Công nhân lao động dệt - may: Lo bị 'vắt chanh, bỏ vỏ'

Câu chuyện của chúng tôi với các chị công nhân lao động (CNLĐ) ở khu trọ gần KCN Khai Quang (Vĩnh Phúc) chợt chùng xuống. Một chị thở dài: “Hai năm nữa thôi là những người ngồi đây đều 43-44 tuổi, mắt không còn tinh, tay không còn chính xác nữa, không biết lúc đấy thì làm gì để kiếm sống”. Đáng buồn, đấy lại là nỗi lo của hầu hết các nữ CNLĐ dệt - may.

CNLĐ ngành dệt - may chỉ thuần thục một công đoạn nhất định. Nếu mất việc họ rất khó tìm công việc mới. Ảnh: D.Thúy

Nghỉ hưu... trên danh nghĩa

Chỉ được đào tạo tay nghề ngắn hạn và đảm nhiệm một công đoạn trong quá trình hoàn thành một sản phẩm may mặc nên theo nhiều CNLĐ, đây không phải là một nghề. Vì lẽ đó, nên khi nghỉ việc họ buộc phải xoay sang nghề khác. Không ít người, mới ngoài 40 tuổi đã không đáp ứng được yêu cầu của công việc vì tay run, mắt mờ. Khi ấy, quả thật là bế tắc trong mưu sinh.

Chị Nguyễn Thị T (44 tuổi), sau 8 năm làm CN Cty may Việt - Hàn (Hải Dương) sức khỏe giảm sút, không làm được ca đêm, không tham gia làm thêm được. Bên cạnh đó, phần do tuổi tác, phần do ảnh hưởng của bệnh nghề nghiệp (thị lực giảm, đau lưng do ngồi nhiều…) nên các thao tác của chị trở nên chậm chạp, làm ảnh hưởng đến cả dây chuyền. Chị T phải xin nghỉ để tìm công việc khác. Thế nhưng, ròng rã hơn một năm, chị đã thử nhiều việc như phụ hồ, phụ giúp ở quán cơm, gói bánh đậu… cũng chỉ được một thời gian ngắn lại phải nghỉ việc vì không đáp ứng được. Thông qua bạn bè, chị xin vào làm thời vụ ở tổ sản xuất gia đình với mức thu nhập 70.000 đồng/ngày, song chỉ là hợp đồng miệng và làm ngày nào trả tiền ngày đó.

“Công việc quá bấp bênh và không kém phần nặng nhọc. Nhưng tôi biết làm gì bây giờ, khi đã ở tuổi này rồi và không có một chuyên môn nghề nghiệp nào. Tiếng là làm nghề may, nhưng gần chục năm, tôi chỉ biết làm mỗi một công đoạn…” - chị T chia sẻ.

Bà Phạm Minh Hà - nguyên Chủ tịch CĐ, kiêm Phó phòng Tổ chức Hành chính Cty dệt Minh Khai - cho biết, nhiều NLĐ trong Cty đã xin nghỉ hưu trước tuổi vì không chịu được áp lực công việc. Tuy nhiên, đối với họ, về “hưu” chỉ trên danh nghĩa, còn phần lớn trong số họ vẫn tiếp tục phải làm nhiều công việc khác nhau như làm tạp vụ, phụ giúp bán hàng hoặc trông trẻ... để có tiền trang trải cuộc sống. Nhưng cũng có tình trạng, vì khó khăn, NLĐ xin nghỉ việc trước tuổi, hưởng chế độ “một cục”, rồi lại quay lại Cty ký tiếp HĐLĐ để vừa có tiền chế độ, vừa có tiền công.

Bệnh nghề nghiệp đeo bám suốt đời

Chị Cao Thị Kim - thợ bậc 6 (là bậc cao) của Xí nghiệp May thuộc Cty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân - về hưu sớm 3 năm nên mức lương hưu được hưởng giảm 3%, hiện là 3.060.000 đồng/tháng. Chị Kim về nghỉ sớm do sức khỏe không đảm bảo làm việc.

Chị Kim cho biết “trong thời gian làm việc tại xí nghiệp, có những lúc tôi đã phải dừng việc do huyết áp tăng, chóng mặt, mệt mỏi. Trước đây tôi chỉ làm CN may nên khi về hưu không biết làm gì thêm. Bây giờ có muốn làm thêm cũng khó vì sức khỏe không cho phép. Làm CN may rất vất vả, tù túng. Có lẽ do bệnh nghề nghiệp nên tôi bị thoái hóa chùm dây thần kinh cột sống, đau đầu gối, viêm phế quản, mắt kém, bướu cổ và huyết áp cao”.

Sau khi nghỉ việc ở xí nghiệp, chị Kim phải nhiều lần đi cấp cứu, nằm viện suốt do viêm phế quản. Bình quân hằng tháng chị Kim đều phải chi khoảng 200.000 đồng để mua thêm thuốc trị bệnh ngoài các loại thuốc được cấp theo tiêu chuẩn BHYT.

GS-TS Lê Vân Trình - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật ATVSLĐ Việt Nam - cho rằng, bệnh nghề nghiệp (BNN) trong ngành dệt - may chủ yếu là bệnh bụi phổi bông và bệnh dãn tĩnh mạch chân. Hằng năm các DN tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho CNLĐ, nhưng việc khám vẫn còn qua loa nên số CNLĐ được phát hiện mắc BNN còn ít so với thực tế. Bệnh bụi phổi bông là bệnh làm giảm khả năng thở, gây ra bệnh hen và viêm phế quản, ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới sức khỏe NLĐ. Bệnh dãn tĩnh mạch chân của CN ngành dệt - may chưa được đưa vào danh mục BNN được Nhà nước bảo hiểm, mặc dù nó có thể gây phù chân, tạo thành huyết khối, làm tắc nghẽn, dễ gây vỡ các mạch máu ở phổi khi NLĐ làm việc gắng sức.

Ngoài ra, những bệnh như đau vùng thắt lưng, giảm thị lực… cũng làm CN giảm khả năng LĐ, nhất là với những nữ CN ngoài tuổi 40, khi bước sang thời kỳ tiền mãn kinh.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/ky-2-lo-bi-vat-chanh-bo-vo-558355.bld