Công chức, viên chức đã đủ sống khi lương tăng?

Mức lương cơ sở cho công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đã tăng thêm 20,8% từ ngày 1-7. Tuy nhiên, liệu mức lương này đã bảo đảm để họ đủ sống hay chưa? Liệu có xảy ra tình trạng lương tăng không theo kịp mức tăng của giá cả hàng hóa trong lần tăng lương này?

Niềm vui tăng lương

Theo đánh giá của giới chuyên gia, qua 12 lần điều chỉnh thì đây là lần điều chỉnh tăng lương lớn nhất trong lịch sử. Mức tăng lên tới 310.000 đồng (tăng 20,8%), trong khi những năm trước, mức tăng chỉ dao động từ 60.000 đến 200.000 đồng.

Khi lấy mức lương cơ sở nhân với hệ số thì rõ ràng, đội ngũ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang được tăng một khoản tiền lương tương đối, khoảng hơn 400.000 đồng đến hơn 3.000.000 đồng mỗi tháng.

Như vậy, trong bối cảnh tình trạng công chức, viên chức nhiều bộ, ngành, địa phương xin nghỉ việc thời gian gần đây liên quan đến vấn đề thu nhập thì việc điều chỉnh lương cơ sở lần này là sự động viên đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước và cũng là nỗ lực rất lớn của Chính phủ.

Tuy vậy, nhiều ý kiến vẫn mong muốn được thực sự cải cách tiền lương theo vị trí, việc làm để người lao động vượt qua khó khăn, yên tâm trụ lại với công việc, đặc biệt là sống được bằng lương.

Đợt tăng lương lần này được đánh giá là một sự khích lệ, động viên kịp thời đối với đội ngũ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Ảnh minh họa: Bảo Nam/qdnd.vn

Cô giáo Nguyễn Ngọc Thủy là giáo viên của một trường Tiểu học ở quận Ba Đình, TP Hà Nội từ năm 2011. Hiện tại, chị Nguyễn Ngọc Thủy hưởng hệ số lương 3,0. Theo mức lương cơ sở mới nhất là 1,8 triệu đồng/tháng, chị Nguyễn Ngọc Thủy nhận mức lương gần 7 triệu đồng/tháng (đã tính tổng các nguồn phụ cấp khác), tăng hơn mức lương trước khi tăng trước đó khoảng 1 triệu đồng/tháng.

Với gia đình có con nhỏ và chồng cũng là công chức của phường Hạ Đình (Quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) thì tổng mức tăng của cả hai vợ chồng cũng thêm được một khoản để trang trải cuộc sống.

“Việc tăng lương lần này cho thấy chính sách rất đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước trong bối cảnh kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Điều này tạo ra sự phấn khởi lớn đối với cán bộ, công chức, giáo viên chúng tôi vì mức lương hiện khá thấp so với tốc độ lạm phát, cũng như mức độ sống, đặc biệt ở khu vực đô thị lớn. Vợ chồng tôi và nhiều cán bộ, công chức, đồng nghiệp khác sẽ có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với công việc", cô giáo Nguyễn Ngọc Thủy tâm sự.

Là Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Sơn Dương (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) 10 năm nay, khi nhận được thông tin tăng lương cơ sở, anh Khuất Trần Trung vui mừng nói: “Việc tăng lương cơ sở đối với công chức, cán bộ cấp xã là một tin vui lớn, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đến thu nhập, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Điều này phần nào sẽ giúp cho chúng tôi có thêm kinh phí để trang trải cuộc sống và trách nhiệm hơn nữa trong công việc”.

Anh Khuất Trần Trung (thứ 4 từ trái qua) hướng dẫn người dân cài đặt VneID.

Từ ngày 1-7 vừa qua, Thượng úy Nguyễn Đức Toàn (Bộ CHQS tỉnh Hải Dương) cũnghưởng mức lương cơ sở theo hệ số 5,0 tương đương 9 triệu đồng theo quân hàm Thượng úy. Trước đó, mức lương cơ sở của Thượng úy Nguyễn Đức Toàn là 7,45 triệu đồng.

