Công nghệ 'gieo mưa nhân tạo' có gây ra thảm họa ngập lụt ở Dubai?

Mưa lớn gây ra ngập lụt khủng khiếp ở Dubai, nhưng khoan hãy đổ lỗi cho công nghệ gieo hạt đám mây.

Ôtô chạy trên đường phố ngập nước trong mưa bão ở Dubai. Ảnh: Reuters.

Dubai đang chìm trong biển nước. Trận mưa lớn nhất từng được ghi nhận kể từ năm 1949 đã gây ra lũ quét trên khắp Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), dẫn đến những cảnh tượng gây sốc lan truyền trên mạng xã hội.

Ôtô bị bỏ lại bên đường, máy bay lao qua đường băng ngập nước. Hàng trăm chuyến bay đã bị hủy ở sân bay quốc tế sầm uất của Dubai và ít nhất 18 người đã thiệt mạng ở nước láng giềng Oman.

UAE làm gì để sống sót mùa nắng nóng?

Các bản tin thời sự và bài đăng trên mạng xã hội đổ lỗi nguyên nhân gây ra hiện tượng này cho giải pháp làm mưa nhân tạo, giải nhiệt mùa hè. Phương pháp này đưa "chất gieo hạt" vào mây để thúc đẩy tiến trình ngưng tụ và tạo ra mưa.

Khi biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng khắc nghiệt, UAE đang đi đầu trong việc gieo mây để tạo ra mưa nhân tạo. Hiện, UAE đang thực hiện một chương trình dài hơi để gây thêm mưa từ những đám mây bay qua khu vực thường khô cằn bằng phương pháp gieo hạt.

Họ có một đội phi công phun các hóa chất vào những đám mây đi qua để thúc đẩy hình thành nhiều nước hơn.

Từ lâu, UAE đã triển khai một chương trình gieo mây đầy tham vọng, bằng cách rải hóa chất lên các các đám mây nhằm cố gắng tạo ra mưa. Ảnh: New York Times.

UAE sử dụng 2 chất gieo mây. Chất truyền thống là i-ốt bạc, trong khi chất khác được phát triển tại Đại học Khalifa ở Abu Dhabi, sử dụng công nghệ nano mà các nhà nghiên cứu cho là thích nghi tốt hơn với điều kiện khô nóng.

Các phi công sẽ rải vật liệu gieo mây vào nền đám mây - độ cao thấp nhất của đám mây so với mặt đất. Và sau đó, về lý thuyết, vật liệu gieo mây, được tạo thành từ các phân tử hút ẩm (hút nước), sẽ liên kết với hơi nước tạo thành đám mây.

Các hạt kết hợp đó sẽ tiếp tục hút thêm nhiều hơi nước khiến quá trình tạo mưa diễn ra nhanh hơn và giọt mưa thường lớn hơn. Khi hơi nước tích tụ càng nhiều, giọt nước nặng dần, chúng rơi xuống đất tạo thành mưa.

Thực hư thuyết âm mưu thiên nhiên đang “trả thù” nhân loại

Tuy nhiên, hệ quả của phương pháp này là lũ quét, mưa lớn đổ bộ. Nhiều thuyết âm mưu cho rằng đây là “sự trả thù” từ thiên nhiên khi con người áp dụng những phương pháp phi tự nhiên nhằm đạt mục đích của mình. Ngay cả tờ Bloomberg cũng đưa tin, nói rằng việc gieo hạt trên đám mây đã khiến hiện tượng lũ lụt trở nên nghiêm trọng hơn.

Bằng chứng là mùa hè năm 2019, khi hoạt động gieo mây tạo ra trận mưa lớn ở Dubai, đến mức phải bơm nước ra khỏi các khu dân cư bị ngập lụt và trung tâm mua sắm cao cấp.

Tuy nhiên, sự thật không hề đơn giản như vậy. Theo Wired, hàng năm UAE thực hiện hơn 300 lần tạo mưa nhân tạo thông qua phương pháp gieo hạt trên đám mây. Vì thế, rất khó để nói rằng nó là nguyên nhân gây ra các trận lũ lụt.

