Công bố phát hiện mới về dải Ngân Hà

Một nghiên cứu vừa được công bố về vị trí của Hệ Mặt Trời trong dải Ngân Hà (thiên hà Milky Way) đã làm thay đổi những quan niệm cũ.

Trước đây, nhiều nhà khoa học cho rằng, Hệ Mặt Trời - trong đó có Trái Đất - nằm ở một khu vực hẻo lánh của dải Ngân hà.

Dải Ngân hà có hình dạng giống như một cái đĩa khổng lồ, với bốn “cánh tay” vươn dài từ trung tâm thiên hà ra bên ngoài. Đó là những vùng không gian vũ trụ rất lớn, chứa các ngôi sao, các hành tinh, khí và bụi. Hệ Mặt Trời nằm ở rìa của “cánh tay” có tên là “Cánh tay Orion” (Orion là tên một chòm sao).

Dải Ngân hà (Milky Way) được chụp ảnh vào một đêm không trăng (Nguồn: AP).

Nhà thiên văn học Mark Reid của Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian ở Massachusetts cho biết: “Trong lịch sử, “Cánh tay Orion” không nhận được nhiều sự quan tâm của giới khoa học... Mọi người cho rằng, nó chỉ là một vùng không gian nhỏ hẹp".

Tuy nhiên, công trình nghiên cứu mới mà ông Reid là đồng tác giả vừa được công bố hôm 28/9 vừa qua lại chứng minh được rằng, “cánh tay” này có chiều dài tới hơn 20.000 năm ánh sáng, gấp bốn lần những gì giới khoa học từng quan niệm. Mặc dù vậy, "Cánh tay Orion" vẫn ngắn hơn 3 “cánh tay” kia.

Theo nhà khoa học Denilso Camargo (Đại học Liên bang Rio Grande do Sul, Brazil), "nghiên cứu nói trên đã cung cấp những thông tin quan trọng về thiên hà của loài người chúng ta".

Theo baoquocte

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cong-bo-phat-hien-moi-ve-dai-ngan-ha-post210348.info