Công suất điện than toàn cầu tăng 2% trong năm ngoái, cao nhất kể từ năm 2016

Công suất điện than trên thế giới đã tăng 2% trong năm ngoái, mức tăng hằng năm cao nhất kể từ năm 2016, do các công trình xây dựng mới ở Trung Quốc, theo nghiên cứu được công bố hôm thứ Năm 11/4.

Nhà máy điện than thuộc sở hữu của Indonesia Power, Indonesia. Ảnh Reuters

Trong cuộc khảo sát hằng năm, tổ chức nghiên cứu Global Energy Monitor (GEM) có trụ sở tại Mỹ cho biết, bất chấp lượng bổ sung năng lượng tái tạo kỷ lục, nhưng gần 70 gigawatt (GW) công suất điện than mới đã được đưa vào vận hành trên toàn thế giới vào năm ngoái, trong đó có 47,4 GW ở Trung Quốc.

Flora Champenois, tác giả chính của báo cáo GEM, cho biết kể từ khi Thỏa thuận Paris được ký kết vào năm 2015, 25 quốc gia đã cắt giảm công suất điện than, nhưng 35 quốc gia đã tăng công suất.

Ông Champenois cho biết: “Thế giới đang đi đúng hướng về vai trò của than trong lĩnh vực năng lượng, nhưng không đủ nhanh và có một số đường vòng đầy rủi ro trên đường đi”.

Theo dự đoán của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, để duy trì nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng trong ngưỡng quan trọng là 1,5 độ C (2,7 độ F), công suất điện than toàn cầu cần phải được loại bỏ vào năm 2040.

GEM ước tính, việc loại bỏ dần như vậy sẽ yêu cầu đóng cửa trung bình 126 GW điện than mỗi năm, tương đương với hai nhà máy mỗi tuần, ngay cả khi không bổ sung công suất mới.

Tuy nhiên, hiện tại, thế giới đang triển khai 578 GW công suất điện than mới. Con số đó bao gồm cả 408 GW chỉ riêng ở Trung Quốc và đủ để cung cấp năng lượng cho toàn bộ Ấn Độ.

Theo khảo sát, chỉ có dưới 200 GW công suất điện than đang được xây dựng, trong đó có 140 GW ở Trung Quốc. Trong bối cảnh lo ngại về an ninh năng lượng, tỷ lệ ngừng hoạt động ở các nhà máy than của Trung Quốc cũng ở mức thấp nhất trong một thập kỷ vào năm ngoái.

Với việc điện than không phù hợp với các mục tiêu khí hậu dài hạn mà Trung Quốc đã tuyên bố, GEM cho biết Trung Quốc đang có nguy cơ bị mắc kẹt trong đống tài sản trị giá hàng tỷ nhân dân tệ.

Các phê duyệt gần đây cho các dự án than ở Trung Quốc đi kèm với khẩu hiệu “xây trước sửa sau”, cho thấy những nhà máy này được coi là giải pháp cung cấp năng lượng ngắn hạn.

Ông Champenois cho biết: “Việc xây dựng quá nhiều điện than để đề phòng và với cách tiếp cận ‘chúng ta sẽ giải quyết vấn đề đó sau’ là một canh bạc tốn kém và rủi ro, đặc biệt là khi có sẵn các giải pháp thay thế để đáp ứng các mục tiêu và giải quyết vấn đề an ninh năng lượng”.

Yến Anh

Reuters

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cong-suat-dien-than-toan-cau-tang-2-trong-nam-ngoai-cao-nhat-ke-tu-nam-2016-709191.html