Công nghiệp Đất Tổ - hành trình làm theo lời Bác

Ngày 13/4/1959, giữa lúc Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ đang ra sức thực hiện kế hoạch 3 năm (1958 - 1960) 'cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội', Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ sự quan tâm đặc biệt, Bác đã về thăm công trường xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Việt Trì.

Kỳ I: Nền móng cho công nghiệp tỉnh nhà

Người đã căn dặn: “Đây là KCN đầu tiên của nước ta. Xưa các Vua Hùng đã chọn làm nơi đóng đô dựng nước. Nay ta xây dựng Đất Tổ thành một KCN to lớn, làm cơ sở của chủ nghĩa xã hội. Từ đây ta sẽ bắt đầu cho công cuộc xây dựng to lớn của cả đất nước. Vinh dự này là thuộc về các cô, các chú đang xây dựng Đất Tổ...”. Khắc ghi lời Bác căn dặn năm xưa, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, năng động, sáng tạo, đổi mới, đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhất là công nghiệp có sự bứt phá.

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với công nhân xây dựng KCN Việt Trì ngày 13/4/1959 (ảnh tư liệu).

Khắc ghi lời Bác

Những năm đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Việt Trì được Trung ương Đảng và Chính phủ chọn làm điểm xây dựng KCN. Đây là dấu mốc quan trọng để tạo tiền đề cho công cuộc công nghiệp hóa đất nước, góp phần thúc đẩy công nghiệp địa phương phát triển.

Hồi tưởng lại thời điểm cách đây 65 năm được gặp Bác, ông Trần Văn Kỉnh, hiện ở phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì nguyên là cán bộ điều độ Công ty CP Giấy Việt Trì vẫn không khỏi bồi hồi xúc động. Ở tuổi ngoài 90, ông vẫn còn khá minh mẫn, cuộc nói chuyện năm nào trong ký ức ông dường như vẫn vẹn nguyên về bầu không khí trang trọng, niềm kính yêu của từng cán bộ, công nhân công trường và nhân dân tỉnh Phú Thọ dành cho vị Cha già dân tộc. Ông Kỉnh cho biết: “Thời điểm năm 1959, tôi đang là công nhân xây dựng KCN Việt Trì. Khi ấy công trường đông anh em công nhân lắm. Nghe tin Bác về thăm, được gặp Bác, anh em chúng tôi vui mừng khôn xiết. Những lời hỏi thăm ân cần và căn dặn của Người năm ấy nhanh chóng phổ biến, tuyên truyền rộng rãi đến công trường, chúng tôi có động lực để thi đua phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, đóng góp vào công cuộc kiến thiết của tỉnh”.

KCN Việt Trì được khởi công xây dựng, tạo tiền đề cho công nghiệp địa phương phát triển và tạo nên một thành phố công nghiệp khi ấy. Ghi nhớ lời dạy của Người, lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên, quân và dân trên địa bàn tỉnh luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng và phát triển tỉnh nhà, xứng đáng với sự tin tưởng, đặt nền móng phát triển công nghiệp ngay từ sớm của Trung ương, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu. Sau thời gian tập trung cao độ, đầu tư lao động và vật tư thiết bị, KCN từng bước hình thành rõ nét. Thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), hàng loạt cơ sở sản xuất mới được xây dựng và đi vào hoạt động, trong đó có những cơ sở được trang bị khá tốt và trở thành đơn vị đầu đàn của công nghiệp địa phương. Trong giai đoạn này, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã ban hành 2 nghị quyết về phát triển công nghiệp, đó là: Nghị quyết 51 ngày 09/6/1961 về Vấn đề lãnh đạo công nghiệp và Nghị quyết 29 ngày 28/10/1964 về Tình hình, phương hướng nhiệm vụ phát triển công nghiệp địa phương của tỉnh Phú Thọ. Từ những định hướng đúng, lãnh đạo, chỉ đạo sát thực tế, công nghiệp trên địa bàn, nhiều nhà máy hoàn thành vượt mức kế hoạch, những cái tên đã đi vào lịch sử và trở thành niềm tự hào của công nghiệp tỉnh nhà thời kỳ này như: Giấy Việt Trì, Đường Việt Trì, Điện, Mì chính, Hóa chất Việt Trì... Trong suốt những năm tháng “chắc tay súng, vững tay búa”, sản phẩm của các nhà máy này đã góp phần thiết thực phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Cùng với đường lối đổi mới của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã “dám nghĩ, dám làm”, sáng tạo, đổi mới để trụ vững, vươn lên, tạo nên thương hiệu mạnh cho công nghiệp Đất Tổ và đất nước. Ở mỗi thời kỳ khác nhau, ngành công nghiệp luôn phát huy tinh thần tiên phong, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Ông Trần Văn Kỉnh (ngồi giữa) kể lại kỷ niệm được gặp Bác Hồ khi đang là công nhân xây dựng KCN Việt Trì.

