Công nghệ không thể thay thế cảm xúc!

Với sự phát triển của công nghệ, các ứng dụng số có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật chỉ trong thời gian ngắn; điều này khiến nhiều người băn khoăn: trí tuệ nhân tạo có 'lấn sân' nghệ thuật cũng như thách thức quan niệm về sáng tạo không?

Khi tác giả không phải con người

Công nghệ số không chỉ làm thay đổi thị hiếu, thói quen hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, mà còn đang tạo ra những thay đổi lớn trong sáng tạo. Với tốc độ phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) như hiện nay, các chương trình máy tính đã giúp ích, thậm chí "lấn sân" lĩnh vực nghệ thuật, cho phép tạo ra các tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh với chất lượng rất cao chỉ trong vài giây.

Bức tranh "Theấtre D'opéra Spatial" được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo

ThS. Nguyễn Lâm Tuấn Anh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng, với công nghệ AI, nhiều sản phẩm văn hóa không phải do tác giả là con người tạo ra, việc đăng ký tên tác giả không phải con người là điều chưa có tiền lệ. Chẳng hạn, Ai-Da là người máy nghệ sĩ siêu thực đầu tiên trên thế giới. Cô vẽ bằng cách sử dụng camera trong mắt, thuật toán AI và cánh tay robot của mình. Được tạo ra tháng 2.2019, cô đã có buổi biểu diễn cá nhân đầu tiên tại Đại học Oxford, Unsecured Futures, sau đó có các triển lãm tác phẩm trên toàn thế giới, gồm một triển lãm ảo tại Liên Hợp Quốc, Venice Biennale, Concilio Europeo Dell'Arte, London Design Biennale 2023...

Tháng 4 vừa qua, nhiếp ảnh gia Đức Boris Eldagsen giành chiến thắng tại hạng mục "Sáng tạo mở" của cuộc thi nhiếp ảnh thế giới do Sony tổ chức. Tác phẩm giành chiến thắng của Boris Eldagsen là bức ảnh đen trắng có nội dung 2 người phụ nữ thuộc 2 thế hệ khác nhau. Tuy nhiên, Boris Eldagsen đã từ chối nhận giải, lên tiếng thừa nhận bức ảnh thực chất được tạo ra bằng AI, và hy vọng hành động của mình sẽ thu hút sự chú ý của cộng đồng nhiếp ảnh thế giới thảo luận về những gì được coi là nhiếp ảnh. Tháng 2.2023, nhiếp ảnh thế giới cũng xôn xao trước thông tin Jos Avery, người nổi tiếng với gần 30.000 người theo dõi trên Instagram - thừa nhận 180 tác phẩm chân dung của mình đăng tải trên nền tảng này thực chất do AI tạo nên...

Không chỉ trong nhiếp ảnh, tháng 8.2022, bức tranh Theấtre D'opéra Spatial mô tả một buổi biểu diễn opera tráng lệ,do Midjourney, phần mềm vẽ ảnh dựa trên AI đã giành giải nhất hạng mục Nghệ thuật số tại triển lãm bang Colorado (Mỹ). Hiện nay, với sự trợ giúp của máy móc, người dùng chỉ cần nhập dòng mô tả đơn giản, những công cụ như Midjourney, Bing Image hay Adobe Firefly sẽ phân tích và tạo nên những tác phẩm nghệ thuật một cách dễ dàng...

Bên cạnh đó, AI cũng có thể viết kịch bản, sáng tác thơ, thậm chí tự viết một cuốn tiểu thuyết - địa hạt đầy thử thách với người viết và được xuất bản. Trong lĩnh vực âm nhạc, tại Hàn Quốc, Nhật Bản, đã có nghệ sĩ ảo; ở Việt Nam, một kỹ sư trẻ xây dựng mô hình AI giúp viết 10 bài hát/giây... những điều này thổi bùng tranh cãi liệu AI có thể thay thế con người trong sáng tạo nghệ thuật không?

Nghệ sĩ khẳng định giá trị của mình

Nói về xu hướng AI trong nhiếp ảnh, nhiều nghệ sĩ cho rằng, dù khó phân biệt, nhưng có thể coi tác phẩm được tạo ra từ công cụ nhân tạo dựa trên ngôn ngữ nhiếp ảnh là “hình” (image), không phải “ảnh” (photograph). Theo nghệsĩ Phạm Tuấn Ngọc, với tiến bộ của công nghệ hiện nay, chỉ cần có người ngồi nhà “gõ lệnh” đã tạo ra được hình ảnh và còn rẻ hơn chụp ảnh. Điều này khiến chúng ta đặt câu hỏi: khi hình ảnh có thể tạo ra bằng nhiều cách, trong đó có AI, thì nhiếp ảnh có còn chỗ đứng không?

"Khi nhiếp ảnh ra đời, nhiều người đã thắc mắc họa sĩ có còn tồn tại không, nhưng thực tế chứng minh, họa sĩ giỏi vẫn khẳng định được vị trí, hội họa đến nay còn có giá đắt hơn so với trước. Lịch sử giờ lặp lại, nhiếp ảnh bị đe dọa bởi công nghệ như nhiếp ảnh đe dọa hội họa nhiều năm trước. 10 năm nữa có thể sẽ có nhiều triển lãm nhiếp ảnh được ghi rõ ảnh do con người chụp, không phải ảnh do AI tạo ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, các nghệ sĩ nhiếp ảnh phải nhìn lại để khẳng định giá trị của mình” - nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc nói.

AI sẽ giúp ích nhiều trong hiện thực hóa các ý tưởng mà nghệ sĩ hình dung ra nhưng không thể chụp được trong đời thật, tuy nhiên, cần biết cách sử dụng để AI phục vụ sự sáng tạo của nghệ sĩ. Và khi công nghệ phát triển, sẽ ngày càng khó phân biệt đâu là ảnh thật do nhiếp ảnh gia chụp và đâu là ảnh được tạo ra bởi mô hình máy tính dựa trên hàng triệu bức ảnh đã có.

Trong lĩnh vực văn chương, một số nghiên cứu chứng minh rằng máy móc hoạt động trên những thuật toán dựa trên công thức, môtip được ưa chuộng trong các tác phẩm đại chúng. Nếu một tác phẩm nào đó như bài thơ, truyện ngắn, tản văn, bức tranh do AI sáng tạo ra thì cũng là do con người đặt hàng. Tuy nhiên, nếu nhà văn không có ý thức kiếm tìm điều mới mẻ thì rất có thể trong tương lai AI vượt trước.

Vậy chúng ta có còn cần nhà văn, họa sĩ nữa không khi mà đã có AI? Nhà văn Trần Thiên Hương lạc quan: có những tranh vẽ, trang viết do AI sáng tác, nhưng đọc và xem sẽ thấy vô hồn, thiếu cảm xúc. Có thể nói, không theo mẫu thức thuật toán, nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng là tiếng nói của tâm hồn, chỉ có thể thăng hoa nhờ cảm xúc và sáng tạo không ngừng nghỉ của văn nghệ sĩ trước những vấn đề của cuộc sống; bởi vậy, không máy móc hay công nghệ nào có thể thay thế con người!

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/cong-nghe-khong-the-thay-the-cam-xuc-i332418/