Công nghệ vũ khí thông minh tạo lợi thế cho phe phòng ngự trong cuộc chiến Ukraine

Các loại đạn thông minh được tạo ra bằng công nghệ quân sự hiện đại đang mang lại lợi thế lớn cho phe phòng ngự trong các cuộc chiến thời nay, bao gồm cả xung đột quân sự ở Ukraine.

Sự phát triển của vũ khí ảnh hưởng đến lối đánh

Trong suốt lịch sử, có những thời điểm công nghệ quân sự đã giúp củng cố bên phòng ngự nhiều hơn bên tấn công. Và trong cuộc chiến hiện nay giữa Nga và Ukraine, điều này dường như đang tái diễn ở một chừng mực nào đó.

Lính Mỹ phóng tên lửa chống tăng Javelin trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật. Ảnh: Willcox.

Lính Mỹ phóng tên lửa chống tăng Javelin trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật. Ảnh: Willcox.

Trong nhiều thế kỷ, đã có vô số sự thay đổi theo hướng đó. Trước đây các khẩu súng máy hạng nặng và khó di chuyển đã tạo lợi thế cho phòng thủ tại chỗ. Khi ấy, chỉ cần đặt khẩu súng ở vị trí phòng ngự tốt là người ta có thể yên tâm siết cò nhả đạn hạ gục lực lượng kỵ binh xung phong của đối phương.

Nhưng lợi thế của súng máy phòng thủ mất dần đi khi Anh gắn vũ khí lên một nền tảng di động do nước này phát triển với mật danh “bình nước” (tiếng Anh là “water tank”). Tác chiến bằng xe tăng đã củng cố lực lượng tiến công bằng việc đưa hỏa lực cơ động tiến tới sát lực lượng phòng ngự.

Súng bazooka - một vũ khí chống tăng đời đầu, phải được tác xạ ở cự ly gần để tiêu diệt xe tăng bằng một lượng thuốc nổ mạnh. Nhưng khi ở cự ly gần như vậy, xạ thủ đôi lúc gặp nguy hiểm chết người.

Sau này, phe tấn công phát triển lối đánh binh chủng hợp thành gồm xe tăng, bộ binh, và hỏa lực trên không rất lợi hại, khiến bên phòng ngự khó ngăn chặn.

Trước đội hình binh chủng hợp thành, để giành lại lợi thế, phe phòng ngự cần phát triển một loại vũ khí chống tăng mới, đó là loại vũ khí có thể bắn từ xa để bảo vệ quân nhân sử dụng vũ khí đó, đồng thời vũ khí phải đủ thông minh để có khả năng đeo bám xe tăng đang di chuyển trong bóng tối.

Xe tăng Anh thời Thế chiến I. Ảnh: Earnest Brooks.

Xe tăng Anh thời Thế chiến I. Ảnh: Earnest Brooks.

Thời của vũ khí thông minh

Trong thập kỷ qua, công nghệ sử dụng trong điện thoại thông minh cũng đã được vận dụng để tạo ra vũ khí thông minh.

Chẳng hạn, một quân nhân có thể khai hỏa tên lửa dẫn đường chống tăng Javelin và NLAW từ cự ly cách xe tăng đang chuyển động hơn 1km và đợi chờ tên lửa lao lên trên cao rồi chụp mạnh xuống nóc xe tăng – vị trí mà lớp giáp của xe tăng mỏng hơn hẳn so với các nơi khác.

Một quả tên lửa vác vai có giá khoảng 200.000 USD (đối với tên lửa Javelin do hãng Mỹ Raytheon và Lockheed Martin sản xuất) hoặc chỉ 26.000 USD (đối với tên lửa NLAW do Anh sản xuất) có thể phá hủy một chiếc xe tăng trị giá tới hơn 5 triệu USD. Hiệu quả tác chiến của Javelin trên chiến trường được cho là ở mức hơn 90%.

Trong Chiến tranh vùng Vịnh, bộ binh Mỹ đã ghen tị với các kíp xe tăng được bảo vệ bằng lớp giáp của xe. Nhưng với các loại vũ khí chống tăng mới lợi hại nói trên, ở trong xe tăng lúc này chưa hẳn đã an toàn nhiều như trước đây.

Vấn đề hạn chế ưu thế trên không

Ngày nay, bằng các loại vũ khí phòng không không quá đắt, người ta có thể thách thức được ưu thế trên không do các máy bay chiến đấu tạo ra.

Ukraine thiếu các chiến đấu cơ trị giá 25 triệu USD mỗi chiếc, nên họ đang cố bù đắp bằng các loại tên lửa vác vai được phát triển từ cách đây 4 thập kỷ và đang trở nên ngày càng thông minh.

Các tên lửa này có nhược điểm là chỉ bắn được máy bay tầm thấp. Tuy nhiên, phe tấn công nếu sử dụng máy bay ở tầm cao thì sẽ phải cần đến các loại bom đạn có độ chính xác cao để có thể phóng từ độ cao lớn mà vẫn bảo đảm đánh trúng mục tiêu.

Ukraine có giành được lợi thế ở khu vực Đông Nam?

Khi chiến sự diễn ra trên địa hình đồi núi và nhiều rừng ở phía Bắc thủ đô Kiev, phía Ukraine có thuận lợi do có thể dễ dàng áp dụng lối đánh phục kích.

Tuy nhiên, khi đi sang miền Đông và miền Nam của Ukraine, nơi địa hình bằng phẳng hơn thì tình hình lại có lợi cho Nga phát huy ưu thế xe tăng như họ từng có trong trận đánh Kursk nổi tiếng thời Thế chiến II. Thời đó, có lúc Hồng quân Liên Xô đã tung ra 850 xe tăng để đối đầu với 290 xe tăng Đức Quốc xã.

Mặc dù vậy, mỗi xe tăng cần đến một kíp xe gồm từ 3 người trở lên, và xe tăng liên tục cần được tiếp nhiên liệu và bảo dưỡng, do vậy vẫn sẽ vấp phải những thách thức không nhỏ từ các tên lửa vác vai chống tăng./.

Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch Nguồn: Asia Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/cong-nghe-vu-khi-thong-minh-tao-loi-the-cho-phe-phong-ngu-trong-cuoc-chien-ukraine-post936677.vov