Mức tăng không nhiều nhưng Thượng úy Nguyễn Đức Toàn cho rằng: Việc tăng lương cơ sở thực sự vơi đi phần nào gánh nặng trên đôi vai của anh em trong trong đơn vị nói riêng và toàn quân nói chung. "Tăng lương ít nhiều đều vui. Đây là sự khích lệ với bộ đội nói riêng và người lao động trong khu vực nhà nước nói chung để tích cực hơn nữa trong công việc", Thượng úy Nguyễn Đức Toàn bày tỏ.

Công tác tại Sư đoàn 395 (Quân khu 3), với hệ số lương là 4,6, trước đây Trung úy Nguyễn Thanh Hải nhận được mức lương khoảng 6,8 triệu đồng. Với mức lương mới, Trung úy Nguyễn Thanh Hải sẽ nhận được gần 8,3 triệu đồng - tăng khoảng 1,5 triệu đồng.

"Việc tăng lương là một sự động viên lớn khiến tôi và anh em trong đơn vị rất vui mừng. Với mức lương cơ sở tăng, nhân với hệ số, thâm niên, chúng tôi có thêm một khoản nho nhỏ từ đồng lương chính đáng của mình để trang trải cuộc sống gia đình", Trung úy Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.

Tiểu đội chỉ huy thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 3 (Lữ đoàn 214, Quân khu 3) tham gia luyện tập phương án đánh địch đột nhập đường không. Ảnh: Nguyễn Trường/qdnd.vn

Công chức phải làm thêm nhiều việc để kiếm thêm thu nhập

Dù tạo phấn khởi và thêm động lực cho cán bộ, công chức làm việc, song cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc tăng lương cơ sở thêm 20,8% mới đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu đời sống của người lao động trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhất là ở cấp cơ sở.

Đại úy Hà Mạnh Dũng là công an TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên 10 năm nay; vợ anh là công chức hộ tịch - tư pháp của địa phương, mức lương chỉ quanh quẩn 4-5 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập hằng tháng của hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn 14,5 - 16 triệu đồng/tháng, đã bao gồm các khoản phụ cấp.

"Với thu nhập như vậy, cuộc sống gia đình 4 người phải thực sự tiết kiệm, dè sẻn thì mới có thể bảo đảm được chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày, chưa nói đến việc dành dụm, tiết kiệm. Đã nhiều lần, vợ tôi muốn xin nghỉ việc vì đồng lương quá thấp, công việc cũng tương đối nhiều nhưng vì vẫn yêu nghề nên vẫn kiên trì với công việc này cho đến tận bây giờ", anh Hà Mạnh Dũng nói.

Vui mừng vì được tăng lương từ tháng 7 này, vợ chồng anh Hà Mạnh Dũng có thêm vài ba triệu đồng để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, anh Hà Mạnh Dũng cũng mong muốn, cải cách chính sách tiền lương sẽ sớm được thực hiện để vợ chồng công chức như anh và những người lao động khác có thể sống đủ từ chính đồng lương do mình làm ra, cũng là công sức, là tâm huyết của mình.

Cô giáo Vũ Thị Hương mở thêm lớp dạy tiền tiểu học trong thời gian nghỉ hè để kiếm thêm thu nhập.

20 năm gắn bó với giáo dục mầm non tại địa phương, chứng kiến rất nhiều đồng nghiệp bỏ nghề, cô giáo Vũ Thị Hương (Trường Mầm non Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) chia sẻ: “So với công nhân, mức lương của giáo viên mầm non rất thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, cơ sở của chúng tôi đang thiếu rất nhiều giáo viên, chỉ tiêu 2 giáo viên 1 lớp nhưng hiện đang thiếu đến 11 giáo viên; nguyên nhân cũng đến từ tiền lương. Bởi lẽ, dù đã có quyết định tuyển dụng, song vì đồng lương chỉ vỏn vẹn 3-4 triệu đồng/tháng nên nhiều người "chùn bước".

Với đồng lương khá ít ỏi nên ngoài giờ dạy trên lớp, cô Vũ Thị Hương làm thêm đủ nghề để kiếm sống, như nấu chè bán hay bán rau để có thể bảo đảm thu nhập nuôi các con nhỏ.

Sau khi tăng lương cơ sở, cô Vũ Thị Hương không giấu được vui mừng, cho rằng đây là chính sách ưu đãi, là động lực cho đời sống của giáo viên, vơi đi phần nào nỗi lo "cơm, áo, gạo, tiền" để dành thời gian nhiều hơn với nghề, với trẻ.

