Cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ tâm tư nguyện vọng gửi tới Chính phủ

Tại cuộc gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ và đại diện giới doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, các doanh nhân đã chia sẻ nhiều kỳ vọng và kiến nghị.

Chính phủ đã thương yêu doanh nghiệp thì thương yêu nhiều hơn

Đây chính là chia sẻ của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQTTập đoàn FPT khi được biết các cơ quan Nhà nước đã ký 16 hiệp ước tự do thương mại thế hệ mới và sắp ký 3 hiệp ước nữa.

Đó là cơ hội cho doanh nghiệp làm ăn với các nước, có môi trường tự do sáng tạo phát huy năng lực của mình. Đây là lời cảm ơn chân thành của cộng đồng doanh nghiệp và hàng triệu lao động tới các cấp lãnh đạo.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chủ tịch FPT đề nghị: "Chính phủ đã thương yêu doanh nghiệp thì thương yêu nhiều hơn, đã quan tâm thì quan tâm nhiều hơn, đã tháo gỡ khó khăn tháo khó khăn hơn nữa, đã hạ thuế, phí thì hạ sâu hơn, hạ dài hơn nữa. Có tình cảm đó thì doanh nghiệp Việt Nam như đàn chim Việt sẽ dang cánh bay trên bầu trời đưa Việt Nam vào vị thế quốc gia hùng cường và hạnh phúc".

Còn Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cho biết: Mô hình kinh doanh của Petrovietnam đã được dịch chuyển bền vững hơn, cơ cấu doanh thu, lợi nhuận giữa các lĩnh vực ổn định, tăng trưởng.

So với giai đoạn 2016 - 2020 trung bình tổng doanh thu của Petrovietnam từ năm 2021 đến tháng 6/2023 đạt 2.117 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng trên 30%, nộp ngân sách nhà nước đạt 349.120 tỷ đồng, tăng 40%; lợi nhuận đạt 152.600 tỷ đồng, tăng 60%; tiết giảm chi phí đạt 13.792 tỷ đồng; thu nhập người lao động tăng 18,2%.

"Thời gian tới, với mục tiêu trở thành Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia, trước những khó khăn của xu hướng dịch chuyển năng lượng; địa chính trị phức tạp, biến động của thị trường, Petrovietnam mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương" - ông Lê Mạnh Hùng chia sẻ.

Được thành lập từ năm 1996, xuyên suốt 27 năm qua, Tập đoàn Masan luôn theo đuổi sứ mệnh "phụng sự người tiêu dùng" bằng việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ vượt trội do chính người Việt Nam làm ra.

Masan tự hào là các công ty thành viên và liên kết của Tập đoàn là những công ty dẫn đầu các lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, thịt có thương hiệu, bán lẻ, chuỗi F&B, dịch vụ tài chính, viễn thông và sản xuất vật liệu công nghiệp có giá trị gia tăng. Đây là những lĩnh vực đang tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Công ty xác định rõ mục tiêu của đổi mới sáng tạo là phải đi thẳng vào, góp phần giải quyết các vấn đề đang nổi lên như biến đổi khí hậu (trong bối cảnh thiên tai đang diễn ra cực đoan, phức tạp, gay gắt, không theo quy luật); phát triển xanh, năng lượng sạch; chuyển đổi số…

Do đó, Masan không ngừng đầu tư nghiên cứu và cải tiến quy trình sản xuất, kiến tạo những giải pháp đột phá, phát triển các sản phẩm xanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tính đến năm 2023, công ty đã có gần 100 bằng sáng chế mới trên toàn thế giới và 50 bằng sáng chế khác đang trong giai đoạn ứng dụng.

Ông Nguyễn Thiều Nam, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan, khẳng định: "Mỗi năm, chúng tôi đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ cộng đồng, tạo hàng chục ngàn công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn toàn quốc. Chúng tôi cũng luôn hiểu rõ tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, hòa mình vào xu thế phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn trên toàn thế giới".

