Công nghệ ưu việt của đường sắt Nhật Bản

Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng trong công cuộc phát triển công nghệ, và ngành đường sắt nước này cũng không phải ngoại lệ. Nhiều ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) đã ra đời nhằm nâng cao tính ưu việt của hệ thống đường sắt xứ mặt trời mọc.

Công ty đường sắt Kyushu của Nhật Bản vừa phát triển một tàu kiểm tra đường ray mới có tên gọi Big Eye (ảnh) với nhiều công nghệ nhằm tăng hiệu quả công tác bảo trì. Tàu Big Eye được trang bị cảm biến laser và camera để phát hiện tình trạng biến dạng của đường sắt, đồng thời sử dụng lượng lớn dữ liệu mà thiết bị thu thập được để đưa ra các đánh giá. Tàu mới có thể vận hành hiệu quả hơn vì có khả năng tự lái mà không cần đầu máy kéo.

Bằng cách sử dụng cảm biến, Big Eye có thể thu thập dữ liệu về hướng đi của đường ray, đo khoảng cách giữa đường ray và hạ tầng, bao gồm cột điện, đường hầm, sân ga và đèn giao thông. Tính năng chụp ảnh liên tục bằng camera trên toa tàu có thể được dùng để kiểm tra trạng thái của các phụ kiện kim loại dùng để gắn kết các đường ray. Dữ liệu thu thập được gửi đến hệ thống của công ty để phân tích từ xa, góp phần giảm bớt nhân lực tại hiện trường. AI giúp phân tích ảnh chụp của camera và tự động phát hiện các khu vực cần bảo trì.

Công ty đường sắt Kyushu dự kiến tiến hành chạy thử tàu Big Eye từ nay đến tháng 3 năm sau ở khu vực Tây Nam Nhật Bản, trước khi chính thức ra mắt nhằm đánh giá độ bền của thiết bị, độ chính xác của việc đo lường dữ liệu và để xây dựng một hệ thống phân tích dữ liệu.

Trong khi đó, Công ty đường sắt Tây Nhật Bản (JR West) đã tiến hành thử nghiệm robot sửa chữa đường sắt. Robot có phần đầu mô phỏng khá giống với nửa thân trên của con người, được gắn vào một cần trục thủy lực chạy trên hệ thống đường ray chế tạo đặc biệt.

Theo JR West, nhiệm vụ chính của những robot là thực hiện những công việc khó với rủi ro cao. Nó có thể nâng những thiết bị nặng lên cao và nhiều tác vụ khác như bảo trì và làm sạch đường dây điện... Hiện tại, mọi hoạt động của robot đòi hỏi phải thông qua hệ thống điều khiển thực tế ảo VR do một nhân viên trực tiếp thực hiện. Người điều khiển sẽ đeo kính VR để theo dõi chuyển động thông qua hệ thống camera được lắp đặt trên thân của robot và sử dụng tay cầm để điều khiển cánh tay và bàn tay của robot này.

JR West cũng phát triển một hệ thống AI để đánh giá lượng tuyết bám vào các đoàn tàu shinkansen Hokuriki chạy qua các tỉnh Niigata, Toyama và Ishikawa nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Trong khi đó, công ty đường sắt miền Trung Nhật Bản, nhà điều hành các chuyến tàu cao tốc shinkansen nối Tokyo và Osaka, đã gắn các camera bên dưới một số toa tàu để kiểm tra sự tích tụ của tuyết và nghiên cứu mối tương quan của chúng với điều kiện thời tiết và tuyết bám trên đường ray.

Ngành đường sắt Nhật Bản còn áp dụng công nghệ để thu hút du khách nước ngoài. Hệ thống cửa sổ phiên dịch VoiceBiz hỗ trợ du khách nước ngoài và nhân viên nhà ga giao tiếp đã được Công ty đường sắt Seibu Railway triển khai tại một số nhà ga. VoiceBiz cho phép du khách nói chuyện với nhân viên nhà ga qua micro, trong lúc màn hình hiển thị bản dịch tương ứng bằng tiếng Nhật và 1 trong 11 loại ngôn ngữ khác như tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha…

PHƯƠNG NAM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cong-nghe-uu-viet-cua-duong-sat-nhat-ban-post713035.html