Công nghệ góp phần cho sự thành công của Đề án 1 triệu ha lúa ở ĐBSCL

Ngày 26/1, Trung tâm Khuyến nông quốc gia – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến thăm mô hình khảo nghiệm sử dụng sản phẩm sinh học Superior0 S.R.N và Superior 2 Flower trên cây lúa do Công ty TNHH TM&DV Dong Yang phối hợp với Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) triển khai.

Công ty TNHH TM&DV Dong Yang (Công ty Dong Yang) đang phối hợp với Viện lúa ĐBSCL thực hiện khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả và xây dựng quy trình sử dụng sản phẩm sinh học Superior0 S.R.N và Superior 2 Flower trên cây lúa. Bộ đôi sản phẩm sinh học Superior0 S.R.N và Superior 2 Flower giúp tăng cường sức khỏe đất, cây lúa phát triển bộ rễ, trổ đều, đồng loạt và tạo hạt chắc.

Theo Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học và Nông nghiệp công nghệ cao - Viện lúa ĐBSCL, mô hình thí nghiệm cho thấy khi giảm 30% phân bón vô cơ và kết hợp sử dụng sản phẩm sinh học của BioPlan đã giúp bộ rễ cây lúa phát triển như khi sử dụng 100% phân bón vô cơ. Còn tại cánh đồng khảo nghiệm, bón phân 100% phân bón vô cơ và kết hợp thêm sản phẩm sinh học BioPlan sẽ giúp bộ rễ phát triển rất mạnh, có sự khác biệt rất rõ ràng.

Mô hình khảo nghiệm sử dụng sản phẩm sinh học

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, đối với sản phẩm của Công ty Bio Plan (Hàn Quốc) đã được Bộ NN-PTNT cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp với Viện lúa ĐBSCL để tiếp tục khảo nghiệm xây dựng quy trình phù hợp hơn với thực tế sản xuất.

Theo ông Lê Quốc Thanh, từ kết quả của các thí nghiệm sẽ xây dựng các quy trình chuẩn xác hơn, cụ thể hơn giúp cho bà con áp dụng. Sau đó sẽ tiếp nhận kết quả nghiên cứu của Viện lúa ĐBSCL để xây dựng quy trình và từ đó phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành ĐBSCL xây dựng các mô hình để bà con nông dân tiếp cận được các giải pháp tiên tiến.

Đây cũng là một trong những giải pháp nâng cao năng suất chất lượng và góp phần cho sự thành công của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sắp tới. Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo hệ thống khuyến nông cộng đồng, các hợp tác xã kỹ thuật canh tác của BioPlan, bình quân mỗi năm đào tạo 1.000 lượt cán bộ khuyến nông cộng đồng và khoảng 500.000 lượt nông dân.

Các đại biểu thăm mô hình khảo nghiệm

“Chúng tôi rất quan tâm đối với các đối tác có những công nghệ tiên tiến đóng góp làm sao để giúp bà con nâng cao năng suất, chất lương nhưng giảm phát thải. Đồng thời chúng tôi cũng mời thêm đối tác mà người ta có những công nghệ để đánh giá kiểm soát chất lượng, giảm khí thải, công nghệ mà đã được quốc tế công nhận. Thì đây là những đối tác mà chúng tôi cho rằng hoàn toàn họ có thể mang những công nghệ đóng góp cho chúng ta thực thi, triển khai 1 triệu ha lúa thành công” - ông Lê Quốc Thanh nói.

Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long được triển khai tại 12 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu của đề án nhằm phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường và đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực cùng với cộng đồng quốc tế thực hiện các cam kết và xu hướng toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phạm Hải/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cong-nghe-gop-phan-cho-su-thanh-cong-cua-de-an-1-trieu-ha-lua-o-dbscl-post1074096.vov