Công nghệ phanh khẩn cấp tự động hiện tại chưa giúp được gì nhiều

Công nghệ phanh khẩn cấp tự động hữu ích cho ô tô nhưng lại hoạt động kém hiệu quả với người đi bộ và xe máy, đặc biệt trong điều kiện ban đêm.

Theo Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc (IIHS) của Mỹ, công nghệ phanh khẩn cấp tự động (AEB) có thể ngăn chặn một nửa số vụ va chạm giữa xe ô tô phía sau với xe phía trước.

Đó có thể là lý do Chính phủ Mỹ mới đây đã đưa ra yêu cầu bắt buộc các nhà sản xuất ô tô phải trang bị công nghệ an toàn này lên các mẫu xe chở khách mới có trọng lượng dưới 10.000 pound (khoảng 4.500 kg) vào năm 2029.

Phanh khẩn cấp tự động tỏ ra kém hiệu quả trong điều kiện ban đêm. Ảnh: IIHS

Chính phủ Mỹ tin rằng việc đưa công nghệ AEB trở thành tiêu chuẩn trên xe ô tô chở khách có thể giúp giảm thiểu hàng triệu vụ va chạm hàng năm. Nhưng trên thực tế, công nghệ an toàn này vẫn chưa hoạt động đủ tốt để ngăn chặn số ca tử vong liên quan đến người đi bộ tại Mỹ.

Dựa trên số liệu mới nhất của Cục An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA), đã có 7.522 người đi bộ thiệt mạng, tỷ lệ tử vong của người đi bộ đã tăng từ 13% vào năm 2010 lên 17,7% so với tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông vào năm 2022. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong 40 năm qua tại Mỹ.

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ, khoảng 76% số ca tử vong liên quan đến người đi bộ xảy ra vào ban đêm. Và những cuộc thử nghiệm vào năm ngoái của IIHS đã cho thấy hầu hết các mẫu xe được trang bị công nghệ phanh khẩn cấp tự động đều hoạt động kém hiệu quả vào ban đêm.

Nhận định được đưa ra sau khi tổ chức này tiến hành thử nghiệm trên 23 mẫu xe gồm cả Sedan, SUV, bán tải cỡ trung. Trong điều kiện ban ngày, có tổng 19/23 xe đạt mức xếp hạng ở mức cao và cao nhất. Khi chuyển sang điều kiện ban đêm, con số này đã chỉ còn 11 xe, giảm gần một nửa.

Tổ chức IIHS tăng cường thử nghiệm tính hiệu quả của công nghệ phanh AEB trong điều kiện trời tối. Ảnh: IIHS

Năm nay, IIHS đã đưa ra các bài thử nghiệm khó hơn ở tốc độ cao hơn lần lượt là 50, 60 và 70 km/h thay vì chỉ là 20 và 40 km/h như trước kia. Thử nghiệm cũng không chỉ diễn ra với người đi bộ mà còn cả xe máy và các phương tiện dừng đỗ bên đường.

Vì vậy, các chuyên gia an toàn cho rằng quy định mới cần đặt ra các mục tiêu an toàn nghiêm ngặt hơn khi có hiệu lực vào tháng 9/2029.

Hiện tại, NHTSA cũng đã yêu cầu các phương tiện được trang bị hệ thống AEB phải dừng và tránh va chạm với một xe khác ở tốc độ lên tới 100 km/h và có thể phát hiện được người đi bộ ở tốc độ tối đa 70 km/h.

Đồng thời, hệ thống AEB còn phải hoạt động hiệu quả trong "điều kiện thử nghiệm ban đêm". Cơ quan này đưa ra 3 yêu cầu để đạt tiêu chuẩn thử nghiệm là phát hiện được người đi bộ băng qua đường, người đi bộ dọc bên đường và ở vị trí đứng yên.

Chính phủ Mỹ kỳ vọng quy định mới về hệ thống an toàn sẽ giúp giảm thiểu tai nạn giao thông. Ảnh: Los Angeles Times

Ông Greg Brannon, giám đốc kỹ thuật ô tô của Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA) cho biết: “Bạn không thể bỏ qua thực tế là phần lớn các ca tử vong xảy ra vào ban đêm và hệ thống AEB hiện tại lại không hoạt động tốt vào ban đêm. Quy định mới nếu tập trung vào hiệu quả của công nghệ AEB trong điều kiện ban đêm, đó sẽ là một bước tiến lớn."

Báo cáo của NHTSA cũng ước tính quy định mới khi áp dụng vào năm 2029 có thể cứu sống 362 người và ngăn ngừa 24.321 người bị thương mỗi năm.

Theo Autonews, IIHS và Motorbiscuit

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Ngô Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cong-nghe-phanh-khan-cap-tu-dong-hien-tai-chua-giup-duoc-gi-nhieu-2273359.html