Công sở gen Z: Tử tế và thực tế

Chuyện nhân viên bị quấy rối tại một đơn vị trong ngành sách trở thành tâm điểm chú ý của dư luận những ngày qua, đúng - sai người trong cuộc sẽ rõ nhất, nhưng có một thực tế khiến nhiều bạn trẻ quan tâm hơn chính là môi trường công sở của thế hệ lao động gen Z… Liệu người trẻ ở giai đoạn lập nghiệp có đủ bản lĩnh và đủ thực tế để nhìn nhận vấn đề, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?

Tự vệ chủ động

Chuyện quấy rối công sở không phải là điều xa lạ, nhưng khác với thế hệ trước, nhiều bạn trẻ gen Z nhìn nhận vấn đề sòng phẳng và ưu tiên sự an toàn của bản thân. Định nghĩa quấy rối với nhiều người không chỉ là những hành vi không đứng đắn về mặt tiếp xúc vật lý cơ thể, mà ngay cả lời nói, cử chỉ, tin nhắn… cũng đủ để người trẻ quyết định tiếp tục với công việc hoặc rời đi.

Trương Hà Minh Thư (25 tuổi, kiến trúc sư cảnh quan, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) kể: “Sự việc đáng tiếc xảy ra là điều không ai mong muốn, nhưng không phải đợi đến khi có những va chạm vật lý thì mới lên tiếng, bất kể lời khiếm nhã hoặc tin nhắn thái quá cũng là một dạng quấy rối. Mọi thứ phải chừng mực trong sự tôn trọng lẫn nhau. Một người bạn của tôi từng chịu đựng những lời khen khiếm nhã về cơ thể khi phỏng vấn vì nghĩ là người ta chỉ nói chứ không làm gì mình; đến khi đi làm chưa đầy nửa năm thì nghỉ việc luôn, vì đồng nghiệp cố tình tìm cách ngồi gần, đụng chạm nhạy cảm khi làm việc nhóm”.

Môi trường làm việc chuyên nghiệp và thoải mái về tinh thần được nhiều người trẻ hướng đến. Ảnh: TOONG

Đối tượng của chuyện quấy rối là bất kể ai chứ không chỉ là nữ giới. Trần Đình Bình Minh (27 tuổi, kỹ sư lập trình phần mềm quản lý, ngụ quận 7, TPHCM) quyết định nghỉ việc khi đồng nghiệp hay bắt chuyện và tìm cách đụng chạm cơ bụng 6 múi của mình. “Biết tôi là dân tập gym, nên họ thường hỏi cách tập luyện, chế độ dinh dưỡng để bắt chuyện. Một, hai lần thì có thể coi là nói đùa cho vui, nhưng không chỉ nói mà họ còn tìm cách luồn tay qua khoảng hở giữa các cúc áo để chạm vào bụng tôi. Tôi làm đơn góp ý thẳng thắn với phòng nhân sự, cấp quản lý công ty và nộp đơn xin nghỉ việc dù mức lương và chế độ đãi ngộ cho nhân viên của công ty rất tốt”.

Hết lòng hay dự phòng?

Tổng cục Thống kê Việt Nam dự kiến, vào năm 2025, gen Z sẽ chiếm 1/3 dân số trong độ tuổi lao động trên cả nước. Khi thế hệ gen Z bắt đầu hành trình phát triển sự nghiệp, không ít nơi “bài toán” nhân sự trở nên khó xử hơn bao giờ hết, khoảng cách thế hệ ngày càng bộc lộ nhiều quan điểm trái chiều. Chọn làm việc cố định sau gần 2 năm làm tự do, Nguyễn Ngọc Quyên (24 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa, ngụ quận 4, TPHCM) vẫn không ngừng tìm kiếm hợp đồng bên ngoài.

Những bất đồng công sở khiến bạn trẻ này chỉ hoàn thành đúng công việc trong nhiệm vụ được giao và bắt đầu tìm kiếm cơ hội khác. “Chuyện cống hiến hết mình cho công ty để làm nhân viên xuất sắc, hay được tuyên dương, tôi hoàn toàn không hứng thú, vì trong quá trình làm việc nhóm, tôi và các thành viên bất đồng quan điểm rất nhiều. Với mức lương thỏa thuận như khi phỏng vấn, tôi hoàn thành mọi việc được giao, không đăng ký tăng ca, không tham gia hoạt động ngoài giờ của công ty. Sau giờ làm, tôi nghỉ ngơi, tắt điện thoại với đồng nghiệp và tìm hợp đồng làm thêm bên ngoài, đôi khi nó mang lại khoản dư rất đáng kể cho tôi”, Ngọc Quyên chia sẻ.

Là thế hệ lớn lên cùng sự phát triển của công nghệ, thị trường lao động đòi hỏi nhiều kỹ năng bên cạnh chuyên môn, không ít bạn trẻ gen Z có nhiều tài lẻ. Chuyện chịu lép vế gần như không có trong từ điển của người lao động thế hệ này. Phan Thảo Trang (23 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận 5, TPHCM) cho biết: “Khi ứng tuyển mình cũng nộp hồ sơ như bao nhiêu người khác, thì khi có sự cố trong công việc, nếu không được bảo vệ thỏa đáng, mình có quyền lên tiếng hoặc nhờ mạng xã hội chia sẻ cũng là chuyện rất bình thường. Công ty trước không chỉ chậm lương, mà khoản làm ngoài giờ cũng không được chấm công hợp lý, tôi và vài đồng nghiệp chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội, gây sức ép từ các phía thì công ty mới chịu tính lại bảng lương. Việc gì cũng phải bày tỏ ý kiến rõ ràng, mình có là nhân viên mới, thành viên nhỏ tuổi nhất công ty cũng không phải sợ sệt mà chịu thiệt được”.

Công việc luôn là một phần quan trọng trong hành trình của mỗi người, ở góc nhìn nào đó, nó là cơ sở để nỗ lực và khẳng định bản thân, với người trẻ điều này càng thấy rõ… Thái độ và trách nhiệm với công việc phần nào cũng phản ánh tính cách trong hành trình trưởng thành. Trước khi hài lòng với sự nghiệp, bạn trẻ cần rèn cho mình một bản lĩnh tử tế và thực tế trong làm việc, để tự vệ chính đáng và dung hòa khoảng cách thế hệ trong mối quan hệ đồng nghiệp, công sở.

THIÊN THANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cong-so-gen-z-tu-te-va-thuc-te-post736170.html