Công khai nợ thuế tạo môi trường kinh doanh bình đẳng

(HQ Online)- Hà Nội là một trong những địa bàn đi đầu trong công tác quản lý nợ bằng biện pháp công khai danh sách DN nợ thuế. Đây là một trong những giải pháp góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN hàng năm trên địa bàn. Phóng viên Báo Hải quan đã trao đổi với ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Việc công khai DN nợ thuế đã phát huy tác dụng trên địa bàn TP. Hà Nội khi thu hồi số nợ lớn về NSNN. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Cục Thuế TP. Hà Nội xác định tình hình nợ thuế trên địa bàn Thành phố là một thách thức phải vượt qua của cả cơ quan Thuế và DN.

Để đảm bảo tính công bằng trong cộng đồng người nộp thuế, trong năm 2016, Cục Thuế TP. Hà Nội tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như công khai trên trang web của Cục Thuế danh sách các đơn vị nợ thuế. Kết quả trong 8 tháng năm 2016, tổng số tiền thuế nợ Cục Thuế TP. Hà Nội đã thu được là 8.481 tỷ đồng. Trong đó, kết quả sau công khai 8 đợt, đã có 500/1.084 DN nộp số tiền thuế nợ là 349,38 tỷ đồng vào NSNN.

Thực tế cho thấy việc công khai danh sách DN nợ thuế là giải pháp đúng và hiệu quả. Sau khi công bố, đã có không ít DN nợ thuế chủ động nộp ngay số thuế còn nợ vào NSNN hoặc có công văn, liên hệ trực tiếp với cơ quan Thuế cam kết tiến độ nộp nợ tiền sử dụng đất, nợ thuế. Như vậy, việc công khai danh sách DN nợ thuế có tác động tích cực đến các DN nợ thuế nói riêng và đến cộng đồng người nộp thuế nói chung.

Công khai thông tin nợ thuế không chỉ tạo điều kiện cho ngân sách thu được tiền nợ thuế mà còn minh bạch hóa môi trường kinh doanh; bảo vệ quyền lợi chính đáng của tổ chức, cá nhân khác. Mong rằng các chủ dự án, DN sớm thu xếp được nguồn tài chính để nộp các khoản tiền thuế nợ vào NSNN trước khi cơ quan Thuế áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn.

Mặc dù đã thực hiện việc công khai danh sách DN nợ thuế như vậy nhưng số nợ thuế của Hà Nội vẫn còn khá cao. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- TP. Hà Nội là địa phương có số đối tượng quản lý thuế lớn nhất trong cả nước và là một trong hai địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước. Do vậy số nợ nếu tính về số tuyệt đối thì Cục Thuế Hà Nội có số nợ lớn so với các địa phương khác, nhưng về số tương đối thì số nợ của Cục thuế TP. Hà Nội nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ thấp về số nợ trên tổng thu NSNN.

Về công tác quản lý nợ, trong năm 2016 Cục Thuế TP. Hà Nội xác định là một trong những thách thức trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Cục Thuế TP. Hà Nội đã chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp ngay từ đầu năm 2016 cũng như sự chỉ đạo sát sao của UBND TP. Hà Nội, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và sự vào cuộc của các cấp các ngành, chính quyền địa phương trong công tác nợ. Do vậy đã đạt được kết quả nêu trên và số nợ có chiều hướng giảm dần qua các tháng. Cụ thể, đến 31-5 giảm 0,4%; đến 30-6 giảm 8,7%; đến 31-7 giảm 8,2%; đến 31-8 giảm 9,1%. Trong 8 tháng đầu năm 2016, tổng số tiền nợ thuế đã thu được của toàn ngành Thuế Hà Nội là 9.368 tỷ đồng.

Thưa ông, sau khi triển khai các giải pháp thu hồi nợ thuế, nếu DN vẫn cố tình trây ỳ, sẽ áp dụng các biện pháp gì?

- Trong trường hợp đó, cơ quan Thuế sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế quyết liệt hơn như: Trích tiền từ tài khoản của người nộp thuế tại Kho bạc, tổ chức tín dụng, yêu cầu các đơn vị này thực hiện phong tỏa tài khoản; thông báo hợp đồng không còn giá trị sử dụng; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu tiền thuế nợ; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập, giấy phép hành nghề…

Với những DN nợ thuế do điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn, Cục Thuế TP. Hà Nội có phương án như thế nào để phân loại và có biện pháp hỗ trợ những DN này?

- Cục thuế TP. Hà Nội đã xác định DN nợ trọng điểm (chiếm trên 80% trong tổng số nợ), xác định đúng đối tượng trây ỳ, nợ dây dưa kéo dài; phân tích nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng để có giải pháp đôn đốc thu phù hợp trong khi nguồn nhân lực cơ quan Thuế còn thiếu nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả thu nợ.

Đối với DN đang gặp khó khăn, bên cạnh việc hướng dẫn các trường hợp được xóa nợ thuế theo quy định, Cục thuế TP. Hà Nội cũng đưa ra nhiều kiến nghị về chính sách giãn, không tính tiền chậm nộp.

Ngoài ra, kiến nghị xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với những trường hợp không có khả năng thu hồi đối với các trường hợp đã bỏ kinh doanh, giải thể, phá sản không theo trình tự của pháp luật; kiến nghị có cơ chế xem xét xóa nợ để giảm gánh nặng cho cơ quan Thuế trong việc theo dõi số tiền thuế nợ và số lượng người nợ thuế vì thực sự các khoản này không có khả năng thu hồi.

Ngoài ra, Cục Thuế TP. Hà Nội kiến nghị có cơ chế xóa tiền chậm nộp của các DN gặp khó khăn khách quan và đã nộp hết khoản nợ thuế gốc trước ngày 31-12-2016. Việc xóa nợ tiền chậm nộp đối với các DN khó khăn khách quan nhưng đã nỗ lực nộp đủ tiền nợ gốc là cần thiết.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cong-khai-no-thue-tao-moi-truong-kinh-doanh-binh-dang.aspx