Công chức và văn hóa sách

Gần đây, số tiền khổng lồ nào đó được nêu ra như điều kiện vật chất cần thiết để người ta có thể thực hiện một công cuộc 'chấn hưng văn hóa đất nước' đã khiến dư luận báo chí và dư luận mạng xã hội phải ào ào như sôi. Số tiền ấy đáng hay không đáng? Nếu có nó rồi, để 'chấn hưng văn hóa đất nước' thì sẽ chấn hưng vào đâu? Những người có trách nhiệm có đảm bảo được rằng dòng tiền sẽ rót vào đúng nơi, hay nó lại tràn vào những chỗ vô thưởng vô phạt nào khác?

Cả xã hội, có thể nói vậy, ráo riết lên tiếng hỏi, nhưng hình như cơ quan chức năng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Riêng tôi vẫn cứ nghĩ rằng: “chấn hưng văn hóa đất nước” là cần thiết - vì nó đặt trên một giả định đúng, rằng văn hóa xã hội đang tạm thời có những sự suy bại nhãn tiền - nhưng trước hết, “chấn hưng văn hóa” là phải nhằm đến chấn hưng những phương diện cơ bản nhất để tạo thành con người văn hóa, điều mà không phải cứ hễ có núi tiền là lập tức mọi vấn đề được giải quyết trọn vẹn. Tóm lại, phải chú ý đến chấn hưng các hành vi văn hóa chủ yếu: cái sự nghe, nói, đọc, viết của mỗi người và của mọi người.

Vì thế, một lần nữa, tôi lại muốn nói về cái sự đọc của người Việt Nam chúng ta hiện nay, chỉ một sự “đọc” thôi: đọc sách. Nhưng người Việt, ngay trong bản thân khái niệm này đã bao hàm những sự phân biệt về tuổi tác, ngành nghề, phạm vi hoạt động, trình độ văn hóa, trình độ thẩm mỹ v.v... Mỗi một giới xã hội có một nhu cầu đọc riêng, không giống nhau. Không tính tới các loại sách phục vụ cho những chuyên môn hẹp (y tế, kỹ thuật, kế toán, thống kê, luật pháp, nông nghiệp v.v...) mà chỉ nói về loại sách vẫn được giới xuất bản gọi bằng cái tên “sách xã hội”, thì xét về lý thuyết, độc giả giàu tiềm năng nhất của loại sách này, theo tôi, phải là những người đang làm việc trong các ngành văn hóa.

Nói là “phải”, vì yêu cầu công việc, vì họ chỉ có thể làm tốt công việc họ đang làm thông qua sự tiếp xúc thường xuyên với sách, liên tục trau dồi kiến thức, liên tục mở rộng và nâng cấp tri thức từ và bằng những con chữ. Thế nhưng, ta sẽ nói gì đây khi một nhà văn Việt Nam từng gọi điện thoại rủ bạn đến tham gia hội thảo về ông “Susaraki” (tức là nhà văn Nhật Bản nổi tiếng thế giới Murakami)? Ta sẽ nói gì đây khi trong một cửa hàng sách lớn nhất Hà Nội, người ta từng đặt cuốn tiểu thuyết “Từ điển Khazar” của Milorad Pavic ở khu vực bày từ điển? Ta sẽ nói gì đây khi ông trưởng đoàn của một đoàn kịch nói vốn nổi tiếng một thời về việc dựng những vở kịch cổ điển của thế giới, hỏi rằng: “Phedre của Racine à? Nó có hay không?”? (Những ví dụ như vậy có thể dẫn ra vô khối, và xin cam đoan rằng tất cả đều là sự thật 100%). Nghĩa là, họ không đọc, mặc kệ cái yêu cầu “phải đọc” mà công việc đặt ra.

Chẳng nói đâu xa, ngay ở nhiều cơ quan báo chí cỡ bự, nơi mà mỗi phóng viên đều tiềm tàng khả năng “mọc mũi sủi tăm” trong mắt thiên hạ, bàn chuyện “văn hóa sách” là bàn tới một điều gì đó khá xa xỉ. Có lẽ đa phần (tôi không dám nói là tất cả) các nhà báo phải làm việc quần quật cả ngày, nên tối về họ mệt mỏi tới mức không đủ sức lật một trang sách. Chính vì thế mà mặc cho dư luận sôi nổi bàn tán về các tác giả văn học Tây Tàu đương đại, họ nghe còn nhỏ hơn tiếng ruồi đập cánh. Chỉ đến khi nào công việc bắt phải đụng tới những vị này, họ mới nháo nhác tất bật: ông/ bà ấy là ai? viết cái gì? đọc có... ra gì không? Đại loại thế.

Đó là tôi mới nói tới các tác giả của văn chương hư cấu, dù sao cũng tương đối dễ đọc. Còn nếu kể tên tác giả của loại sách triết học, tư tưởng, sách nghiên cứu khoa học xã hội..., thì chắc chắn đối với một số bộ phận nhà báo hiện nay, đó sẽ là những cái tên ngang bằng với những cái tên vô danh nhất. Xin được nhận trước khuyết điểm là tôi không thể đưa ra những con số điều tra cụ thể - như lẽ ra phải thế - nhưng tôi tin rằng câu hỏi đặt ra với các nhà báo nọ không nên là: “một tháng các anh/ chị đọc được bao nhiêu cuốn sách?”, mà phải là: “trong một năm liệu các anh/ chị có đọc trọn vẹn được một cuốn sách hay không?”. Thật thế, rất nhiều chuyện đáng ngạc nhiên để rồi sau đó lại thấy chẳng có gì phải ngạc nhiên.