Trước hết, ngay cả những người ủng hộ công nghệ gieo hạt trên đám mây cũng nói rằng nó có thể làm tăng lượng mưa tối đa 25% mỗi năm. Nói cách khác, dù thế nào, trời cũng sẽ mưa. Nếu việc gieo hạt trên đám mây có tác động, nó sẽ chỉ làm tăng nhẹ lượng mưa đổ xuống.

Một chiếc xe chạy qua vùng nước lũ sâu ở Dubai. Ảnh: AP.

Các chuyên gia vẫn chưa đánh giá cao tính hiệu quả của việc gieo hạt trên mây ở những vùng có khí hậu nắng nóng. Ngay cả khi nó có hiệu quả, việc gieo hạt trên đám mây không thể làm mưa xuất hiện từ thinh không. Phương pháp chỉ có thể tăng lượng mưa đã có sẵn trên bầu trời.

Bên cạnh đó, hoạt động gây mưa nhân tạo thường ở phía đông UAE, cách xa các khu vực đông dân cư hơn như Dubai. Điều này phần lớn là do những hạn chế về giao thông hàng không, nhưng đồng thời cũng cho thấy khó có chất tạo mưa còn hoạt động vào thời điểm các cơn bão tiến đến Dubai.

Đâu là nguyên nhân thực sự của trận lụt lịch sử?

Theo Wired, hầu hết nhà khoa học đều nói rằng phương pháp gieo hạt trên đám mây có tác động rất nhỏ, cục bộ và khó có thể gây ra lũ lụt ở các khu vực khác.

Nhưng bằng chứng tốt nhất cho thấy việc tạo mây không liên quan đến lũ lụt là mưa lớn xuất hiện khắp khu vực. Oman, dù không thực hiện bất kỳ hoạt động tạo mưa nào, còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn, thậm chí là có thương vong.

Sân bay Dubai ngập nước, máy bay "đạp nước, rẽ sóng" để cất cánh. Ảnh: India Today.

Việc chỉ trích một công nghệ tạo mưa sẽ trở nên vô lý khi nguyên nhân thực sự của lũ lụt vốn rất bình thường. Dubai không được trang bị đầy đủ cơ sở hạ tầng để đối phó với lượng mưa lớn đột ngột.

Thành phố này đã phát triển nhanh chóng trong vài thập kỷ qua. Nhưng trước đây, họ ít chú ý đến cơ sở hạ tầng như cống thoát nước mưa có thể giúp thành phố đối phó với dòng nước mưa đột ngột tràn vào.

Khu vực này chủ yếu là vật liệu bê tông và kính, có rất ít không gian xanh để hấp thụ lượng mưa. Kết quả là người dân lại rơi vào cảnh hỗn loạn mỗi khi trời mưa như ngày 17/4.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu cũng có thể là một nhân tố quan trọng trong hiện tượng này. Khi Trái Đất nóng lên, điều kiện thời tiết phức tạp của khu vực đang thay đổi theo hướng tiêu cực, có thể gây ra nhiều cơn bão dữ dội hơn.

Theo New York Times, những đợt mưa lớn bất thường bỗng trở nên thường xuyên hơn là vì biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Khi bầu không khí tiếp tục ấm lên, nó có thể hấp thụ nhiều hơi ẩm như một chiếc khăn, sau đó tỏa ra dưới dạng những cơn mưa lũ cực đoan hơn. Nhìn chung, trận mưa lịch sử xen kẽ với hạn hán khốc liệt đã trở nên phổ biến trên toàn cầu.

Các nhà quy hoạch trên khắp thế giới đang cố gắng làm cho thành phố của họ dễ hấp thu lượng nước mưa hơn để giúp đối phó với lũ quét, tiết kiệm nước vào những thời điểm khô hạn hơn trong năm.

Mưa lụt bất thường tấn công thành phố sa mạc Mưa lớn đổ bộ Oman và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã làm tê liệt nhiều tuyến đường, sân bay Dubai cũng như khiến nhiều người và xe mắc kẹt trong ngập lụt.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/giai-oan-cong-nghe-tao-mua-gay-lut-bat-thuong-tai-thanh-pho-sa-mac-post1470848.html