Công đoàn ngành Công Thương Thái Nguyên: Nâng cao vai trò công đoàn ngành địa phương

Với vai trò của mình, Công đoàn ngành Công Thương Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, mang lại quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Công đoàn ngành Công Thương Thái Nguyên đang quản lý 30 công đoàn cơ sở, với tổng số trên 18.000 công nhân viên chức lao động, trong đó có hơn 15.000 đoàn viên công đoàn; thu nhập bình quân của người lao động đạt 9,2 triệu đồng/người/tháng.

Thời gian qua, công đoàn ngành luôn xác định đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Công đoàn ngành Công Thương Thái Nguyên phối hợp tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XVI Công đoàn tỉnh Thái Nguyên, Nghị quyết Đại hội III Công đoàn Công Thương Việt Nam; Công đoàn ngành Công Thương Thái Nguyên xác định mục tiêu “Vì việc làm, đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, đổi mới hoạt động của công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra”.

Vì vậy, Công đoàn ngành Công Thương Thái Nguyên luôn lựa chọn và bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn tại các công đoàn cơ sở luôn là những cán bộ nắm chắc nghiệp vụ, nhiệt tình, tận tụy, sáng tạo trong mọi hoạt động; thường xuyên phối hợp với công đoàn cơ sở gặp gỡ, trao đổi thống nhất với người sử dụng lao động để chủ doanh nghiệp hiểu, ủng hộ các hoạt động của công đoàn cơ sở.

Đến thời điểm hiện tại, quan hệ giữa Công đoàn ngành Công Thương Thái Nguyên, các công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp khá chặt chẽ, thân thiết, do công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động giúp cho năng suất và hiệu quả của doanh nghiệp được nâng cao, doanh nghiệp giải đáp nhiều thắc mắc, khiếu nại của người lao động. Ngược lại, người sử dụng lao động cũng tạo điều kiện cho công đoàn cơ sở và người lao động trong mọi hoạt động công đoàn, quan tâm chăm lo hơn đến quyền lợi của người lao động.

Một nội dung luôn được công đoàn coi là nhiệm vụ hàng đầu đó là công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động

Một nội dung luôn được công đoàn ngành và các công đoàn cơ sở quan tâm, coi là nhiệm vụ hàng đầu đó là công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Hàng năm, 100% đơn vị, doanh nghiệp trong ngành đều tổ chức đối thoại, trên 90% đơn vị tổ chức hội nghị người lao động, 100% đơn vị đủ điều kiện đã ký thỏa ước lao động tập thể, trong đó trên 90% thỏa ước lao động tập thể xếp loại A.

Khi có những vấn đề nảy sinh, công đoàn phối hợp với chính quyền giải quyết kịp thời, thỏa đáng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động; quan tâm, động viên, thăm hỏi kịp thời đoàn viên, công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo…

Theo bà Hà Thị Thu Huyền - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Thái Nguyên: Riêng bản thỏa ước lao động tập thể nhóm ngành may sẽ giúp người lao động được hưởng nhiều phúc lợi như chế độ ăn ca, chuyên cần, hỗ trợ xăng xe, tham quan nghỉ mát, trợ cấp khó khăn, hiếu hỉ, hỗ trợ nhà trẻ, mẫu giáo... Thông qua đó hạn chế được tình trạng người lao động chuyển qua lại giữa các công ty, do mỗi doanh nghiệp có điều kiện làm việc, chế độ phúc lợi khác nhau.

Cùng với đó, công đoàn còn đổi mới nội dung phương thức hoạt động, thể hiện trong việc tổ chức, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động, nổi bật như phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo với năng suất chất lượng hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”; “Học tập nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu sự nghiệp Công nghiệp hóa – hiện đại hóa”; và các phong trào thi đua chuyên đề: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”; gắn với thi đua chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của địa phương. Sau mỗi đợt thi đua có sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng đoàn viên, công nhân viên chức lao động có thành tích xuất sắc, đồng thời nhân rộng điển hình tiên tiến.

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Công đoàn ngành Công Thương Thái Nguyên cũng chia sẻ những khó khăn, hạn chế trong hoạt động, đó là: Đa số doanh nghiệp trong tỉnh đều có quy mô nhỏ, số lượng lao động không lớn và thiếu ổn định; nhận thức của chủ doanh nghiệp và người lao động về tổ chức công đoàn chưa đầy đủ, một bộ phận người sử dụng lao động chưa nhiệt tình tham gia các hoạt động công đoàn…

Để hoạt động công đoàn thời gian tới đạt kết quả cao, Công đoàn ngành Công Thương Thái Nguyên đã đưa ra một số giải pháp, đó là: Tích cực, chủ động tham gia ý kiến xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động; chủ động tham gia xây dựng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến công nhân lao động như chính sách về nhà ở; chính sách bảo đảm việc làm, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo và các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động; quy định pháp luật về thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp, bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường; chính sách đối với lao động nữ, đào tạo, đào tạo lại nghề cho công nhân lao động; chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với công nhân có sáng kiến, có tay nghề cao.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị người lao động; hướng dẫn, giúp đỡ công nhân lao động ký hợp đồng lao động…

Ngoài ra, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với điều kiện sống và làm việc của công nhân lao động; kịp thời nắm vững tâm tư, nguyện vọng của người lao động để chủ động đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động, cơ quan chức năng nhằm hạn chế cũng như giải quyết kịp thời tranh chấp lao động, đình công tự phát; bảo đảm hài hòa lợi ích của công nhân lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước.

Những nơi có đông công nhân lao động cần chủ động đề xuất với chính quyền xây dựng nhà văn hóa công nhân và các công trình công cộng phục vụ công nhân lao động; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động tại doanh nghiệp…

Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân lao động, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”...; có nội dung và hình thức tổ chức thi đua, khen thưởng phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp.

Công đoàn tiếp tục tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân lao động, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”

Tập trung đẩy mạnh hoạt động nhằm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, động viên công nhân lao động ở các doanh nghiệp gia nhập tổ công đoàn, gắn với việc củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở đã có; bảo đảm thực chất về chất lượng những công đoàn cơ sở đạt tiêu chuẩn “Công đoàn cơ sở vững mạnh”, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.

Nhằm góp phần khích lệ, tạo động lực để đoàn viên, người lao động toàn tỉnh nỗ lực thi đua thực hiện thành công nghị quyết đại hội công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023 – 2028, dự kiến vào ngày 28/4 sẽ diễn ra Lễ Phát động Tháng Công nhân 2024 và Chương trình “Cám ơn người lao động” tôn vinh, khen thưởng công nhân viên chức lao động tiêu biểu của Công đoàn ngành Công Thương Thái Nguyên.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-doan-nganh-cong-thuong-thai-nguyen-nang-cao-vai-tro-cong-doan-nganh-dia-phuong-315422.html