Kim chỉ nam để phát triển công nghiệp

Lời Bác căn dặn đã trở thành kim chỉ nam, cội nguồn sức mạnh để phát triển. Sự tiếp nối mạch nguồn những giá trị truyền thống từ nền tảng ban đầu KCN Việt Trì, những tên tuổi Giấy Việt Trì, Hóa chất Việt Trì... tiếp tục được các thế hệ dày công xây dựng, vun đắp, khẳng định uy tín của thương hiệu đã đứng vững trên thị trường.

Nhà máy Giấy Việt Trì là tiền thân của Công ty CP Giấy Việt Trì ngày nay, được khởi công xây dựng tháng 12/1958, đi vào hoạt động ngày 19/5/1961. Nhà máy Giấy Việt Trì ra đời là bước ngoặt đánh dấu bước phát triển mới của nền công nghiệp Giấy nước nhà trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Giấy Việt Trì đã khẳng định được vị thế trên thị trường, là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành Giấy Việt Nam trong sản xuất giấy bao bì cao cấp. Tại phòng truyền thống, nơi lưu giữ và trưng bày các hình ảnh, tư liệu, hiện vật về quá trình hình thành và phát triển, mỗi hiện vật, mỗi tấm ảnh trưng bày là một câu chuyện kể đầy sinh động về quá trình phát triển của Công ty. Đặc biệt, bức ảnh Bác Hồ về thăm công trường xây dựng KCN Việt Trì được phóng to, treo ở vị trí trang trọng.

Ông Trần Văn Mạnh - Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty cho biết: “Chúng tôi là những thế hệ sau nhưng những lời Bác dặn khi ấy được truyền qua mọi thế hệ lãnh đạo và công nhân của Công ty. Hơn sáu thập kỷ qua, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lan tỏa tới các thế hệ cán bộ, đảng viên, công nhân viên Công ty, trở thành tư tưởng hành động của các phong trào thi đua cho tới hôm nay. Từ công suất ban đầu 18.000 tấn/năm, đến nay công suất tăng lên gần 10 lần. Công ty đã nhiều lần đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo đời sống cho công nhân lao động”.

Lời Bác căn dặn phải xây dựng Đất Tổ thành KCN to lớn vẫn đang được tỉnh nghiên cứu học tập, vận dụng, phù hợp với yêu cầu phát triển ngành công nghiệp trong điều kiện mới; tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Năm 1997, KCN Thụy Vân ra đời trên địa bàn thành phố Việt Trì với tính chất KCN tập trung đa ngành. Có thể nói rằng KCN Thụy Vân đánh dấu bước phát triển lớn trong phát triển công nghiệp của tỉnh khi thu hút được các dự án đầu tư lớn ở các ngành cơ khí, chế biến, thiết bị điện, điện tử, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng... đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giải quyết việc làm cho lao động. Đến nay, KCN Thụy Vân với diện tích đất đã giải phóng mặt bằng, hoàn thiện đầu tư hạ tầng trên 300ha, thu hút khoảng 90 dự án đi vào hoạt động.

KCN năm xưa đã khoác lên mình diện mạo mới, thành phố Việt Trì - thành phố công nghiệp đầu tiên của miền Bắc vẫn còn những dấu ấn của những nhà máy, xí nghiệp từ những năm 60 và đã ra đời thêm KCN Thụy Vân, Cụm công nghiệp Bạch Hạc. Theo xu thế phát triển, Việt Trì đang được xây dựng thành trung tâm kinh tế năng động của vùng Trung du miền núi phía Bắc, trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Về công nghiệp, theo Kế hoạch phát triển công nghiệp thành phố Việt Trì giai đoạn 2021 - 2025 xác định mục tiêu ưu tiên phát triển những ngành phát huy được tiềm năng, thế mạnh, thân thiện với môi trường và có giá trị kinh tế cao; phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, kết quả đạt được trong giai đoạn trước, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh để đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Hòa cùng dòng chảy của lịch sử, đáp ứng từng giai đoạn phát triển của đất nước và của địa phương, qua các thời kỳ, công nghiệp vẫn khẳng định vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Từ nền móng công nghiệp những năm 60, các khu, cụm công nghiệp tập trung được hình thành; nhiều công trình, dự án công nghiệp có quy mô lớn, có thương hiệu Quốc gia và đang vươn tầm quốc tế được triển khai. Công nghiệp nắm giữ nhiều lĩnh vực sản xuất then chốt, sản phẩm của ngành không chỉ phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường nhiều nước trên thế giới.

Kỳ II: Khu công nghiệp - điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của tỉnh

Nhóm Phóng viên Kinh tế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/hoc-va-lam-theo-bac/cong-nghiep-dat-to-hanh-trinh-lam-theo-loi-bac/210192.htm