Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân: Góp phần nâng cao vị thế, uy tín của tỉnh

Để thích ứng, phát triển ổn định trong cơ chế thị trường, hội nhập sâu rộng với quốc tế, các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực vươn lên.

Nhiều doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã tham gia các tổ chức hội, hiệp hội để tìm kiếm sự hỗ trợ, liên kết.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng.

Việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Môi trường sản xuất - kinh doanh được cải thiện, ngày càng bình đẳng, thuận lợi, tạo đà cho các thành phần doanh nghiệp phát triển.

Đặc biệt, vai trò của doanh nhân và tổ chức đại diện cho đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên được củng cố, phát huy. Toàn tỉnh hiện có hơn 9.500 doanh nghiệp, thuộc nhiều loại hình sở hữu khác nhau, như: Doanh nghiệp Nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn…

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho quê hương, đất nước. Một số doanh nghiệp đã phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của tỉnh, giúp Thái Nguyên trở thành điểm đến hấp dẫn trong thu hút đầu tư, trung tâm về phát triển công nghiệp, xuất khẩu.

Tuy nhiên, sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh vẫn cần có sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Trong đó, một phần doanh nghiệp của tỉnh có quy mô sản xuất còn nhỏ; sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị chưa cao. Số doanh nghiệp có quy mô lớn, năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng đã hình thành nhưng còn ít và tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, công nghệ số còn hạn chế.

Cá biệt còn có doanh nhân, doanh nghiệp có ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội chưa cao, thậm chí vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân.

Cùng với đó là một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp của Đảng, Nhà nước còn chậm được triển khai trên địa bàn tỉnh và hiệu quả chưa cao; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đã được chú trọng và đạt nhiều kết quả, nhưng chưa đủ mạnh để đưa tỉnh vươn lên dẫn đầu cả nước về các chỉ số liên quan đến cạnh tranh, thu hút đầu tư. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các doanh nhân đã được triển khai nhưng mức độ, quy mô còn chưa tương xứng với nhu cầu của hơn 9.500 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh...

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu do nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa đầy đủ, sâu sắc; công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ có lúc, có nơi còn hình thức; công tác quản lý Nhà nước, sự phối hợp giữa các cơ quan của tỉnh trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Để các doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh gánh vác được trọng trách, đáp ứng sự kỳ vọng, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, thế giới, giữ vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt, nhiều chuyên gia cho rằng tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách mới.

Trong đó, việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cần được khẳng định và làm rõ hơn nữa. Kế tiếp là việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh phát triển và cống hiến. Qua đó tạo điều kiện để phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong thời kỳ mới.

Công tác xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện nên tiếp tục được tuyên truyền rộng rãi, sâu sắc hơn nữa. Việc tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh với công nhân, nông dân, trí thức, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp trong tỉnh cần tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả. Vai trò của các tổ chức đại diện cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp (như: Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Nữ doanh nhân, Hội Doanh nghiệp trẻ của tỉnh và Hội Doanh nghiệp ở các huyện, thành phố) cần được phát huy mạnh mẽ, hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn nữa...

Khi thực hiện tốt các nội dung nêu trên sẽ phát huy được những thành tựu đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh đã gặt hái được trong suốt chặng đường phát triển vừa qua. Ý nghĩa hơn nữa là các giải pháp trên sẽ góp phần tạo đà, hỗ trợ, định hướng để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh có thêm động lực quan trọng phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực trong thời kỳ mới.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/202310/cong-dong-doanh-nghiep-gop-phan-nang-cao-vi-the-uy-tin-cua-tinh-5c71bb7/