Công nghiệp hỗ trợ cần tiếp sức từ cơ chế, chính sách

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là các ngành công nghiệp về sản xuất phụ tùng, linh kiện cho sản xuất, nguyên vật liệu và lắp ráp đa dạng các sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội, khẳng định, phát triển ngành CNHT lớn mạnh là tạo nền tảng để ngành công nghiệp của một quốc gia phát triển vững chắc. Hiện nay rất cần những cơ chế, chính sách đủ mạnh để thúc đẩy phát triển công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng.

CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ MỚI ĐÁP ỨNG ĐƯỢC KHOẢNG 10% NHU CẦU TRONG NƯỚC

Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về năng lực ngành CNHT của nước ta hiện nay?

Ông Nguyễn Vân: Phát triển CNHT có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành CNHT Việt Nam đã có những bước tiến nhất định, số lượng doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia ngày càng tăng. Nhiều sản phẩm CNHT của doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang nước ngoài hoặc cung ứng cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam với chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Song cần thẳng thắn nhìn nhận, quy mô và năng lực của các doanh nghiệp CNHT còn nhiều hạn chế. Cả nước đã có 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT, song trong đó chỉ có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Số lượng các doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực sản xuất CNHT vẫn chưa nhiều. CNHT mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa của hầu hết ngành công nghiệp ở mức thấp, ngoại trừ ngành sản xuất xe máy. Cùng với đó, mức độ tham gia của các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước trong chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI còn khiêm tốn. Hầu hết DN hỗ trợ trong nước là nhà cung cấp cấp 3, cấp 4, chủ yếu cung cấp các sản phẩm đơn giản, linh kiện và vật tư có giá trị thấp. Mặc dù quy mô, cơ cấu sản xuất công nghiệp khác nhau nhưng điều này phần nào cho thấy ngành CNHT của Việt Nam còn hạn chế hơn so với các nước trong khu vực.

 Ông Nguyễn Vân. Ảnh: HƯƠNG DỊU

Ông Nguyễn Vân. Ảnh: HƯƠNG DỊU

PV: Tác động của đại dịch Covid-19 đã tạo ra xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Vậy ông đánh giá ra sao về cơ hội của ngành CNHT nước ta trước xu hướng này?

Ông Nguyễn Vân: Giai đoạn sau đại dịch Covid-19, Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng và hấp dẫn trong chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu của các nhà đầu tư. Điều này giúp doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp ngành CNHT nói riêng có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hàng trăm tỷ USD được thống kê trong kim ngạch xuất, nhập khẩu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam đã cho thấy sức hấp dẫn của lĩnh vực này.

KIẾN NGHỊ SỚM XÂY DỰNG LUẬT CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ

PV: Cơ hội cho ngành CNHT lớn nhưng điểm nghẽn cũng còn nhiều. Vậy theo ông, cần làm gì để tiếp sức cho ngành CNHT?

Ông Nguyễn Vân: Để phát triển CNHT thời gian tới, vấn đề đầu tiên và hết sức quan trọng đó là kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng Luật CNHT và trình Quốc hội ban hành. Đây sẽ là nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công hơn. Các doanh nghiệp CNHT cũng kiến nghị Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia liên ngành về phát triển công nghiệp, trong đó có một Phó thủ tướng chuyên trách để khi doanh nghiệp có đề xuất, kiến nghị sẽ được giải quyết kịp thời.

Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các DN thuộc ngành CNHT, quyết tâm đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đạt tỷ trọng 5-10% trên tổng số DN Việt Nam. Theo đó, cần có giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn (lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế chấp...); quy hoạch, phát triển các khu CNHT gắn liền với chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong nước với chi phí, chính sách hợp lý.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Dụng cụ AN MI. Ảnh: HƯƠNG DỊU

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Dụng cụ AN MI. Ảnh: HƯƠNG DỊU

PV: Có một thực tế, do thiếu thông tin, thiếu kết nối dẫn tới doanh nghiệp CNHT bỏ lỡ nhiều cơ hội. Vậy đâu sẽ là giải pháp để khắc phục vấn đề này, thưa ông?

Ông Nguyễn Vân: Đúng vậy, dù ngành CNHT đang là lĩnh vực tạo sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, song hiện nay chưa có cơ sở dữ liêụth đồng bộ trên phạm vi cả nước về DN CNHT nên khi nhà đầu tư cần gì đều không biết tìm ở đâu; doanh nghiệp của chúng ta có gì cũng không ai biết. Thậm chí, ngay bản ân các doanh nghiệp trong ngành cũng thiếu thông tin về nhu cầu của nhau nên việc tìm kiếm trực tiếp các đối tác trong nước còn gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ tăng cường các hoạt động nội khối ngành CNHT để cùng nhau sản xuất-cùng nhau cung ứng, hỗ trợ nhau sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dân sinh, đa dụng trong nhiều lĩnh vực. Đồng thời, cần tập trung nâng cao hoạt động kết nối các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn đang có mặt tại Việt Nam nhằm thúc đẩy việc các ông lớn FDI có thể dẫn dắt, đặt hàng những doanh nghiệp CNHT trong nước nhằm thúc đẩy sự phát triển và hiện đại hóa ngành CNHT tại Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

VŨ DUNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/cong-nghiep-ho-tro-can-tiep-suc-tu-co-che-chinh-sach-730130