trong vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư xây dựng, một số cơ sở thờ tự được xây dựng, sửa chữa, trùng tu với những kiến trúc thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, Hoa, tạo điều kiện tốt hơn cho việc sinh hoạt tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Mặt khác, phong trào văn hóa văn nghệ vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển. Địa phương đã duy trì tổ, nhóm văn nghệ Khmer, múa rom vong, múa sa dăm, thu hút đông đảo thanh thiếu niên là con em dân tộcKhmer tham gia tập luyện, vui chơi, giải trí. Huyện được đầu tư 4 sân bi sắt, bóng chuyền, 1 dàn nhạc ngũ âm trị giá gần 1 tỷ đồng cho các ấp, xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện từ các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng được quan tâm. Toàn huyện hiện có 39 điểm trường, trong đó có 16 điểm trường trong vùng đồng bào DTTS có dạy tiếng Khmer; có 350 giáo viên là người DTTS, chiếm tỷ lệ 39,8%. Trên địa bàn huyện có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở. Giai đoạn 2019 - 2023, huyện đã triển khai đào tạo nghề cho 7.668 lao động, trong đó lao động DTTS là 3.870 người; giải quyết việc làm cho 12.030 lao động, trong đó lao động người DTTS là 3.760 người. Qua đó, đã góp phần nâng trình độ tay nghề, tạo cơ hội việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp, làm thay đổi thói quen, áp dụng khoa học kỹ thuật trong lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho đồng bào DTTS luôn được chú trọng. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Đồng thời, công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho đồng bào DTTS luôn được chú trọng, nhất là chăm lo cho người nghèo, người DTTS ở vùng sâu, vùng khó khăn; khống chế và ngăn chặn có hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Chế độ bảo hiểm y tế được thực hiện đúng theo chủ trương của trên.

Ông Trần Ệl, xã Lâm Kiết (huyện Thạnh Trị) chia sẻ: “Người dân ở đây nói chung, đồng bào DTTS nói riêng thật sự phấn khởi, vui mừng trước sự thay đổi của Trạm Y tế xã, Trung tâm Y tế huyện. Y, bác sĩ khám bệnh, phục vụ tận tình, luôn niềm nở chỉ dẫn bệnh nhân, thân nhân người bệnh cách chăm sóc sức khỏe tại nhà, cách phòng chống dịch bệnh”.

Song song đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã triển khai hỗ trợ vốn cho 476 hộ; thực hiện tốt chính sách ưu đãi tín dụng đối với hộ nghèo DTTS; giai đoạn 2019 - 2024 đã thực hiện cho 14.451 lượt hộ vay vốn. Anh Danh Vương, thị trấn Hưng Lợi (huyện Thạnh Trị) chia sẻ: “Trước đây, vợ chồng tôi không có nghề nghiệp ổn định, không đất sản xuất. Sau đó, gia đình tôi được hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi mua 1 con trâu cái trị giá 20 triệu đồng để nuôi sinh sản. Đến năm 2020 được Quỹ hỗ trợ nông dân cho vay 20 triệu đồng, cùng với số vốn vợ chồng tích lũy được, gia đình tiếp tục đầu tư mua thêm 2 con trâu nuôi sinh sản. Đến nay, đàn trâu đã hơn chục con, thu nhập gia đình được tăng thêm từ việc bán trâu. Gia đình tôi sản xuất, kinh doanh hiệu quả như hôm nay là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vươn lên, tìm tòi học hỏi của bản thân”.

Đặc biệt, huyện Thạnh Trị đã triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, các chương trình mục tiêu quốc gia, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. Đến cuối năm 2023, mức thu nhập bình quân đầu người là 68,62 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 30 triệu đồng so với năm 2019. Giá trị sản xuất bình quân đạt 190,8 triệu đồng/ha đất nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng phục vụ cho sản xuất và dân sinh, nâng cấp và phát triển mạnh hệ thống thủy lợi; giao thông nông thôn; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân hằng năm trên 2%, trong đó hộ dân tộc Khmer nghèo giảm gần 7% trong năm 2023, đến đầu năm 2024 hộ dân tộc Khmer nghèo giảm còn 3,81%.

Công tác xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố kiện toàn, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ người DTTS luôn được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm. Toàn huyện có 884 đảng viên là người DTTS, chiếm 23,98% so với tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ; số cán bộ, công chức người DTTS là 402 người, chiếm tỷ lệ 31,33% tổng số cán bộ, công chức trong toàn huyện.

Đồng chí Liêu Trinh Húy - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Thạnh Trị cho biết: “Được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh, công tác dân tộc và các chính sách dân tộc luôn được Huyện ủy, UBND huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện quan tâm thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực; sự vào cuộc của Mặt trận và đoàn thể các cấp đã hỗ trợ cho việc triển khai các chương trình, chính sách đầy đủ, kịp thời, hiệu quả, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Nhận thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân có sự chuyển biến tích cực, quyền dân chủ, bình đẳng giữa các dân tộc được tôn trọng và phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố, tăng cường; các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS được giữ gìn và phát huy. Qua đó, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung và vùng đồng bào DTTS nói riêng. Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 124/KH-UBND, ngày 31/8/2022 của UBND tỉnh Sóc Trăng về thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung lãnh, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế, phát huy hiệu quả việc triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS; giảm nghèo nhanh, bền vững, phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc”.

Với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và những kết quả đạt được trong công tác dân tộc thời gian qua, các DTTS huyện Thạnh Trị trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam luôn bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng góp phần xây dựng quê hương Thạnh Trị ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

HOÀNG PHÚC

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/huyen-thanh-tri/cong-tac-dan-toc-va-cac-chinh-sach-dan-toc-luon-duoc-quan-tam-thuc-hien-toan-dien-73099.html