Hiển nhiên là với đối tượng độc giả như những bộ phận nhà báo này - rộng ra, với một bộ phận các công chức văn hóa kiểu này - các nhà làm sách tốt nhất là đừng định hướng mục tiêu kinh doanh của mình vào họ cho khỏi mất công. Không yêu sách, không mê đọc sách, không tìm thấy cái khoái cảm của việc cầm cuốn sách trên tay và lật giở các trang sách thơm mùi giấy mực (có vị còn rất hồn nhiên khoe rằng cứ hễ đọc vài trang sách là hai mắt díp lại, buồn ngủ) họ cũng chẳng việc gì phải mất thời gian tìm sách, chẳng việc gì phải bỏ tiền mua sách về. Điều đáng nói là ở chỗ, làm việc ở những cơ quan báo chí cỡ bự này, họ lại rất thường được người khác tặng sách, biếu sách. Dĩ nhiên là những cuốn sách ấy không may mắn: chúng phải chịu một số kiếp đáng buồn là chẳng bao giờ được đọc, trong khi nhiều người khác cần đọc thì lại không có sách để đọc.

Nhưng việc lớn hơn mà tôi muốn bàn ra từ chuyện này, đó là sự thiếu hụt trong nhu cầu tiêu thụ văn hóa của một bộ phận công chức văn hóa hiện nay. Đừng hy vọng nhiều rằng những công chức văn hóa dị ứng với sách lại có thể vẫn là những công chúng đáng yêu của các loại hình nghệ thuật khác. Không có nhu cầu đọc sách, chẳng có gì đảm bảo rằng họ lại có nhu cầu nghe hòa nhạc, xem phim, xem kịch, ngắm tranh tượng v.v... Một lý do thi thoảng vẫn được người này kẻ khác viện dẫn, là vé vào cửa để thưởng thức những loại hình nghệ thuật ấy quá đắt (đôi khi người ta cũng la làng lên là sách đắt). Có lẽ thế thật. Nhưng hãy thử đặt số tiền để mua một chiếc vé nghe hòa nhạc hay xem vũ kịch (là những loại vé có giá khá cao, vé xem phim xem kịch thấp hơn) cạnh số tiền mà họ bỏ ra (không thấy tiếc) để mua một thỏi son, một chiếc váy, hay thanh toán một bữa nhậu, xem sao?

Bản chất của câu chuyện ở đây dường như chính là sự vắng mặt nhu cầu được tiêu thụ văn hóa để từ đó nâng tầm cái tôi văn hóa của mỗi cá nhân. Vậy nên, không lấy làm lạ khi ngay cả trong trường hợp không phải bỏ tiền ra mua vé (điều này xảy ra khá thường xuyên) thì họ cũng vẫn từ chối cái quyền được là khán giả của giao hưởng, của vũ kịch, của sân khấu, của điện ảnh đích thực. Rất ít có ngoại lệ: những công chức văn hóa loại này phần lớn là những người ghét sách, và ghét chữ. Có thể tôi quá lời, nhưng quả thực tôi có cảm giác rằng dường như đang tồn tại một sự “tái mù chữ” ở một bộ phận công chức văn hóa nào đó: chữ, vốn để đọc và viết. Đọc, thì như ta đã thấy. Còn viết, không lẽ việc soạn thảo giấy đề nghị, công văn, tờ trình các loại cũng đáng được gọi là viết hay sao?

Đã đến lúc phải có lời cắt nghĩa cho chuyện này. Về “văn hóa sách” của toàn xã hội nói chung, nhiều vị đã mổ xẻ và lý giải khá chi tiết, tôi sẽ không lặp lại. Riêng trong chuyện về cái sự đọc của một bộ phận thuộc giới công chức văn hóa hiện nay, xin được nói ngắn gọn rằng việc họ lười, hoặc không đọc, ấy là bởi họ đang hành nghề trong một môi trường công việc mà không cần đọc vẫn có thể làm việc được. Môi trường công việc ấy rõ ràng không đặt ra yêu cầu gắt gao về trình độ chuyên môn và nền tảng kiến thức văn hóa đối với chính những công chức của nó. Làm văn hóa dường như được/ bị coi là việc làm cho có, làm cho xong, thế nào cũng được.

Dĩ nhiên, không thể đòi hỏi bất cứ ai cũng phải là một người yêu sách, mê đọc sách (phải tập, có người bảo rằng đến năm 20 tuổi mà không hình thành được thói quen đọc sách thì kể như đã... hết hy vọng trở thành người yêu sách). Nhưng ít ra, nếu hoạt động trong những môi trường mà việc đọc sách là một sự bắt buộc, vì không đọc thì không thể nâng cao tri thức để đáp ứng yêu cầu do công việc đặt ra, thì theo tôi, chắc chắn là chúng ta sẽ phải nói về “văn hóa sách” của giới công chức văn hóa hiện nay theo một cách khác.

Tóm lại, tôi muốn kết thúc bằng một câu hỏi: khi mà một bộ phận những công chức văn hóa - những người lẽ ra phải đọc sách một cách ráo riết nhất - không, hoặc lười đọc sách, thì việc văn hóa sách” của toàn xã hội xuống cấp có đáng để chúng ta phải xem như một việc quá đỗi nghiêm trọng và bất bình thường hay không? Câu hỏi, có lẽ tự nó đã là câu trả lời.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/cong-chuc-va-van-hoa-sach-i714754/