Cô giáo Vũ Thị Hương cho rằng, mức tăng lương lần này với những người có hệ số lương thấp như cô vẫn còn khá ít. "Giáo viên chúng tôi mong muốn sau này, Chính phủ sẽ có nhiều ưu đãi hơn nữa cho những người làm công tác giáo dục và quan tâm nhiều hơn đến việc phân bổ tiền lương theo vị trí, nhiệm vụ việc làm của đội ngũ giáo viên chúng tôi", cô Vũ Thị Hương bày tỏ.

Cô giáo Vũ Thị Hương chia sẻ về việc tăng lương.

Nỗi lo tăng giá sau tăng lương

Tăng lương, ai cũng mừng và phấn khởi nhưng niềm vui chưa trọn vẹn bởi nỗi lo tăng giá khi tăng lương.

Bí thư Đoàn Thanh niên Thị trấn Sơn Dương (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) Khuất Trần Trung lo ngại trước việc lương chưa tăng mà giá cả đã nhanh chân "chạy trước".

Anh Khuất Trần Trung mong muốn Chính phủ có nhiều giải pháp như hoãn, giảm thuế, phí… để tránh việc “lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng”, ngăn chặn đà tăng giá các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu với đời sống. Nếu tăng lương mà giá cả hàng hóa cũng tăng theo thì đời sống của người hưởng lương cũng như người lao động nghèo không được cải thiện.

"Để việc tăng lương thật sự là niềm vui trọn vẹn, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp bình ổn giá, không để giá tăng bất hợp lý như 11 lần tăng lương trước đó”, anh Khuất Trần Trung nói.

Nỗi lo lương tăng, giá tăng không chỉ là mối quan tâm của riêng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, mà từ lâu, đó còn là nỗi lo của cả những người bán hàng. Cô Lê Thị Thuần, một tiểu thương tại chợ Hà Đông (Hà Nội) bày tỏ: "Là người buôn bán tự do, khi biết tin người lao động được tăng lương, tôi khá lo lắng. Bởi lẽ, như thường lệ, khi tăng lương sẽ kéo theo nhiều thứ sẽ tăng theo như giá điện, giá xăng,… Trong khi bản thân tôi lại không có lương cố định, do đó, cuộc sống sẽ có nhiều thay đổi".

"Tôi rất mong khi tăng lương lần này, giá các mặt hàng vẫn bình ổn để những người không có lương như chúng tôi dễ mua, dễ bán và không có thêm gánh nặng, nhất là khi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh để lại", cô Lê Thị Thuần chia sẻ.

Không có tình trạng tăng giá khi tăng lương cơ sở

Trước đó, tại họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều tối 24-6, liên quan đến vấn đề kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2023, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có kinh nghiệm trong việc này, khi thực hiện tăng lương cơ sở đi cùng với kiểm soát, điều hành giá.

Quốc hội đã thông qua Luật Giá (sửa đổi), trong đó có các giải pháp kiểm soát giá, thông qua quy định giá đối với các mặt hàng thiết yếu, kê khai giá… Các giải pháp trong Luật Giá (sửa đổi) nhằm kiểm soát giá.

Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, là kiểm soát giá cả hàng hóa thiết yếu và chỉ số CPI. Với sự sát sao vào cuộc từ sớm của Chính phủ và sự giám sát của Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhận định, tình trạng tăng lương không kịp với tăng giá sẽ không xảy ra.

“Đối với mặt hàng kê khai giá, trong Luật Giá quy định kiểm soát giá kê khai trên thị trường. Do vậy, Quốc hội sẽ giám sát việc Chính phủ triển khai Luật Giá (sửa đổi), đặc biệt trong bối cảnh từ ngày 1-7 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang khẳng định.

Thực tế cho thấy, thị trường hàng hóa, dịch vụ thiết yếu từ ngày 1-7 đến nay đã được 11 ngày nhưng hầu như không có biến động về giá cả. Tại hệ thống các siêu thị, chợ dân sinh, giá cả hàng hóa khá ổn định, không có tình trạng tăng giá khi tăng lương cơ sở như đã từng xảy ra trong những lần điều chỉnh tăng lương trước.

THẢO NGUYÊN - HỒNG PHÚC - DIỆU HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cong-chuc-vien-chuc-da-du-song-khi-luong-tang-734084