Hiện nay, 45% sản phẩm của Masan High-Tech Materials được bán ở châu Âu, 22% được bán ở khu vực Bắc Mỹ, 18% được bán ở Trung Quốc và sản xuất tại Trung Quốc cho thị trường Trung Quốc; 15% được bán ở các nước còn lại trên thế giới. Masan High-Tech Materials có mạng lưới khách hàng rộng khắp, với hơn 300 khách hàng ở 30 quốc gia khác nhau.

30 năm đổi mới, lực lượng doanh nhân đã trưởng thành

Còn ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Công ty Secoin cho biết, Công ty Secoin là doanh nghiệp được thành lập cách đây 35 năm, là nhà sản xuất gạch ngói không nung hàng đầu Việt Nam. Nhưng 3 năm trở lại đây, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều bất lợi do khó khăn kinh tế chung của thế giới.

Để vượt qua bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp phải cơ cấu lại qui mô sản xuất và tập trung quản trị nội bộ theo hướng phát triển bền vững, tập trung cho việc phát triển sản phẩm mới theo hướng kinh tế tuần hoàn.

Ông Đinh Hồng Kỳ cho biết thêm: "Những chuẩn mực kinh doanh toàn cầu đang thay đổi khiến những doanh nghiệp như chúng tôi hoặc phải bước lên tầm mới hoặc phải tự loại mình ra khỏi sân chơi. Do vậy, chúng tôi đang tích cực xây dựng chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế để xây dựng công trình xanh, trung hòa carbon, sử dụng vật liệu bền vững có khả năng tái tạo phù hợp kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp chúng tôi luôn đồng hành cùng các cấp quản lý để tham gia những chương trình hoạt động của Chính phủ kết hợp với doanh nghiệp về phát triển kinh tế xanh".

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: "Các doanh nghiệp hàng đầu sẽ quyết định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, đánh giá sau 30 năm đổi mới, lực lượng doanh nhân đã trưởng thành nhiều, có nhiều kinh nghiệm, nhiều doanh nhân tài ba. Doanh nhân hiện nay có ý thức xã hội nhiều hơn, có lòng yêu nước và mong muốn đóng góp ngày càng nhiều hơn cho đất nước.

Ông Đoàn nhắc lại, năm 2007, 4 công ty lớn trong lĩnh vực bán lẻ Việt Nam Saigon Coop, Tổng công ty thương mại Saigon Plaza, Tổng công ty thương mại Hà Nội và Phú Thái đã liên kết thành liên minh phân phối Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động đó không nhận được sự thuận lợi trong phát triển mở rộng địa bàn. Nếu liên minh đó phát triển thì thành tập đoàn bán lẻ rất lớn, nắm vững thị trường nội địa.

Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nhấn mạnh, trước đây mô hình kinh tế tư nhân lớn có thể chưa chín muồi, nhưng bây giờ khi cơ hội đến Việt Nam rất lớn, những hợp tác song phương rất lớn, những hiệp định thương mại tự do, các đối tác chiến lược đa dạng hơn, là thời điểm chín muồi để Chính phủ có thể cân nhắc để xây dựng các tập đoàn nhà nước và tư nhân.

Họ có trách nhiệm thực hiện, hoàn thành được chiến lược quốc gia. Đồng thời chịu sự giám sát của Nhà nước, để đảm bảo phát triển một cách công bằng. Các doanh nghiệp hàng đầu sẽ quyết định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Một cộng đồng lớn mạnh, bền vững với khả năng cạnh tranh toàn cầu, và các doanh nhân Việt Nam có khát vọng có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt chính là tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường, thịnh vượng" - ông Phạm Đình Đoàn chia sẻ.

Ngọc Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-dong-doanh-nghiep-chia-se-tam-tu-nguyen-vong-gui-toi-chinh-phu-278040.html